Sáng tạo làm gì!

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Bạn tôi có con gái hiện là sinh viên khoa mỹ thuật một trường đại học khá có tiếng. Anh phàn nàn rằng con gái anh đã vài lần thắc mắc về chuyện thầy cô giáo ít quan tâm đến sự sáng tạo của sinh viên.

Thậm chí mỗi khi sinh viên lên lớp muốn bày tỏ với thầy ý tưởng mới về một vấn đề nào đó trong bài học hoặc trong thực hiện đồ án, thầy liền lạnh lùng nói với cả lớp: “Các em không cần thiết phải nghĩ ra nhiều thứ. Không còn gì mới hơn để sáng tạo thêm nữa. Tất cả mọi cái cần phải sáng tạo thì chúng tôi đã sáng tạo ra cả rồi. Đã có đầy rẫy trên mạng, các em chỉ việc lên mạng lấy về mà học là được”!

Vậy là ý tưởng sáng tạo, dù chỉ mới loé lên từ ý thức muốn làm được cái mới trong học tập của sinh viên, đã bị dập tắt một cách “kiên quyết” khiến nhiều sinh viên cụt hứng. Anh bạn kể: “Con bé bảo đa số các bạn đã chuyển từ ý định hăng hái sáng tạo sang e dè, rồi... thủ thế trước thầy cô. Có bạn tặc lưỡi: thầy cô dạy mình mà đã nói vậy thì sáng tạo làm gì, có sáng tạo tốt cũng chưa chắc được điểm cao, có khi còn bị điểm thấp vì đã không nghe lời thầy dạy, còn... muốn giỏi hơn cả thầy!”.

Qua câu chuyện của bạn tôi, tôi thấy khám phá và sáng tạo chính là tính cách của tuổi trẻ, đặc biệt đối với sinh viên mỹ thuật, nghệ thuật. Trước hết, để vào được các khoa, trường đại học, cao đẳng này, đòi hỏi sinh viên phải đảm bảo có đầu vào là năng khiếu, có vậy các em mới đỗ được các môn thi như vẽ, nặn tượng, thiết kế... Như vậy, sáng tạo là chủ đạo đối với mỗi sinh viên khi quyết định thi và theo học các khoa, trường mỹ thuật.

Với học sinh, sinh viên mỹ thuật (kể cả mỹ thuật công nghiệp), sự sáng tạo luôn cần được khuyến khích, thậm chí còn có thể được cho điểm bài làm cao hơn so với các bài tập không có ý tưởng sáng tạo. Như thế sẽ tạo cho sinh viên, học sinh ý thức tìm tòi, sáng tạo cái mới (đương nhiên là phải phù hợp và hay) hữu ích với đời sống thực tại, hơn là đi theo cái cũ, cái mòn có sẵn. Mà đôi khi cái cũ đó chưa chắc còn phù hợp với xu hướng sống và ý thích sử dụng của xã hội hiện nay.

Học tốt kiến thức chuyên môn do nhà trường dạy theo bài bản là một chuyện, nhưng áp dụng được vào công việc sau khi ra trường đôi khi lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc sự sáng tạo dựa trên năng lực cá nhân của mỗi sinh viên, học sinh với vấn đề khách hàng yêu cầu nhiều hơn là với tất cả kiến thức đã học được một cách bài bản trên giảng đường đại học.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên