"Trăm sự nhờ thầy"

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TT - 1. M. - một học sinh lớp tôi - từ đầu năm học đã thường xuyên đi trễ, thỉnh thoảng lại nghỉ học. Lần nào tôi hỏi lý do, em cũng ấp úng rồi trả lời là ngủ quên.

Nhắc nhở em nhiều lần và ghi vào vở báo bài cho phụ huynh ký tên nhưng vẫn không tiến bộ. Tôi gọi điện thoại cho phụ huynh, mẹ em trả lời: “Thầy la cháu giùm, chứ tối nào nó cũng thức xem tivi. Tôi bảo nó đi ngủ, nó không đi. Sáng kêu nó dậy, nó không dậy. Có hôm kêu hoài nó không dậy, tôi bực mình cho nó nghỉ luôn. Tôi nhờ thầy răn đe cho nó sợ, hết thức khuya. Tôi cảm ơn thầy nhiều lắm”.

2. Vừa biết B. trốn học, tôi điện thoại báo phụ huynh vào ngay. Mẹ em trả lời: “Ủa, sao hôm nay nó nói trường cho nghỉ, thầy cô họp?”. Tôi trả lời rằng nếu nghỉ tôi đã thông báo qua vở báo bài. “Trưa nay tôi về sớm, thấy nó từ trong tiệm net đi ra. Tôi hỏi, nó nói thầy cô họp, cho nghỉ. Nó có bao giờ đưa tôi vở báo bài đâu mà biết. Vợ chồng tôi bận quá thầy ơi, nhờ thầy để ý, dạy nó giúp. Tôi mang ơn thầy”.

3. Hơn một tuần T. đến lớp mà không có sách vì làm mất cặp khi đi đâu đó với ba mẹ sau giờ tan học. Thế nhưng em chỉ mua vài quyển vở và cây bút mực. Nhắc nhở nhiều ngày nhưng em vẫn không có. Liên hệ với ba em, ông nói: “Nhờ thầy kỷ luật nó thiệt nặng cho tôi”. Tôi bảo phụ huynh không mua lại sách cho cháu thì làm sao cháu học, mà kỷ luật cái gì. “Ủa, mẹ nó chưa mua lại cho nó hả thầy? Vậy thầy mua cho cháu đi rồi tôi gửi tiền lại cho thầy”.

4. Vừa đi dạy về đến nhà, điện thoại reo, đầu dây là ba em H.. “Tôi là ba của cháu H. nhờ thầy giúp giùm. Dạo này cháu H. quậy quá thầy ơi, nó thường xuyên ăn cắp tiền để đi chơi game. Tôi la nó hoài mà nó không nghe. Mấy lần trước nó chỉ lấy vài chục ngàn. Hôm nay nó dám lấy của bà nội 200.000 đồng đó thầy”...

5. Việc giáo dục một đứa trẻ là sự kết hợp chặt giữa gia đình và nhà trường. Gia đình là cái nôi của giáo dục. Chính từ môi trường gia đình trẻ khôn lớn, trưởng thành. Trẻ càng nhỏ thì giáo dục của gia đình càng quan trọng. Những nề nếp trong sinh hoạt, cách cư xử, lối sống... của trẻ, cha mẹ chính là người gần gũi nhất, dạy cháu từ thuở con thơ. Thế nhưng những năm gần đây phụ huynh quá cưng chiều con, mải mê với việc kiếm tiền, gần như giao khoán việc giáo dục con cho nhà trường. Vai trò của cha mẹ đâu trong việc dạy dỗ con mình mà cứ “trăm sự nhờ thầy”! Rất mong phụ huynh hãy suy nghĩ, xem xét lại. Giáo viên chúng tôi đã quá ngán ngẩm với câu nói ấy!

Trao giải “Giáo dục dưới mắt mọi người” cho ba tác giả

Ba tác giả Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Trung Nguyên và Nguyễn Lê với ba bài viết trong cùng chủ đề “Thi đua... đóng kịch trong ngành giáo dục” (Tuổi Trẻ ngày 6-1-2014) đã được chọn để trao giấy chứng nhận bài viết hay nhất tháng 12 của chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người”. Đây là những bài viết nhận được sự quan tâm từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ và nhận được nhiều phản hồi bởi câu chuyện “bệnh thành tích”, “diễn kịch” của ngành giáo dục từ lâu đã là nỗi bức xúc âm ỉ của những người công tác trong ngành giáo dục.

Tác giả Nguyễn Phi Hùng, một giáo viên lâu năm tại Phú Yên, cho biết: “Những câu chuyện này đã kéo dài từ xưa tới nay, giáo viên trong ngành ai cũng biết, cũng bức xúc nhưng cứ im lặng làm theo “kịch bản”. Tôi chỉ thay họ viết báo để nói lên nỗi lòng của giáo viên chúng tôi khi căn bệnh thành tích của ngành giáo dục vẫn còn nặng nề”.

Chúng tôi sẽ chuyển giấy chứng nhận và các phần quà (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng) qua đường bưu điện. Riêng tác giả Nguyễn Lê, chúng tôi rất mong nhận được hồi âm qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn vì không có địa chỉ cụ thể.

Hằng tháng và hằng quý, Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục chọn trao giấy chứng nhận bài viết hay nhất cho các tác giả cộng tác chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” với phần thưởng trị giá 1 triệu đồng cho bài viết hay nhất tháng và 3 triệu đồng cho bài viết hay nhất quý. Danh sách bài viết gửi về chuyên mục tiếp tục được đăng trên báo ngày và Tuổi Trẻ Online. Tuổi Trẻ mong muốn đón nhận thêm bài cộng tác của bạn đọc là phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu... cho chuyên mục để trang báo ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống giáo dục, phản ánh được những tâm tư, tình cảm và sự sẻ chia của bạn đọc.

Thư và bài xin vui lòng gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: giaoduc@tuoitre.com.vn, kèm địa chỉ và số tài khoản ngân hàng để tiện liên hệ.

TUỔI TRẺ

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên