19/10/2013 06:07 GMT+7

Cô biết gì hóa học mà xem!

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý)
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý)

TT - Ngày tôi mới tốt nghiệp đại học, tôi đã xin vào trường bán công của huyện nhà đảm nhiệm giảng dạy môn giáo dục công dân và chủ nhiệm lớp 12G.

Trong lớp tôi, H. là học sinh cá biệt. Người nhỏ thó nhưng H. cứ nhất quyết xin cô ngồi sau cùng với lý do: “Em ngồi đằng trước quậy phá làm các bạn khác không học được”. Song tôi đã xếp H. ngồi bàn đầu góc bên trái, đối diện với bàn giáo viên để tiện bề theo dõi. Tìm hiểu nhiều giáo viên và các học sinh trong lớp, tôi được biết H. thông minh, điểm tổng kết các môn toán - lý - hóa năm học trước của H. đều đạt giỏi và khá, tuy nhiên do nghịch ngợm, hay trêu đùa các bạn trong lớp và có biểu hiện ngang bướng, vô lễ với nhiều giáo viên nên hạnh kiểm hai năm học trước trung bình. Làm chủ nhiệm một thời gian, tôi nhận thấy H. có biểu hiện chán nản, buông xuôi, thiếu niềm tin.

Có lần trong giờ sinh hoạt, H. nửa đùa nửa thật phát biểu: “Môn học của cô có cũng như không, không có thì thiếu, có thì lại thừa, giáo dục công dân mà lý thuyết suông”. Tôi nghe được thoáng buồn nhưng nói khẽ đủ cho H. nghe là tôi sẽ chứng minh cho em và các bạn trong lớp thấy được môn giáo dục công dân là môn học rất sinh động và thiết thực. Bằng phương pháp dạy tích cực và tâm huyết với nghề, tôi đã biến những nội dung lý thuyết thành những bài học và ví dụ sinh động, từ đó H. đã ít nhiều có thái độ tích cực về tôi. Đợt thi các môn cuối học kỳ I, nhà trường phân công giáo viên coi thi chéo (dạy các môn xã hội coi thi các môn tự nhiên và ngược lại).

Buổi thi môn hóa, tôi cùng một giáo viên nữa coi thi phòng của H.. Hết 2/3 thời gian làm bài, tôi thấy H. ngồi quay lui quay tới. Giáo viên nhắc nhở, H. bảo: “Đã làm bài xong”. Tôi yêu cầu H. đưa bài để tôi xem, H. buột miệng: “Cô biết gì đến hóa học mà xem”. Dù tự ái nhưng tôi đã kiềm chế và nhắc nhở H. ngồi yên lặng, tôi lướt qua bài một lần, sau đó vì phát hiện một số nội dung H. làm sai nên tôi đã nhắc khéo cả phòng: “Hết 2/3 thời gian làm bài thì các em có thể nộp bài cho giáo viên và có thể ra ngoài, tuy nhiên các em nên cẩn thận dò bài để tránh những sai sót không đáng có”. Bước đến chỗ ngồi của H., tôi nói nhỏ: “Bài thi của em có đôi chỗ còn sai đó, em nên rà soát lại một lần nữa rồi nộp cũng không muộn”. Sau vài phút thì thấy H. hì hục làm bài vì phát hiện lỗi sai.

Kết thúc buổi thi, khi tất cả học sinh nộp bài ra về thì chỉ còn H. chần chừ không chịu nộp, chờ các bạn đi khỏi lớp H. đã thành khẩn xin lỗi: “Em không có ý chê cô mà chỉ nghĩ đơn giản rằng cô dạy giáo dục công dân thì không biết nhiều đến các môn tự nhiên, cô cho em xin lỗi, em sẽ không còn mắc phải khuyết điểm này nữa”. Trước sự thành thật nhận lỗi và sửa sai của H., tôi đã biểu dương em trước lớp. Với nhiều cố gắng đạt được trong học kỳ I, H. được hạnh kiểm khá cũng đồng nghĩa với việc học kỳ đó H. được nhận danh hiệu học sinh tiên tiến. Đây là lần đầu tiên trong đời em được nhận giấy khen của nhà trường. Điều đó đã khích lệ, động viên em tự tin hơn với bản thân. Kỳ thi tốt nghiệp năm đó em đã đạt kết quả cao. Sau này tôi biết em có nghề nghiệp ổn định. Bài học này một lần nữa nhắc nhở những người giảng dạy môn giáo dục công dân luôn phải tự tin, chịu khó học hỏi, không định kiến và hãy xử lý những tình huống sư phạm thật khéo léo, biết gạn bỏ những hạt sạn còn sót lại mà gieo lên những chồi non cho đời.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên