“Giáo dục dưới mắt mọi người” số này xin được đăng hai câu chuyện của hai bạn đọc gửi về, đó là chuyện khen - chê từ thầy cô dành cho học sinh.
Lý do con tôi “không biết mình là ai”
Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Phải nói rằng con trai tôi (sinh năm 1995) khá tự tin. Không biết ở trường thầy cô giáo khen thế nào, nhưng về nhà cháu có vẻ rất tự đắc. Nhiều lúc nghe cháu nói, tôi cứ ngỡ như cháu là học sinh xuất sắc lắm, đến mức chẳng ai bì kịp vậy.
Tôi thường răn con: “Con đừng theo kiểu chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Nhưng con trai tôi bảo: “Thầy T. dạy toán khen con thông minh” hay “Cô V. dạy hóa bảo con sẽ đỗ đại học với điểm số cao”.
Hằng ngày, cháu có vẻ phớt lờ lời bố mẹ. Dù chúng tôi cố sức định hướng thế nào cháu cũng bỏ ngoài tai. Cho đến khi đứa cháu bên nội nhà tôi thi đại học được 19 điểm, vừa đủ điểm đỗ. Con trai tôi nói một câu chắc nịch: “Năm sau thi đại học, em sẽ hơn anh ít nhất 6 điểm”. Nghe con nói với anh họ như thế tôi rất không hài lòng.
Tôi chấn chỉnh thì con tôi cũng đem lời của thầy cô trên lớp về làm “bia đỡ đạn” kiểu như: “Thầy T. nói rồi, lực học của con đủ thi đại học với điểm số cao” hay “Hôm nào dạy, cô V. cũng khen con trước lớp”...
Và vì được khen thường xuyên nên con tôi có vẻ rất tự mãn, xem mình là nhất. Vì không biết lượng sức mình nên khi thi đại học, cháu chọn Trường đại học Y Hà Nội cùng niềm tin sẽ đỗ với điểm số cao. Trước đấy tôi đã nhắc nhở: “Con có chắc không, chứ mẹ biết đầu vào trường ấy điểm không hề thấp đâu”. Con tôi đáp ngay: “Mới tuần trước thầy giáo lại bảo con sẽ đạt 27 điểm trở lên. Vậy nên bố mẹ cứ yên tâm đi, con trượt thế nào được ạ”.
Cho đến khi biết điểm thi đại học con tôi chỉ đạt 18 điểm, ngược lại hoàn toàn với lời khen, lời dự đoán “phiếm” của các thầy cô giáo dạy cháu, tôi không thất vọng vì con trượt đại học bằng thái độ của con, lối suy nghĩ của con tự tin thái quá bấy lâu nay. Cái tự tin đó vượt quá ngưỡng khiến con đang lầm lạc về bản thân.
Tôi không dám đổ lỗi cho các thầy cô giáo đã hết lời khen cháu. Tuy nhiên, lời khen khích lệ vừa đủ sẽ là “liều doping” để các cháu cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong học tập. Nhưng lời khen đôi khi quá đà, tâng bốc khiến cháu ngộ nhận, mộng mị “không biết mình là ai”, đang đứng ở đâu thì thật nguy hiểm...
MINH THÁI
“Rửa mặt như mèo”
Con đang học lớp 4 tuổi tại một trường mầm non gần nhà. Hôm ấy, bà nội ra lớp đón con về. Vừa nhìn thấy mẹ, con đã khoe tíu tít: “Tuần này con lại ngoan mẹ nhé”. Khi xem phiếu bé ngoan trên tay con, tôi giật mình với dòng chữ cô giáo viết ở mặt sau: “Rửa mặt như mèo”. Con tôi chưa biết mặt chữ nên hỏi lại: “Cô giáo viết gì hả mẹ?”. Tôi đã nói dối con: “Cô giáo khen con ngoan”.
Con tôi nghe vậy nên vui lắm! Nhưng cả đêm hôm đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Lỗi là ở vợ chồng tôi vì sơ suất rửa mặt cho con chưa sạch. Nhưng cô giáo có thể nói riêng để chúng tôi rút kinh nghiệm. Đằng này cô lại viết phê bình vào mặt sau của phiếu bé ngoan, mà với các bé xem đó là những tấm giấy khen.
Lần khác tôi đi công tác gấp chưa kịp đóng tiền ăn cho con (tiền ăn thường đóng trước, tôi đóng chậm hai ngày so với quy định). Hôm ấy, trong bữa ăn cháo, con tôi đưa bát xin cô thêm ít cháo thì cô mắng: “Bạn Mạnh lớp mình chưa đóng tiền ăn nhé” khiến cháu xấu hổ, tủi thân rụt tay lại. Lỗi ấy thuộc về phụ huynh chứ đâu phải ở đứa trẻ tâm hồn còn non nớt?
Tôi đi công tác về, cháu kể lại đầu đuôi câu chuyện khiến tôi rất buồn lòng, nhất là sau đấy con trai tôi có vẻ rất lười đi học. Có hôm cháu còn kể rất hồn nhiên: “Hôm nay trên lớp có món cá thu con thích ăn nhưng con không dám xin thêm vì sợ cô mắng”. Ở lớp, con trai tôi rất rụt rè trong ăn uống. Chỉ vì những lời nói vô tâm của cô giáo khiến cháu mất tự tin. Cháu luôn có cảm giác là không bằng bạn khác.
Tôi chỉ mong qua câu chuyện này, những người làm nghề “gõ đầu trẻ” rút kinh nghiệm, đừng làm tổn thương con trẻ chỉ vì những câu nói vô thưởng vô phạt của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận