Em muốn bỏ học

VŨ THỊ NI NA
VŨ THỊ NI NA

TT - Đang loay hoay chuẩn bị cho một chương trình ngoại khóa, chợt thấy em đứng khoanh tay với vẻ trầm ngâm sau cánh cửa. Tôi nở nụ cười thân thiện với em và tiếp tục tất bật với công việc. Tự dưng em hỏi tôi: “Cô ơi, đã bao giờ cô có cảm giác buồn chưa cô?”.

MvMAoCsK.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Hơi bất ngờ trước câu hỏi ngây thơ của cô học trò lớp 12 nhỏ nhắn, nhưng tôi cũng bình tĩnh: “Có chứ em, em đang có tâm sự phải không? Cô có thể chia sẻ với em được chứ?”. Tôi cố dẫn dắt để em không còn khoảng cách. Em cúi mặt xuống: “Cô biết không, em quen một bạn trai ở trong lớp. Năm lớp 11 bạn ấy ham chơi nên phải thi lại. Em học khá hơn nên tranh thủ nghỉ hè được một tháng xuống nhà cùng học với bạn. Ba mẹ bạn ấy lúc đó biết mối quan hệ của chúng em nên cũng không la rầy và quý em lắm. Em cố gắng chỉ cho bạn cách học và kết quả là bạn đã vượt qua kỳ thi lại và lên lớp 12. Em và gia đình bạn rất vui, bạn cũng hứa với em là cố gắng học tốt. Một thời gian sau không hiểu vì sao bạn hời hợt với em, lại còn quen với một cô gái khác, không được người ta chấp nhận thế là quay về với em. Em rất giận mà vì quá thương nên đành tha thứ. Nhưng dạo này bạn ấy không quan tâm em như trước. Nhiều lúc em thấy chán và chỉ muốn bỏ học để không nghĩ đến ai nữa”.

“Theo cô, bạn trai này không xứng đáng với tình cảm trong sáng của em đâu. Em nên suy nghĩ lại trước khi đi đến những quyết định dại dột em ạ” - tôi chia sẻ. Em lại tiếp tục câu chuyện vừa nói vừa như cố không để nước mắt tuôn rơi: “Cô ơi, em biết người ta không thương mình, ba mẹ bạn không thích em nữa rồi. Cũng một vài lần em đã đấu tranh với bản thân mình để chia tay bạn ấy, tập trung cho việc học. Nhưng chỉ được ba hôm em lại nhớ bạn ấy quay quắt, em không thể quên nổi và lại nhắn tin cho bạn. Em không biết phải làm sao cô à”.

Tôi tìm mọi lời lẽ để động viên, an ủi em, hướng cho em tìm đến con đường đúng đắn nhất, quan trọng nhất là không được bỏ học, không được đánh đổi tương lai của mình bởi những suy nghĩ bồng bột, nông nổi. Có vẻ những lời khuyên của tôi đánh trúng tâm lý em nên em vâng dạ liên tục với vẻ mặt tự tin, thoải mái hơn. Thấy vậy, tôi khéo léo lồng thêm vài câu hỏi: “Em có chia sẻ với ai tâm sự của mình chưa?”. “Dạ chưa cô ạ” - em đáp. “Sao em không chia sẻ với ba mẹ hoặc anh chị trong gia đình?”. Ngập ngừng giây lát, em trả lời tôi: “Mẹ chưa bao giờ hỏi em những chuyện khác ngoài việc học phí ở trường và kết quả học tập tốt hay xấu. Vả lại tối nào cũng thấy mẹ ngồi kiểm hàng và đếm tiền là vừa khuya nên em sợ mẹ la, không dám thổ lộ với mẹ. Nhiều lúc thấy chị gái ngồi chơi, lại gần tính tâm sự thì chị bảo: Ôi, chị đi làm về mệt quá, để hôm khác đi. Nhiều lần như thế nên em cũng ngại”.

Tôi không bất ngờ với tâm sự chân thật của cô học trò nhỏ lớp 12, bởi vì nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, đặc biệt là chủ nhiệm lớp 12, những câu chuyện tương tự các em tìm đến chúng tôi để giãi bày không phải hiếm. Đó là cảm xúc rất tự nhiên của tuổi mới lớn. Chúng tôi cố gắng hiểu, chia sẻ và có những định hướng kịp thời để các em không còn cảm giác cô đơn, tuyệt vọng. Tôi chỉ mong sao những bậc làm cha làm mẹ hãy dành thời gian lắng nghe con nói nhiều hơn.

Từ ngày 10 đến 20-1 chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được chia sẻ, bài viết của các bạn đọc: Nguyệt Nguyệt (Hà Nội), Đỗ Thị Ánh Hoa (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Bích Nhàn, Nguyễn Lục Gia (Phú Yên), Trần Thị Nhung (Gia Lai), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Công, Trần Văn Sinh, Đào Hồng Khởi (Đồng Nai), Đỗ Thị Thùy Dương, Phan Thị Hiền (Tây Ninh), Nguyễn Thị Thùy Hương (Bình Dương), Trần Văn Tám, Hữu Chơn, Kim Tuyến, Quang Phong, Thanh Bình, Hoàng Thị Thu Thanh (TP.HCM), Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Lê Văn Trứ (Đồng Tháp), Lê Tấn Thời (An Giang) và các bạn Nguyễn Hữu Nhân, Nguyện Hữu Hi, Nguyễn Trang, Phong Lan, Hoàng Thái Hùng, Minh Anh, Quốc Nguyễn, Văn Chinh, namviet.nguvan@gmail.com.

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho hai chuyên mục qua email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Trong thư bạn đọc vui lòng ghi rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng (nếu có) để báo Tuổi Trẻ tiện liên hệ và trả nhuận bút.

Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng.

TUỔI TRẺ

VŨ THỊ NI NA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên