01/05/2014 10:07 GMT+7

Không nên thay thế con mình

DIỄM NGUYỄN
DIỄM NGUYỄN

TT - LTS: Nhiều bạn đọc gửi ý kiến tham gia chuyên mục “Câu chuyện giáo dục” sau hai bài viết “Con hoang mang vì định hướng của mẹ” và “Trả bằng cho bố mẹ”. Chúng tôi giới thiệu tiếp bài viết dưới đây và xin tạm khép lại chủ đề này.

Con hoang mang vì định hướng của mẹTrả bằng cho bố mẹ

CJvphdpq.jpgPhóng to
Không chỉ căng thẳng vì những kỳ thi quan trọng, nhiều học sinh lớp 12 còn chịu áp lực không nhỏ từ những định hướng của cha mẹ. Trong ảnh: Thí sinh tranh thủ ôn bài trước giờ vào thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

Từ một tháng lại đây, tất cả phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào kỳ thi quyết định của 12 năm cắp sách đến trường đều rất hăm hở bàn luận về chủ đề định hướng cho con. Trong số những bậc làm cha làm mẹ đang nôn nao, lo lắng ấy không thể thiếu gia đình chị Hai tôi. Năm nay Thanh Duy nhà chị cũng sẽ trở thành sĩ tử trong kỳ thi tuyển sinh đại học đầy cam go.

“Tốt nghiệp, không học vẫn đậu”

Từ đầu năm học lớp 12 của Duy, tôi đã nhận thấy không khí căng thẳng trong gia đình anh chị, đặc biệt là trên gương mặt chị Hai. Thanh Duy là học sinh giỏi suốt 11 năm liền. Như tất cả những bà mẹ có con học giỏi khác, chị Hai kỳ vọng rất nhiều vào thành tích mà Duy sẽ đạt được trong kỳ thi đại học này. Chị Hai tôi không mấy quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới. Chị yêu cầu cháu tôi phải học ba môn chủ đạo là toán, lý, hóa để thi tuyển vào Trường đại học Bách khoa như đúng nguyện vọng của chị.

Thương anh chị không biết sử dụng máy vi tính nên khi lên mạng có bao nhiêu tin tức về đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp 2014, tôi đều in ra để anh chị tiện tham khảo. Nhưng tôi thật sự bất ngờ trước phản ứng của bậc phụ huynh này:

- Cô Út làm việc thừa quá hà (anh Hai cầm những tờ báo tôi đưa phán như thế)!

- Thi tốt nghiệp thì có gì quan trọng đâu cô. Giờ vợ chồng tôi chỉ tập trung toán lý hóa cho cháu thi đại học thôi. Tốt nghiệp, không học gì thi cũng đậu mà cô (chị Hai tiếp lời).

Là một người làm giáo dục, tôi thật sự rất bất ngờ trước suy nghĩ của anh chị mình. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ảnh hưởng rất nhiều đến thi đại học. Ấy vậy mà anh chị tôi dường như không hề quan tâm đến và thậm chí cho rằng thi tốt nghiệp không học bài vẫn đậu.

“Con nít biết gì?”

Không dừng lại ở việc nhận thức sai về kỳ thi tốt nghiệp, tôi thật sự sững sờ khi chứng kiến anh chị tư vấn chọn trường cho Thanh Duy. Anh Hai quả quyết: “Kỳ này nhất định phải đậu khoa chế tạo máy Đại học Sư phạm kỹ thuật cho ba”. Chị tôi cướp lời: “Máy móc gì ở đây? Con phải thi quản lý công nghiệp cho mẹ”. Thằng cháu tội nghiệp của tôi lí nhí trả lời: “Con thấy thi sư phạm toán của Đại học Sư phạm cũng ổn mà ba mẹ. Con thích làm thầy giáo”.

Tôi nhận thấy được sự khó chịu biểu hiện ngay trên gương mặt anh chị nên đỡ lời cho cháu: “Em thấy cháu nó chọn như vậy cũng hay mà anh chị. Mình nên cho cháu chọn ngành nghề cháu thích”.

Anh Hai tôi quát: “Cô đừng bênh vực nó. Làm thầy giáo để nghèo suốt đời à? Giám đốc, kỹ sư không làm, đi làm thầy giáo để nghèo suốt đời à?”. Chị Hai tôi tiếp lời trong căng thẳng: “Không bàn cãi nữa! Ba mẹ đã quyết định rồi. Con thi trường nào là do ba mẹ lựa chọn. Con nít biết gì”.

Buổi nói chuyện kết thúc trong không khí tức giận pha lẫn uất ức. Nhìn dáng thằng cháu tôi còm nhom lầm lũi bước về phòng, tôi thầm nghĩ nghề nào cũng là nghề, tại sao anh chị tôi lại phân biệt như thế. Nếu không có những nhà giáo mà anh chị cho là nghèo suốt đời thì liệu con trai anh chị có trở thành học sinh giỏi? Tại sao anh chị không để cho cháu tôi tự do chọn nghề cho mình? Anh chị tôi thật sai lầm khi nghĩ Thanh Duy là con nít. Vài tháng nữa thôi cháu tôi đã trở thành chàng sinh viên rồi. Có thể anh chị tôi có nhiều kinh nghiệm sống hơn cháu ở trường đời, nhưng chắc gì ở trường học, sự lựa chọn của cháu không hay hơn sự lựa chọn của anh chị.

Kỳ thi đại học sắp đến gần, tôi tin chắc không chỉ riêng gia đình anh chị tôi mà đa số những gia đình có con em học lớp 12 đều có chung tâm trạng. Tôi thiết nghĩ trong vài tháng ngắn ngủi, các em phải đối mặt với hai kỳ thi quan trọng đã quá căng thẳng rồi. Người lớn không nên tạo thêm áp lực cho các em trong việc chọn trường, chọn nghề. Các bậc làm cha làm mẹ hãy nên là chỗ dựa cho các em chứ không nên thay thế các em làm người quyết định trong kỳ thi đại học sắp tới.

DIỄM NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên