Đừng cho em quá nhiều áp lực

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

TT - Buổi chiều dạy hết tiết năm, tôi về nhà trời đã chạng vạng tối. Chưa kịp trút bộ áo dài, vừa thả túi xách xuống thì nghe giọng nói nghèn nghẹn ngoài cửa:

- Cô ơi! Lát mẹ em đến nhờ cô nói giùm khéo khéo chứ chắc mẹ giết em mất!

Tôi nhìn em đồng cảm. Tâm là cô học trò giỏi văn nhất lớp 10A mà tôi đang phụ trách. Tôi an ủi: “Ừ, em an tâm, nhất định cô sẽ giúp em gỡ rối!”. Vừa xin phép tôi ra về thì mẹ em bước vào, chưa kịp ngồi xuống tôi đã nghe chị hậm hực. Chị nói một hơi dài, hả hê trút ra những ấm ức: “Ngày mai tôi sẽ đi thẳng lên gặp ban giám hiệu. Tôi nói với cô thà con tôi nó học dở, tôi sẽ thấy bình thường với kết quả này. Đằng này cô nghĩ mà coi, con nhỏ chín năm liền là học sinh giỏi, đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chứ ít gì. Vậy mà bây giờ môn lý chỉ 4,8. Tui hỏi cô dạy dỗ kiểu gì mà một đứa học sinh giỏi không hiểu bài thì những đứa khác học làm sao đây?”.

Lúc thì “tôi”, lúc nói “tui”, biết chị bức xúc, tôi im lặng lắng nghe. Chị vừa dứt lời, tôi cố gắng nói thật nhẹ nhàng: “Chị à, em sẽ nói chuyện với tư cách là một đứa em cùng xóm chứ không phải với tư cách là cô giáo của Tâm. Chị biết không, chương trình học, phương pháp dạy của cấp II không giống cấp III. Lớp đầu cấp có thể em Tâm sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ...”. Không để tôi nói tiếp, chị ấy chen ngang: “Giờ tui về thì nó sẽ nát đòn với tui. Sẵn đây tui cũng chuyển trường luôn. Tui thấy dạy dỗ kiểu này không ổn rồi!”.

Phụ huynh nói như vậy, là giáo viên tôi thấy lòng đắng chát. Bây giờ thì ở vào thế khó xử, nói tốt về trường mình thì ai nghe, hùa theo phê phán càng không đúng. Tôi đành nói một cách trung dung: “Kết quả này đã là cú sốc với em ấy rồi. Em có gặp riêng và trao đổi, em ấy cũng đã hứa với em sẽ cố gắng hết mình ở học kỳ II. Chị thấy “khó chịu” với kết quả này của con là đúng, với tư cách là một phụ huynh, em hiểu điều này. Nhưng em lại nghĩ chúng ta hãy nghĩ đơn giản đây là một thử thách để em ấy cố gắng nhiều hơn, rồi trong cuộc sống cũng vậy, luôn luôn có sẵn những bất ngờ rủi ro, do đó phải có ý chí để vượt qua những vấp ngã. Em Tâm nghị lực và ham học lắm, cú ngã này sẽ là bài học quý, em tin Tâm sẽ đứng dậy cao hơn. Chị cho cháu ở lại học hay chuyển trường em đều không lạm bàn. Em chỉ nói hãy để cháu bình tĩnh và phấn đấu. Việc học đã khó khăn, Tâm đã tả tơi vì rớt hạng rồi, gia đình hãy cùng thầy cô tiếp thêm sức mạnh để em phấn đấu hơn nữa, chứ cứ hăm dọa đánh giết, chuyển trường vì xấu hổ với xóm giềng... vô tình lại tạo thêm áp lực cho em ấy chị ạ. Phải chịu áp lực từ nhiều phía, một cô bé không dễ vượt qua đâu!”.

Tôi và chị ấy có ngồi nói thêm vài chuyện tết nhứt để giảm bớt căng thẳng. Thấy giọng chị nhẹ nhàng hơn, tôi an tâm phần nào. Chị ấy ra về, tôi tự dưng nghĩ: Nếu học sinh giỏi giang, đạt nhiều thành tích, ít khi nào nghe phụ huynh cảm ơn hay khen ngợi giáo viên, dường như họ nghĩ con mình thông minh, học giỏi là đương nhiên. Khi học sinh có kết quả không cao, phụ huynh không nghĩ trách nhiệm của gia đình, sự chủ quan, chểnh mảng của học sinh mà chỉ nghĩ con mình học dở vì giáo viên dạy không giỏi.

Hôm sau em Tâm lại nhà tôi lễ phép nói: “Em thật sự cảm ơn cô, nếu không có cô chắc hôm qua em chết rồi! Em bị áp lực đủ đường...”. Tôi mỉm cười nói: “Em không được xấu hổ, mặc cảm gì hết. Chỉ có áp lực do mình tự tạo ra là nặng nề nhất. Hãy xem đây là một thử thách. Cô đang đợi sự tiến bộ của em...”.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên