Rồi dặn tất cả các cháu: “Nếu cháu nào xét thấy yêu ngành sư phạm thì cố mà theo, bởi ông xét thấy nghề giáo quy tụ đủ mọi nhân cách”.
Sau 10 năm kể từ ngày ông mất, cháu nội, cháu ngoại có tới 12 người học CĐ, ĐH sư phạm ra trường. Thế nhưng niềm hi vọng vào nghề dần dần bị phai mờ, bởi xin được biên chế trong ngành giáo dục ở Tây nguyên từ năm 2008 tới nay vô cùng khó.
Tội nhất là những đứa cháu gái con của các chị, các anh tôi, thường cứ phải 22-23 tuổi mới tốt nghiệp cao đẳng, 24-25 tuổi mới xong đại học, diễm phúc lắm thì may ra có cháu mới xin được việc sau một năm, còn hầu hết đều phải chờ đợi 2-3 năm.
Có ba cháu ra trường từ năm 2009, đến nay hồ sơ đã nộp ở nhiều phòng giáo dục trong tỉnh nhưng chẳng thấy xét đến tên. Các cháu đều thuộc diện đẹp người, đẹp nết, vừa ra trường đã nhiều chàng trai ngấp nghé dạm hỏi, song các cháu đều trả lời: “Khi nào xin được việc mới dám lấy chồng’’. Thế rồi “cái tuổi đuổi xuân đi”, tội nghiệp cả năm nay chẳng còn thấy chàng trai nào đến tán tỉnh...
Thú thật, thấy con cái được ăn, được học, có bằng cấp đàng hoàng nhưng lại bị thất nghiệp và có nguy cơ ế chồng đến nơi, cha mẹ các cháu thương tình đi nhờ cậy “các cửa quen biết” song đều nhận được cái lắc đầu: “Khó lắm, không có đợt xét tuyển”.
Cũng không ít người bắn tin “cần phải có tiền mới mong được dạy”, thế nhưng cha mẹ đều nhát, sợ xôi hỏng bỏng không hoặc lỡ lộ chuyện lại dính vào tội đưa hối lộ.
Và đã vài ba năm qua, con cháu tôi học xong THPT đều từ chối thi vào sư phạm. Rối hơn là một số đang học CĐ, ĐH ngành sư phạm đều hăm he bỏ nửa chừng, bản thân tôi đã hết lời an ủi động viên rằng cứ học đi, giả sử như không xin được việc làm đi nữa thì tụi con cũng có kiến thức về sư phạm để sống với đời.
Thế nhưng xem ra lời an ủi này cũng không xoay chuyển được tình thế với đám con trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận