Giáo án "nhai lại"

HOÀNG NINH
HOÀNG NINH

TT - Tôi làm nghề đánh máy mướn, in vi tính, tháng nào tôi cũng in khá nhiều giáo án cho thầy, cô giáo từ cấp tiểu học, THCS, THPT không có máy in, bởi chỉ riêng xã tôi đã có tới sáu trường học các cấp.

Chuyện trở nên không bình thường khi tôi phát hiện hầu hết giáo án của các nhóm thầy, cô đều giống hệt nhau; mới đầu tôi cho rằng họ ‘’chép’’ của nhau, nhưng sau đó phát hiện họ ‘’kéo’’ ở mạng về. Đã có lần tôi hỏi một giáo viên, cô giáo trả lời: “Tụi tôi soạn cũng được, nhưng không hay bằng người ta”.

Rồi rất nhiều những giáo án của các năm trước được giáo viên đưa đến yêu cầu tôi sửa thứ, ngày, tháng, năm thành cuốn giáo án soạn mới. Họ bảo: “Soạn để nhà trường kiểm tra vậy thôi, chứ tụi tôi dạy lâu rồi đâu cần giáo án’’.

Thú thật, trước đây bản thân tôi cũng đã có thời làm ông giáo, lúc học sư phạm giảng viên đều bảo rằng soạn bài trước khi lên lớp là một yêu cầu bắt buộc của thầy, cô giáo để giúp giáo viên ôn lại kiến thức một cách chuẩn mực. Không chỉ thế mà khi soạn bài giáo viên còn thể hiện lối suy tư, sáng tạo riêng của bản thân, qua đó giúp học sinh có thể tiếp cận chính xác kiến thức trong bài giảng.

Còn hiện tại, cách soạn giáo án mới ra đời bằng cách dùng máy tính để hàng trăm, thậm chí hàng vạn giáo viên cùng bộ môn, cùng chuyên ngành dạy chung một giáo án được gọi là ‘’giáo án điện tử’’ mà chẳng cần phải mất công, tốn thời gian soạn. Kết cục, người thầy không còn chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức và truyền đạt kiến thức thì có lẽ cả một thế hệ học sinh phải gánh chịu hậu quả của sự ‘’nhai lại’’ này!

HOÀNG NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên