Cảnh báo tình trạng học trò uống thuốc ho để... "không sợ"

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Việc lạm dụng thuốc ho Recotus trong học sinh một lần nữa được cảnh báo tại cuộc làm việc sáng 8-11 giữa đoàn công tác liên bộ GD-ĐT - Y tế - Công an và Sở GD-ĐT TP.HCM.

Recotus có phải là thuốc gây nghiện?Học sinh lại bị rủ rê uống thuốc ho gây ảo giác

uMH9Sgsm.jpgPhóng to
Ông Bùi Đức Phong, phó chánh thanh tra Bộ Y tế, phát biểu tại cuộc họp sáng 8-11 - Ảnh: H.HG.

Báo cáo về việc này, ThS Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trong năm học 2009-2010 lãnh đạo của nhiều trường như THCS Trần Quốc Tuấn, quận 7; THCS Quang Trung, quận 4; THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình đã phát hiện học sinh trong trường sử dụng thuốc Recotus.

"Thuốc Recotus trong điều trị nếu dùng quá liều sẽ gây tác dụng phụ như dị ứng, ảo giác... thậm chí chết đột ngột ở trẻ em"

Ông Bùi Đức Phong

Năm 2011, Trường THCS Bình An, quận 2 phát hiện một nhóm học sinh có biểu hiện nôn ói. Khi điều tra thì nhóm học sinh này cho biết đã sử dụng thuốc ho Recotus do một học sinh khác mua và chia nhau cùng uống. Tiếp đó, Trường THCS Khánh Hội A, quận 4 cũng phát hiện nhiều học sinh ngủ gật trong lớp. Điều tra sơ bộ của nhà trường cho thấy có khoảng 50 học sinh đã mua thuốc ho Recotus. Thậm chí có em còn uống 6-7 viên/lần”.

Hưng phấn và... không biết sợ?

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày 30-9 tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ, quận 4, giáo viên đã phát hiện bảy học sinh nữ cất giữ hai vỉ Recotus (20 viên). Các em này kể rằng trong những lần ngồi ở quán nước trước cổng trường, họ bị một nữ sinh đã nghỉ học dụ uống thuốc Recotus sẽ có cảm giác lạ, gây hưng phấn, không sợ trả bài, không sợ giáo viên...

Ngày 25-10 tại Trường THCS Lữ Gia, quận 11, giám thị phát hiện một nhóm học sinh lớp 8 có gương mặt lờ đờ, nói năng lắp bắp không kiểm soát được hành vi của mình. Khi kiểm tra cặp của các em, nhà trường phát hiện hai vỉ thuốc ho có chất gây nghiện. Một số em có biểu hiện bất thường, nói không rõ lời như trạng thái bị say nhưng không có mùi rượu bia.

Cùng thời điểm trên tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11, dù chưa phát hiện học sinh dùng thuốc gây nghiện nhưng nhiều phụ huynh đã đến phản ảnh với nhà trường về việc các em học sinh rủ rê dùng thử thuốc ho. Các em truyền tai nhau một thông tin sai lệch rằng uống thuốc vào sẽ tạo sự hưng phấn, thông minh, không sợ trong lúc trả bài... Chính vì điều này, rất nhiều học sinh mua thuốc về sử dụng một cách vô tội vạ.

Nói về nguyên nhân khiến học sinh sử dụng thuốc Recotus, bà Kim Thanh cho rằng: “Một số học sinh tìm loại thuốc này có thể do các em không chia sẻ được cảm xúc với ai nên tự đi tìm cách riêng. Khi uống, thuốc tạo cảm giác thoải mái, hưng phấn nên các em cứ tìm đến thuốc mà không đủ hiểu biết về những tác hại sau này, hoặc biết nhưng bất chấp hậu quả”.

Đề xuất không bán thuốc cho học sinh

Mua bán tự do, hệ lụy khó lường

Điều đáng nói, theo ông Phong, Recotus là loại thuốc được bán tự do và không cần kê đơn, giá mỗi vỉ thuốc 10 viên chỉ 7.000-8.000 đồng nên học sinh dễ mua. Từ một loại thuốc ho thông thường, khi bị lạm dụng không phải để điều trị ho, sản phẩm này đã biến thành chất gây nghiện như ma túy với nhiều hệ lụy khó lường. Ban đầu trẻ có thể sử dụng thuốc để giả bệnh, trốn học vì sợ áp lực học hành. Nhưng lâu dần, trẻ nghiện và phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay. Chính giai đoạn lơ mơ, nửa tỉnh nửa mê do “phê” thuốc quá liều, người nghiện dễ có những hành vi thiếu kiểm soát.

Tại buổi làm việc, đại diện ban giám hiệu các trường cũng đã đề xuất những phương pháp phòng tránh tình trạng trên. Ông Thái Minh Phú, hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia, quận 11, kể: “Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã tập trung vào công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn học sinh cách đối phó với việc lôi kéo, mời gọi, dụ dỗ dùng thuốc. Trong những lần sinh hoạt dưới cờ, chúng tôi hướng dẫn học sinh khi bị dụ dỗ thì báo ngay cho người lớn là cha mẹ, thầy cô. Ở ngoài đường, nếu bị ép buộc phải dùng thuốc thì chạy ngay vào nhà người dân ở gần đó nhờ giúp đỡ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thiết lập đường dây thông tin tại các lớp để kịp thời ngăn chặn. Nhà trường cũng báo với công an phường khuyến cáo các nhà thuốc trên địa bàn không bán thuốc cho trẻ em nếu không có cha mẹ đi cùng”.

Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên Bộ GD-ĐT, yêu cầu các đơn vị cần báo cáo xem thực trạng học sinh sử dụng thuốc đã chấm dứt chưa, tiếp tục tăng hay giảm... Ngoài việc tư vấn, hướng dẫn thì phải có lực lượng bảo vệ học sinh khi bị ép buộc phải dùng thuốc.

Ông Bùi Đức Phong, phó chánh thanh tra Bộ Y tế, thừa nhận: “Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện nhưng về việc lạm dụng thuốc trong học sinh thì đúng là ngành y tế chưa đề cập đến. Trong thuốc Recotus có hai hoạt chất chính là dextromethorphan, dẫn xuất của morphin và diprophyllin HCl là dẫn xuất của theophyllin kết hợp có thể tạo nên trạng thái lâng lâng cho người sử dụng. Liều điều trị cao nhất là 4 viên/ngày, sau mỗi sáu giờ uống một viên và sử dụng dưới bảy ngày thì tác dụng chống ho của Recotus phát huy tốt. Liều dùng 4- 6 viên/lần có thể gây ảo giác”.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đề nghị Bộ Y tế nên bổ sung thuốc Recotus vào danh mục thuốc gây nghiện, phải có đơn của bác sĩ thì các nhà thuốc mới được bán. Các nhà thuốc cũng không được bán thuốc cho trẻ em, nếu nhà thuốc nào vi phạm thì phải bị chế tài.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên