Phóng to |
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần |
Có thể nói đối với lũ học trò chúng tôi ngày đó, mỗi tiết học địa lý của thầy Hòa quả là những thiên đường. Lần đầu tiên trong đời, lũ học trò chỉ biết tối ngày dang nắng ngoài trời câu cá, mò cua bắt ốc như chúng tôi mới được nghe đến những danh từ lạ lẫm như Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu, Lý Sơn, cù lao Chàm, cù lao Thu... Nghe thầy say sưa giảng bài cho chúng tôi về những hòn đảo xa xăm cùng trời cuối đất của Tổ quốc, lũ học trò chúng tôi ngồi bất động mơ màng, cố tưởng tượng một khung cảnh thần tiên nên thơ của một hòn đảo xa xôi nào đó, nơi chúng tôi có thể thoải mái tắm biển và câu cá bắt cua. Có thể nói thầy Hòa là người đầu tiên gieo vào lòng chúng tôi những lay động khó quên về một tình yêu biển đảo, đến nỗi chúng tôi viết tên tất cả các hòn đảo ấy vào những mảnh giấy, sau đó xếp lại rồi bốc thăm xem đứa nào sẽ “được” một hòn đảo mang tên gì...
Khó có bút mực nào tả hết những nỗi cơ cực nghèo khó của thế hệ học sinh chúng tôi ngày đó. Gần đến ngày khai giảng năm học mới mà quần áo, sách vở chẳng có gì. May một người bà con cho tôi mấy xấp giấy manh đóng làm vở tạm, còn bút tôi nhặt được ở thùng rác một cây viết máy hư mà ai đó đã vứt đi. Cây bút bị hỏng phần ruột gà bơm mực nên tôi tháo bỏ phần đó, đổ thẳng mực vào thân bút rồi vặn lại. Mỗi khi tôi viết, mực từ chỗ vặn lại chảy ra dính đầy tay.
Tuy làm bài tốt nhưng tôi vẫn phải thường xuyên nhận điểm kém từ thầy cô giáo vì tập vở quá dơ. Học kỳ đầu tiên năm học đó tôi có tới năm môn học dưới điểm trung bình nên sợ quá không dám mang sổ liên lạc về cho cha tôi xem. Nhiều lúc tôi muốn vứt quách cây bút ấy đi nhưng ngặt nỗi vứt đi rồi lấy gì viết. Vì vậy tôi đành phải tiếp tục sử dụng cây bút hỏng với đôi bàn tay luôn dính đầy mực.
Một hôm thầy Hòa vào lớp gọi tôi lên trả bài. Thầy xem vở tôi một lúc rồi hỏi tại sao tập vở của tôi lại dính đầy mực. Tôi đứng như trời trồng chưa biết trả lời ra sao thì thầy bước lại gần tôi, cầm tay tôi lên rồi hỏi tại sao tay tôi lại dính đầy mực. Mãi một lúc sau tôi mới lí nhí trả lời thầy rằng tại nhà tôi nghèo quá không có tiền mua bút mới nên đành phải dùng một cây bút cũ đã hỏng. Nghe tôi trả lời, gương mặt thầy thoáng buồn rồi thầy cho tôi về chỗ.
Những ngày kế tiếp, tôi luôn đến lớp với một tâm trạng vô cùng bi quan và chán nản. Sau đó tôi thức suốt ba đêm liền ngồi nắn nót viết một lá đơn xin thôi học rồi sửa tới sửa lui mãi mới xong. Thứ bảy cuối tuần ấy tôi dự định học xong tiết học cuối cùng sẽ lên gặp cô giáo chủ nhiệm để nộp đơn xin thôi học. Hôm ấy khi tôi vừa học xong tiết đầu tiên, đang ngồi chơi trong lớp thì thầy Hòa gọi tôi ra rồi đưa cho tôi một cây bút: “Thầy tặng em một cây bút tuy đã cũ nhưng vẫn còn xài tốt. Từ nay về sau em phải ráng giữ cho đôi bàn tay mình sạch sẽ. Bàn tay mà vấy bẩn thì cầm vật gì cũng sẽ bẩn”.
Nhận cây bút từ tay thầy Hòa, tôi mừng muốn khóc. Tự nhiên tôi từ bỏ hẳn ý định xin thôi học. Từ ngày được thầy tặng cây bút, tôi bồn chồn đến nỗi cả tuần lễ không sao ngủ được. Tôi lấy dây thun buộc cây bút vào cổ tay, đi đâu cũng mang theo vì sợ mất. Từ ngày được thầy tặng cây bút, tay tôi không còn dính mực nên sách vở tôi cũng sạch sẽ tinh tươm hơn và điểm thầy cô cho cũng tăng theo. Cuối năm học ấy tôi không ngờ mình đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, cái danh hiệu đầu tiên trong cuộc đời đi học của tôi. Khoảnh khắc mà thầy tặng tôi cây bút bỗng trở thành một bước ngoặt quan trọng và đáng nhớ trong cuộc đời cắp sách đến trường của tôi...
Có thể nói kể từ lúc được thầy tặng cây bút và nghe những lời thầy dạy bảo, trong đầu tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh “bàn tay vấy bẩn”. Trước khi làm bất cứ một điều gì tôi cũng luôn tự hỏi: “Liệu tôi có đang tự làm cho đôi tay mình vấy bẩn?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận