Phóng to |
PGS.TS Đoàn Lê Giang (trái) trong buổi chấm thi - Ảnh: Như Hùng |
"Thầy tôi" gieo cảm xúc yêu thươngDấu ấn bài thi “Thầy tôi”
Ban giám khảo đã làm việc hết sức để chọn ra 33 bài vào chung khảo, rồi từ vòng chung khảo chọn ra 16 bài xuất sắc nhất để trao giải. Việc chọn bài chấm giải bao giờ cũng là công việc khó khăn đối với giám khảo. Bài nào cũng có chỗ hay, chỗ gửi gắm tâm huyết... thế nhưng vẫn phải chọn.
Vượt khỏi mái trường
Người thầy không chỉ giới hạn trong trường học phổ thông mà có những người thầy là đồng nghiệp, đàn anh trong cơ quan, nhưng thật sự là thầy về chuyên môn cũng như về đạo đức nghề nghiệp. Tôi muốn nói đến bài Người thầy chưa từng đứng trên bục giảng của Phan Thị Lan Viên, trong đó kể về sự chia sẻ của một bác sĩ đàn anh trong công việc, sự giúp đỡ cùng những lời giáo huấn đáng ghi vào sổ tay danh ngôn của ngành y: “Phải làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân”, “Trong mọi quyết định phải đặt chữ tâm lên trên hết”, “Nên quan tâm đến cảm giác của bệnh nhân và người nhà”... Có những người thầy là thiền sư nổi tiếng: thầy Thích Minh Châu mà Lửa thiêng trong tâm (Trần Tuyết Hoa) thắp sáng, lan tỏa, sưởi ấm cho bao nhiêu học trò trong những ngày gian nan của Phật pháp và dân tộc trước năm 1975.
Bài học về việc đánh giá học sinh vẫn là điều mà người làm giáo dục không được quên. Có cô giáo “thẳng cánh” cho một học sinh 2 điểm vì bài văn làm sai thể loại (học sinh đã làm thơ thay vì phải viết bài văn tả cảnh). Nhưng một thầy dạy toán lại phát hiện ở đó mầm mống một tài năng thơ ca cần phải được trân trọng (Bài văn “lạ” 2 điểm của Đỗ Thành Đông).
Như chuyện cổ tích Tất cả những câu chuyện trên đều kết thúc có hậu như những câu chuyện cổ tích trong cuộc đời này - những câu chuyện cổ tích về lòng yêu thương, lòng bao dung và niềm tin vô bờ bến vào học trò. Nhờ có tình yêu thương ấy mà biết bao nhiêu cuộc đời được cứu vớt, bao nhiêu người mất niềm tin tìm lại được ý chí, bao nhiêu mảnh đời tưởng như bị bỏ đi đã cảm thấy mình cũng có thể làm được gì đó có ích. |
Câu chuyện thương tâm về một cô giáo không may bị nhiễm HIV đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc từ phía độc giả (Hoa vẫn nở trên những niềm đau của Nguyễn Ngọc Tùng). Cô giáo vùng cao trong câu chuyện phải chịu sự đày đọa của số phận, khổ đau hiếm có trên đời: em trai chết, chồng chết vì “căn bệnh thế kỷ” do tiêm chích ma túy, rồi đến lượt đứa con gái kháu khỉnh mới chào đời cũng dương tính với HIV và chết sau đó ít lâu, bản thân cô cũng là một bệnh nhân AIDS do lây từ chồng. Thế nhưng cô đã không chọn cái chết như là liệu pháp dễ nhất cho hoàn cảnh ấy, mà chọn con đường chấp nhận thách thức của số phận, vượt qua nó để trở thành một cô giáo dạy văn giỏi có nhiều học sinh đạt thành tích cao, một người hoạt động tích cực cho phong trào phòng chống AIDS, chống kỳ thị người nhiễm HIV.
Tình thương và tinh thần trách nhiệm của những thầy cô giáo trẻ, tốt nghiệp đại học xong, bỏ thành phố lên vùng núi, gia nhập thanh niên xung phong để đến các trường cai nghiện dạy học, giành giật từng con người trước tệ nạn xã hội vẫn là bài ca đẹp về một thế hệ. Nhờ có Đi cai nghiện và... làm thầy (Nguyễn Nhất Vinh) mà có những thanh niên nghiện ngập lại trở thành thầy giáo, được học đại học và trở thành một người có ích cho xã hội. Có những người thầy có tình yêu thương và nghị lực phi thường: bị tàn phế (cụt tay, khiếm thị) nhưng không chịu sống bằng lòng thương hại của người khác. Anh học đàn, làm thơ, thi đậu đại học và mở trường để giúp trẻ khuyết tật có nơi ăn ở và học tập. Câu chuyện của anh khiến thầy anh phải cảm phục mà viết thành bài báo để chia sẻ với mọi người (Trái tim không tật nguyền của Lê Bình Trị).
Niềm tin vào học trò
Bài Thầy bảo con không nên học nữa của Đỗ Phương Thảo có tựa đề khá khiêu khích. Nhưng đây lại là câu chuyện thật 100% về thầy giáo dạy vẽ rất nổi tiếng ở Hà Nội: họa sĩ Phạm Viết Song. Thầy Song được truyền tụng như là thầy dạy vẽ căn bản số một một thời. Nhưng trong câu chuyện này, thầy lại khuyên học trò không nên học thầy nữa để có thể phát huy hết tài năng, cá tính của mình. Dù câu chuyện chỉ liên quan đến phạm vi hẹp là trường mỹ thuật và ít có chi tiết cảm động, nhưng lại có ý nghĩa khái quát cao về đức độ, tư cách, sự cao cả của người thầy, nhất là trong thời buổi học trò rất dễ bị rập khuôn bởi văn mẫu trong nhà trường, bởi các thần tượng ảo ngoài xã hội.
Chuyện trên chuyến xe của Thanh Thúy ở Đồng Nai nhắc chúng ta về một thời rất muốn quên: sau năm 1975 ở miền Nam học sinh bị phân biệt đối xử bằng “chủ nghĩa lý lịch”. Cậu học sinh trong bài dù có thông minh nhưng là con “sĩ quan ngụy” đang học tập cải tạo “mút mùa” nên khó vào được đại học. Chán nản, cậu trở nên quậy phá và bị hội đồng kỷ luật đuổi học. May có những người thầy biết yêu thương học trò và có tấm lòng bao dung như thầy dạy hóa Hà Huy Quang mà cậu học trò này không bị đuổi học. Thầy khuyên em học, dù có là người “cu li bốc vác, nhưng là một cu li có nhân cách, có tri thức và có văn hóa”, đồng thời thầy vẫn tin Nhà nước sẽ thay đổi chính sách. Nghe lời thầy mà cậu học trò quậy phá lại trở thành học trò ngoan, học giỏi và bây giờ là một người thành đạt. Chuyện viết có nhiều cái “kỳ ngộ” như chuyện cổ tích, truyền kỳ ngày xưa tưởng như có bàn tay sắp xếp, nhưng tôi vẫn tin là có thật.
Câu chuyện xúc động nhất, được độc giả truy cập vào loại nhiều nhất là câu chuyện về một cô học trò vùng cao ở Phú Yên: Người nâng cánh ước mơ tôi của Lý Thị Thủy. Cuộc đời em tưởng chừng bị đóng sầm lại trước hủ tục tảo hôn của dân tộc thiểu số. Em có nguy cơ lặp lại vòng đời của một người đàn bà vùng cao: lam lũ, lầm lũi, cơ cực. Vì thế em khát khao được đi học tiếp - “em muốn học để biết thế giới ngoài kia như thế nào, để không còn nghèo khổ như mẹ”. Nhờ tình yêu thương vô hạn của thầy Trần Quốc Nhuận dạy địa lý, thầy và nhà trường đã giành giật em, giành giật với một ý chí kiên trì hiếm có, làm sao để em được đi học, để em được thỏa ước mơ làm cô giáo của mình. Cuối cùng câu chuyện kết thúc có hậu: cô học trò đã được cứu thoát, học giỏi, thi đậu ba trường đại học và cô lựa chọn làm cô giáo vùng cao tiếp tục mang ánh sáng của tri thức và tình yêu thương đến với những học trò khác. Chuyện kể lôi cuốn, chi tiết sinh động, nhiều chuyện lạ, xứng đáng là một câu chuyện tiêu biểu về ngành giáo dục.
Những câu chuyện về “Thầy tôi” cho thấy chỉ lòng yêu thương, lòng bao dung và niềm tin vào học trò mới có thể thay đổi, cứu vớt được con người. Đó là một bài học không bao giờ cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận