03/04/2014 02:20 GMT+7

Giáo viên kiêm... điều tra viên

THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)
THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

TT - Ngoài việc gieo con chữ cho học sinh, giáo viên còn kiêm thêm nhiều công việc khác nữa. Một trong những công việc kiêm nhiệm ấy mà khá nhiều giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giám thị, giáo viên quản nhiệm (trường tư thục) phải làm là làm “điều tra viên”.

b1T8t5uD.jpg

Với tôi, đã gắn bó 11 năm trong nghề, tôi đã làm điều tra viên hàng chục lần. Có những lần điều tra không kém phần cam go khi đối diện với... “đối tượng” học trò. Và trong hàng chục lần ấy, tôi nhớ nhất và ấn tượng nhất là ba trường hợp ở ba trường khác nhau.

Lần thứ nhất vào năm học 2003-2004, ngay năm đầu tiên vào nghề tôi được giao quản nhiệm nội trú lớp 12. Vào một buổi trưa sau khi cả phòng ngủ dậy, một học sinh báo cho tôi rằng em bị mất 50.000 đồng. Trước đó, vài em trong phòng thấy N.V.T. đứng ở cửa tủ của bạn mất tiền nên đã báo cho tôi rằng T. lấy. Xì xào bàn tán một lúc, tôi nói với các em: “Đã tới giờ học rồi, các em xuống lớp đi. Chuyện này để thầy giải quyết sau. Chưa biết ai lấy hết, các em không được nghi ngờ lung tung”.

Lựa lúc thuận lợi nhất, tôi gặp riêng T.. Bằng nghiệp vụ của mình, tôi nói với T.: “Lúc chiều các bạn nói em lấy tiền, em biết rồi đấy. Thầy nói với các bạn phải tìm hiểu rõ sự thật mới kết luận, không được nghi ngờ lung tung như thế. Em biết không, thực tế lúc trưa thầy thấy em lấy tiền của bạn nhưng thầy không nói ra, sợ cả phòng rồi cả trường sẽ biết em như thế. Mà em lại đang học lớp 12, như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc học tập của em nên thầy đã bảo vệ em. Thầy chỉ mong rằng từ nay trở về sau, dù có thiếu tiền thế nào đi chăng nữa em cũng không nên hành động như vậy. Thầy tin rằng qua bài học hôm nay, em sẽ làm được điều đó và nhớ mãi lời thầy”.

Chỉ mấy lời đơn giản vậy thôi, thế là T. đưa tiền để tôi trả cho bạn. Khi đem trả cho học sinh, tôi nói với cậu ấy: “Bạn lấy tiền của em đã nhận ra sai lầm của mình. Em không cần biết đó là bạn nào nhé. Và chuyện này coi như kết thúc”. Cậu học trò cảm ơn tôi và vui vẻ nhận lại tiền. Còn tôi, quả thật cũng khá bất ngờ vì một thầy giáo trẻ “điều tra” nhanh đến thế và hiệu quả đến thế.

Lần thứ hai là vào năm học 2005-2006 tại ngôi trường khác, một học sinh bị mất điện thoại, cả lớp đều cho rằng K. và P. là thủ phạm. Hai ngày liên tục bị bắt viết tường trình, K. và P. vẫn một mực không nhận. Khi tôi vào cuộc, mấy giờ đối thoại, viết tường trình, cả hai vẫn ngoan cố mặc cho tôi ra sức thuyết phục và khuyên bảo. Tôi nghĩ chắc vụ này phải bó tay. Rồi tôi lại tiếp tục cho hai em viết lại tường trình, mỗi em vẫn ngồi mỗi lầu khác nhau như trước. “Nghiệp vụ” lại lóe lên trong đầu tôi. Mấy phút sau tôi cầm bản tường trình của P. đọc cho K. nghe. K. ngỡ ngàng trước lời “thú tội” của P. Thế là K. khai ra sự thật. Mấy phút sau tôi lại bước lên lầu trên đọc nội dung bản tường trình của K. cho P. nghe, P. cũng ngỡ ngàng trước lời khai sự thật của K. Thế là tôi đã phá được “vụ án” cam go ấy.

Lần thứ ba là vào năm học 2009-2010 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên. Sau giờ ra chơi, một học sinh phát hiện mất điện thoại. Cả lớp cho rằng thủ phạm là P.V.M. vì lúc ra chơi chỉ có M. trong lớp. Đến giờ dạy tôi cho cả lớp tìm nhưng không có kết quả. Cô giám thị gọi M. và một số bạn ra làm việc nhưng M. vẫn một mực không nhận. Rồi tôi tiến hành bài giảng bình thường. Trước lúc tan trường, tôi đã lấy số điện thoại của M.

Tối về tôi gọi: “M. ạ! Thật ra chuyện lúc chiều thầy biết cả rồi. Các bạn nói là em lấy nhưng thầy vẫn không nói ra. Thầy sợ ảnh hưởng tới tâm lý của em nên thầy im lặng. Em biết không, giờ ra chơi thầy vẫn còn ngồi lại ở phòng lớp 6 (trường hình chữ U, lớp 6 đối diện lớp 7). Thầy nhìn qua và đã thấy em. Thầy biết tất cả rồi. Bây giờ em nói cho thầy biết em đã giấu điện thoại chỗ nào để thầy đến lấy. Thầy sẽ trả lại cho bạn ấy và cả lớp không biết việc này đâu”. Thế là M. cho tôi hay chỗ em giấu điện thoại. Sau này tìm hiểu tôi biết M. sống ở mái ấm. Tôi cũng đã tâm sự, chia sẻ và dạy dỗ em những bài học làm người.

Quan niệm của tôi trong việc dạy học trò là dạy bằng cả yêu thương, dạy bằng cả tâm hồn mình. Người thầy đến lớp không chỉ gieo con chữ cho học sinh mà còn gieo nhiều thứ khác nữa: gieo tâm hồn sống đẹp, kỹ năng sống... Nếu học trò vi phạm kỷ luật, thầy cô cần kỷ luật bằng tình thương, cảm hóa các em bằng lối sống đẹp. Khi điều tra học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên cần tinh tế trong cách ứng xử thì dễ thành công và cảm hóa được học sinh. Tùy từng trường hợp mà thầy cô cần linh hoạt xử lý tình huống, xử phạt. Theo tôi, hình phạt hiệu quả nhất và nhân văn nhất là cảm hóa con người.

Từ ngày 26-3 đến 1-4, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Trọng Thức (Thanh Hóa), Nguyễn Khắc Phê (Huế), Huỳnh Lê Đức Hợp (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Trần Ngọc Đức Anh (Bình Thuận), Đông Nguyễn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đỗ Thị Thùy Dương (Tây Ninh), Thái Hoàng, Triệu Ngọc Diệp, Trần Ngọc Dung, Dương Văn Minh Lộc, Trần Văn Tám, Đoàn Tiến Thụy Hiền, Lê Phương Trí

(TP.HCM), Lê Minh Hoàng (Tiền Giang), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu), Nguyễn Trung Nguyên (Đồng Tháp) cùng các tác giả Cao Hàn Long Hải, Trăng Lạnh, Nguyễn Ngọc Hà, Trịnh Thị Thủy, Thu Hương, Trần Tín Nghị, Diễm Nguyễn...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho hai chuyên mục qua email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm, chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng.

TUỔI TRẺ

THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên