26/04/2014 06:09 GMT+7

Không phải việc của bộ!

TẠ QUANG SUM (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh)
TẠ QUANG SUM (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh)

TT - Từ lâu nay, việc viết và phát hành sách giáo khoa (SGK) thuộc độc quyền của Bộ GD-ĐT. Đã có thời SGK là pháp lệnh giáo dục mà người dạy có trách nhiệm phải chuyển đến người học không được thiếu dù chỉ một dòng chữ. Tư duy ấy vẫn còn đọng lại nhiều nơi đến tận bây giờ, vì vậy hằng năm cứ vào đầu thu khi lá ngoài đường bắt đầu rụng, thì hàng triệu bộ SGK lại tỏa về khắp chốn thị thành, thôn quê, làng bản. Để mỗi cô cậu học trò sẽ được - phải cầm trên tay một bộ sách hầu như không thiếu quyển nào, từ sách học, sách tham khảo, sách bài tập, sách ôn luyện...

Bộ GD-ĐT xin lùi thời hạn trình đề án đổi mới chương trình, SGKĐừng hoang phí khi đổi mới sách giáo khoaSốc với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Thời bao cấp học sinh còn được mượn SGK miễn phí từ tủ sách dùng chung. Nguồn kinh phí trang trải cho SGK thời nào cũng rất lớn, là nguồn lợi cực lớn của rất nhiều cơ quan, tập đoàn, con người liên quan đến lĩnh vực SGK. Việc sử dụng SGK hầu như không đúng với ý đồ và chức năng chính thống của sách vốn là nguồn dữ liệu văn bản. Sách giáo viên để thầy cô dùng trong việc soạn giảng, sách học sinh để người học tìm hiểu trước khi tiếp thu bài giảng, để bổ sung phần kiến thức mở rộng không thể học đại trà trên lớp... Thế nhưng phần lớn thầy cô giáo chỉ chép lại một ít kiến thức từ SGK để có cái gọi là giáo án phục vụ việc kiểm tra. Gần đây có thêm “giáo án điện tử” thì cứ vô tư download trên mạng xuống là có ngay tác phẩm của mình. Học sinh thường chỉ đặt quyển sách trên bàn, hoặc dò theo từng đoạn thầy giảng, hoặc không nghe giảng gì hết mà cứ tranh thủ chép trước một số đoạn cho xong bài học.

Thầy cô giáo vận động học sinh mua sách theo chỉ tiêu được giao từ nhà trường, cha mẹ mua cho con bộ sách như là hoàn tất nghĩa vụ. Người bán là nhà xuất bản thì thu đủ. Để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục VN cần đặt lại những vấn đề liên quan đến SGK một cách thẳng thắn và toàn diện, nhằm thực hiện đầy đủ việc hỗ trợ thực thi nhiệm vụ đổi mới nền giáo dục quốc gia, chứ không chỉ quanh quẩn trong những toan tính cục bộ nhằm bảo hộ chỉ về kinh tế.

Hiện thời mạng thông tin đã phủ khắp cả nước, sự truy cập dễ dàng với mọi người giúp giải tỏa việc thiếu tài liệu nghiên cứu của cả thầy và trò. Như vậy phần lớn quá trình diễn ra ở trường học không còn hoàn toàn phụ thuộc vào SGK nữa. Bộ GD-ĐT chỉ cần ban hành chương trình giáo dục các bộ môn, kèm theo chuẩn kiến thức. Cho phép tư nhân tổ chức phát hành sách, các nhà phát hành sẽ mời người viết và trình Bộ GD-ĐT thẩm định cấp giấy phép phát hành trên thị trường. Mỗi học sinh không nhất thiết phải mua trọn bộ sách của lớp đang học, sách tham khảo sẽ có giá trị và cần thiết hơn cho từng người học. Thầy cô sẽ giới thiệu với học sinh những địa chỉ cần thiết truy cập tài liệu trên mạng truyền thông. Như vậy không cần thiết phải khái toán 50 tỉ - 100 tỉ - 5.000 tỉ đồng cho mảng SGK, số tiền thực tế cần thiết để tổ chức việc quản lý viết và phát hành SGK sẽ rẻ hơn rất nhiều. Quá trình đổi mới nào cũng tạo ra nhiều tâm lý ngần ngại, nếp nghĩ cũ tạo tư duy ôm đồm ở nhiều nhà quản lý, không dám buông ra vì sợ sẽ “loạn” khi có sự xuất hiện quá nhiều bộ SGK. Chính quá trình chọn lọc và chấp nhận của người sử dụng sẽ loại trừ mọi tiêu cực. Một quyển sách hay sẽ được quảng bá rộng rãi và giới thiệu đến người đọc trên khắp cả nước. Như vậy biện luận chỉ nhằm kéo dài bảo hộ, hoàn toàn không có lợi cho thực thi chiến lược đổi mới giáo dục.

TẠ QUANG SUM (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên