09/10/2013 07:37 GMT+7

Cuộc đời thầy Nguyễn Thiện Thành là những cuốn sách quý

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC CÔNG(giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC CÔNG(giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM)

TT - Hồi đấy nghèo khổ lắm nên trẻ con chúng tôi rất “nghiện” Filatov, một loại đạm dạng nước, màu nâu đỏ được đóng gói trong ống, uống vào để bồi bổ cơ thể. Sau này khi vào ngành y, tôi biết được đó là chế phẩm từ những nghiên cứu mang tính ứng dụng của GS.TS Nguyễn Thiện Thành và càng nể phục giáo sư.

GS.TS Nguyễn Thiện Thành qua đời

w63licsv.jpgPhóng to
Chiều 28-9-2013, đông đảo thầy cô giáo, cán bộ quản lý địa phương và trung ương đã đến thăm và chúc mừng thượng thọ lần thứ 95 của GS Nguyễn Thiện Thành tại nhà riêng ở TP.HCM - Ảnh: Anh Tú

Bởi vào thời điểm đó (những năm 1970), đất nước ta còn đói kém và có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Tôi chỉ mới được tiếp xúc nhiều với GS Nguyễn Thiện Thành từ năm 2008 đến nay nhưng những lần gặp gỡ với thầy đều cho tôi những cảm nhận rất riêng. Đó thật sự là một nhà khoa học học hành nghiêm túc với một mục đích là vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống. Nhà khoa học ấy đồng thời là một nhà giáo, một kiến trúc sư, người đặt nền móng cho ngành lão khoa VN và là người có công gầy dựng nên BV Thống Nhất ngày hôm nay.

"Tôi là bác sĩ nội khoa và ban đầu chỉ nghĩ rằng bệnh của người cao tuổi cũng là các bệnh của người trưởng thành. Hóa ra, khi càng đọc những cuốn sách của thầy, tôi càng hiểu hơn về “lão khoa” và càng thấm thía được công lao của người đặt nền móng cho ngành lão khoa ở phía Nam. Phải nói rằng GS.TS Nguyễn Thiện Thành có tầm nhìn rất xa về y khoa. Bởi 27 năm trước khi dân số của chúng ta còn rất trẻ nhưng thầy đã viết hai cuốn sách: Các bệnh thường gặp ở người có tuổi, Cấp cứu những tình huống ưu tiên ở người có tuổi"

PGS.TS Nguyễn Văn Trí(trưởng bộ môn lão khoa ĐH Y dược TP.HCM)

Thuộc thế hệ thứ năm gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo BV Thống Nhất TP.HCM, tôi thấy phần lớn CB-CNV của BV Thống Nhất ngày hôm nay đều là học trò của thầy và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy. BV Thống Nhất hiện nay có trên 250 bác sĩ và vài chục người trong số đó học chuyên ngành cao về lão khoa nhưng tất cả chúng tôi đều có “đại cương” về lão khoa.

Hồi thầy Thành còn làm giám đốc BV Thống Nhất, tất cả CB-CNV khi được phân công về công tác tại BV, việc đầu tiên của họ không phải là làm việc mà là học đại cương về lão khoa. Cứ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, thầy đã truyền nhiệt huyết say mê lão khoa của mình đến nhiều thế hệ. Và chính thầy Thành là người đã gầy dựng BV Thống Nhất từ một cơ sở khám chữa bệnh lão khoa còn manh mún trở thành một bệnh viện quy mô gần 1.020 giường bệnh như hiện nay. Đó đều là công xây dựng của GS.TS Nguyễn Thiện Thành.

Là người học ngành y, tôi biết đến thầy trước tiên qua những cuốn sách thầy viết. Càng đọc những cuốn sách như Phương pháp Filatov, một ứng dụng huyền diệu của luật mâu thuẫn... hay Khái niệm cơ sở trong khoa học tuổi thọ..., tôi càng ấn tượng về thầy. Sau này khi được gặp thầy ngoài đời thực, tôi thấy trong “ông cụ” còn chứa hàng trăm cuốn sách quý để chúng tôi học tập. Đó là tác phong làm việc nghiêm túc, đúng giờ, trang trọng nhưng không quan liêu. Đó là kiểu tác phong nề nếp của quân đội với những “kỷ luật thép” khi bàn về những vấn đề khoa học, những công việc cần làm ngay nhưng lại không làm người đồng cấp, cấp dưới phải căng thẳng, bởi thầy luôn biết cách nói những vấn đề quan trọng một cách giản dị, dễ hiểu và nhiều khi thầy pha trò trong những câu chuyện.

Năm 1986, GS Nguyễn Thiện Thành xin thành lập bộ môn lão khoa. Việc thành lập khoa lão khoa vào thời điểm lúc bấy giờ phải từ quyết định của Bộ Y tế chứ không phải dễ dàng như hiện nay. Lúc đó dân số nước ta còn trẻ nhưng thầy Thành vẫn đau đáu nghiên cứu và viết sách về những bệnh của người cao tuổi. Với tôi và chắc hẳn là rất nhiều thế hệ y, bác sĩ, thầy không chỉ là một giáo sư có tâm mà còn rất có tầm.

Giờ đây, khi GS Nguyễn Thiện Thành đã đi xa, chúng tôi, những thế hệ tiếp bước của thầy, mong muốn xây dựng đội ngũ, nguồn nhân lực trình độ cao, chuyên sâu để đáp ứng được nhu cầu điều trị sức khỏe của người cao tuổi, để cảm tạ những cống hiến của thầy cho ngành y VN.

Vĩnh biệt giáo sư Nguyễn Thiện Thành

GS.TS, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động Nguyễn Thiện Thành qua đời lúc 4g15 sáng 8-10 tại nhà riêng (Q.10, TP.HCM), hưởng thọ 95 tuổi.

GS.TS Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30-9-1919 tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Trà Vinh. Năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 1989, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. GS.TS Nguyễn Thiện Thành là thân sinh của ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, phó thủ tướng Chính phủ.

Lễ viếng GS Nguyễn Thiện Thành được tổ chức từ 9g ngày 11 đến 12g ngày 12-10 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ truy điệu và đưa tang GS Nguyễn Thiện Thành tổ chức hồi 13g ngày 12-10, an táng tại nghĩa trang TP.HCM, Q.Thủ Đức.

Bác sĩ Filatov

GS.TS Nguyễn Thiện Thành được đào tạo chính quy tại Trường ĐH Y Hà Nội, gắn bó và đóng góp với quân đội 30 năm liên tục, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà trên các lĩnh vực điều trị lâm sàng, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ cập kiến thức y học.

BS quân y Nguyễn Thiện Thành luôn trăn trở làm thế nào để có thuốc trị bệnh cho nhân dân và nâng cao sức đề kháng của cơ thể người lính trong điều kiện thiếu thốn của kháng chiến trường kỳ. Ông đã tiếp cận với phương pháp Filatov một cách tình cờ. Trong tạp chí y học Presse Médicale của Pháp năm 1949 nêu những kết quả đạt được nhờ phương pháp Filatov. Nhưng tác giả của bài này cho rằng thuyết “đấu tranh với nghịch cảnh” của bác sĩ Liên Xô (cũ) Filatov mới chỉ là một giả thuyết.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Thiện Thành nhận thức được triển vọng áp dụng phương pháp Filatov trong điều kiện chiến trường, vì ông cho rằng đó là một lý thuyết có căn cứ khoa học. Đến năm 1951, BS Nguyễn Thiện Thành đã thuyết trình về phương pháp và học thuyết Filatov trước cán bộ quân y và được mọi người đón nhận...

Phương pháp cấy nhau theo học thuyết Filatov ra đời, có hiệu quả cao, dễ làm. Phương pháp Filatov từng bước được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho người dân. Ngày 27-11-1951, phương pháp Filatov bắt đầu được sử dụng lần đầu tiên tại VN đem lại kết quả khả quan. Ảnh hưởng của phương pháp Filavtov vào những năm cuối của kháng chiến chống Pháp khá sâu rộng trong đời sống y học VN. BS Nguyễn Thiện Thành thời đó được gọi là “bác sĩ Filatov”.

Năm 1975, BS Nguyễn Thiện Thành giữ nhiệm vụ chủ tịch Hội đồng sức khỏe trung ương kiêm giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Thời gian sau đó, ông đã cùng đơn vị hợp tác với Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 24 nghiên cứu thành công hai loại thuốc mới - Kaglutam (Kali glutamat) và Spirulina - Linavina, tảo Spirulina của VN (tảo xoắn xanh), có tác dụng chữa một số bệnh về hệ tim mạch và gan.

GS Nguyễn Thiện Thành còn được biết đến là người đặt nền móng cho ngành lão khoa phía Nam. Năm 1986, GS Nguyễn Thiện Thành được giao chủ nhiệm bộ môn tích tuổi học (lão khoa) của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Nổi bật trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học từ 1965-1990, GS Nguyễn Thiện Thành đã viết 32 tác phẩm y học có giá trị.

(trích từ các tư liệu do gia đình cố GS Nguyễn Thiện Thành cung cấp)

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC CÔNG(giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên