05/03/2014 11:26 GMT+7

Những trái tim cằn cỗi

ĐÔNG NGUYỄN
ĐÔNG NGUYỄN

TT - Sau tết vẫn đều đặn chở con gái tới trường như mọi hôm nhưng tôi bỗng cảm thấy hình như thiêu thiếu một cái gì đó.

Suy nghĩ một lúc mới chợt nhớ ra cô bé tóc ngắn cùng lớp với con gái tôi sáng nào cũng ngồi ăn xôi trước cổng trường dạo này không thấy xuất hiện.

jV6TUSlH.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Hỏi thăm bác bảo vệ thì bác cho biết trước tết cháu bé bị sốt xuất huyết nặng nên gia đình phải đưa lên thành phố điều trị đến tận bây giờ vẫn chưa thấy về. Về nhà hỏi thăm con gái tại sao bạn bị bệnh nặng mà con không biết, con gái tôi im lặng một lúc rồi trả lời khi thấy bạn không đi học thì cứ tưởng bạn về quê ăn tết sớm nên không hỏi thăm!

Không biết bạn bệnh

"Trong suy nghĩ của các bậc làm cha làm mẹ bao giờ cũng có một mơ ước rằng con cái họ sau này sẽ giàu có và danh vọng, chứ ít người lại mong con họ sau này sẽ có một tấm lòng nhân ái nồng hậu"

Cách đây mấy tháng, trong một lần vào bệnh viện thăm người thân, tôi bỗng nhìn thấy một cậu con trai có vẻ quen quen. Ngồi hỏi chuyện một lúc thì hóa ra cậu con trai này học chung lớp với thằng con nhà tôi. Cậu con trai nằm viện một mình mà không có ai trông nom vì mẹ phải phụ việc cho một quán cơm đến tối rảnh mới vào thăm được. Về nhà tôi hỏi con trai tại sao bạn bị bệnh nằm bệnh viện mà không ai biết tin vào thăm, cháu nói thấy bạn nghỉ học cứ tưởng bạn bận việc gì đó chứ không biết bạn bị bệnh!

Nghe hai đứa con nói chuyện mà lòng tôi bỗng cảm thấy day dứt và buồn. So với thời đi học của tôi cách đây hơn 30 năm về trước thì quả thật lứa học sinh bây giờ có vẻ quá bàng quan, thờ ơ với mọi người xung quanh. Ngày ấy mỗi khi đi học thấy bạn nào vắng mặt một ngày là sau giờ học gần như cả lớp kéo đến nhà bạn đó để hỏi thăm sức khỏe nếu chẳng may chính bản thân bạn hay người thân trong gia đình bạn ấy bị bệnh.

Tôi nhớ năm tôi học lớp 9, một bạn nữ trong lớp bị bệnh viêm phổi. Khi thấy bạn vắng mặt ở lớp học, sau giờ học cả lớp đến nhà hỏi thăm sức khỏe của bạn. Chủ nhật tiếp theo, cả lớp đăng ký đi làm cỏ cho một nông trường gần đó để lấy tiền mua thuốc men cho bạn. Buổi chiều chúng tôi còn phân công lúc nào cũng có một bạn trực ở nhà bạn bị ốm để giúp đỡ cho đến ngày bạn hoàn toàn khỏe mạnh...

Món hàng xa xỉ

Coi chừng phản tác dụng

Nhiều người cho rằng với lịch học hành dày đặc và nặng nề như hiện nay, những đứa trẻ không còn đủ thời gian để quan tâm đến người khác. Học quá nhiều nhưng học sinh lại không được bồi dưỡng một tấm lòng nhân ái căn bản thì coi chừng cái sự học ấy lại phản tác dụng. Hậu quả nhãn tiền thảm khốc của việc xem nhẹ giáo dục lòng nhân ái cho học sinh là tỉ lệ phạm tội trong tầng lớp thanh thiếu niên ngày nay đã tăng vọt về số lượng nhưng lại giảm mạnh về độ tuổi phạm tội.

Trong thời buổi hiện đại này, chúng ta đã cố gắng dạy dỗ con em mình đủ mọi kiến thức trong cuộc sống: toán, văn, lý, hóa, ngoại ngữ... và đủ các kỹ năng sống hiện đại, nhưng riêng lòng nhân ái thì dường như lại bị quên mất. Lòng nhân ái ngày nay bỗng trở thành hiếm hoi như một món hàng xa xỉ.

Xét cho cùng thì lỗi chủ yếu là do người lớn. Những bà mẹ ông bố luôn trề môi mỗi khi nghe con muốn giúp đỡ một ai đó: ốc còn không mang nổi mình, huống chi là... Họ luôn cảnh giác xem con mình có bị dụ dỗ hay sa vào một cạm bẫy nào đó khi con bày tỏ ý kiến muốn giúp một ai đó. Tính ích kỷ và thói nghi ngờ của người lớn đôi khi đã bóp chết lòng nhân ái của những đứa trẻ ngay khi đang còn trong trứng nước. Hậu quả là một thế hệ trẻ ngày nay tuy có vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng lại thiếu một chiều sâu trong tâm hồn.

Ở trường học người ta tổ chức rất nhiều hội thảo về kỹ năng sống để thành công và làm giàu, nhưng hầu như có rất ít các cuộc hội thảo mà ở đó người ta nói về lòng nhân ái. Một nhà hiền triết phương Tây từng thốt lên rằng nếu có đánh đổi tất cả mọi thứ trên đời này để lấy một thứ thì ông chỉ lấy thứ duy nhất: lòng nhân ái. Những đứa trẻ ngày nay có thể biết đủ mọi thứ trên đời, thế nhưng lại hoàn toàn mù tịt mỗi khi được hỏi về Mẹ Teresa - một thánh nữ của lòng nhân ái, hay về một quỹ từ thiện dành cho những trẻ em bị ung thư có tên là Ước mơ của Thúy...

Nhiều đêm bỗng thức giấc rồi trằn trọc khó ngủ vì sợ rằng một ngày nào đó trái tim những đứa trẻ con cháu mình sau này sẽ trở nên cằn cỗi xơ cứng, linh hồn của chúng sẽ hóa đá trước những nỗi đau của con người. Chúng sẽ trở nên những con robot không hơn không kém và sẽ phải hoạt động theo một nguyên lý duy nhất: mackeno (mặc kệ nó). Tự kiểm điểm lại thì thấy chính bản thân mình đã có lỗi rất lớn khi không gieo được những hạt giống nhân ái vào tâm hồn con em chúng ta. Thôi thì hãy tự trải lòng mình ra với những đứa trẻ rằng chúng ta sẽ hết lòng ủng hộ nếu chúng muốn giúp đỡ một ai đó. Và có lẽ chúng ta cũng không nên quên cho chúng một lời khuyên chân tình: bớt học, bớt chơi đùa một chút để còn có thời gian rảnh rỗi quan tâm đến mọi người xung quanh.

Từ ngày 24-2 đến 4-3, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các bạn đọc: Minh Thái (Hà Nội), Trọng Thức, Phinh Nguyễn (Thanh Hóa), Lê Triều Sơn, Trần Hoàng, Nguyễn Thế Hữu (Huế), Nguyễn Thị Thu Hiền, Lê Thị Thanh Huyền, Thiện Ngôn (Đà Nẵng), Lý Thị Thủy, Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Phan Văn Kiểm (Quảng Nam), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Đức Hương (Ninh Thuận), Trương Văn Phương (Bình Phước), Lê Phạm Phương Lan, Nguyễn Văn Công, Vũ Thị Ni Na, Đặng Thị Lan Hương (Đồng Nai), Trần Văn Tám, Dương Văn Minh Lộc, Hoàng Đức Huy, Trần Thị Liên, Hữu Chơn,

Duy Nguyễn, Lê Phương Trí, Phạm Kim Sơn, Đỗ Thị Huỳnh Hoa, Vũ Văn Dũng, Trần Thị Hoa, Chung Diệu Tùng, Nguyễn Văn Phước (TP.HCM), Nguyễn Thị Kim Phượng, Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Lê Minh Hoàng, Dương Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Huỳnh Hiếu Thảo (Vĩnh Long), Trầm Thanh Tuấn, Nguyễn Chiêu Dương, Lê Công Sĩ (Trà Vinh), Nguyễn Thành Nam, Triệu Mỹ Ngọc (Cần Thơ) cùng các bạn đọc Nguyễn Trường Nhân, Thái Hoàng, Phạm Ngọc Bảo Linh, Đỗ Phi, Việt Anh, Bảo Uyên, Nguyễn Minh Hải, Ngô Thị Mai, Nguyễn Thành Liêm, Lá Xanh...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho hai chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc tòa soạn báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

TUỔI TRẺ

ĐÔNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên