Phóng to |
Cô Bích Hạnh - giáo viên dạy văn Trường THPT Tân An, Long An - dạy kèm môn văn cho học sinh. Cô cũng chính là cô giáo trong bài viết - Ảnh: Sơn Lâm |
Tôi không được học cô suốt ba năm học cấp III nhưng tôi đã rất yêu thích cô bởi chất giọng Bắc giảng văn thật ấm áp làm sao. Ngày đó tôi học lớp 10, những buổi giải lao của giờ học thể dục buổi sáng (vì lớp 10 chúng tôi học buổi chiều), tôi vẫn lấp ló ở cửa phòng học các lớp 12 để được nghe trọn vẹn giọng nói của cô, để được nhìn thấy ánh mắt trìu mến của cô bao quát lớp. Tôi khao khát một lần được ngồi trong tiết học của cô. Và ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực khi tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường năm học lớp 11.
Tôi được cô sửa cho từng câu văn, truyền dạy cho tôi những kiến thức văn học mà trước nay tôi chưa có dịp tiếp thu. Cô quý tôi bởi tôi và cô gặp nhau ở hai tâm hồn văn chương đồng điệu. Tôi trọng cô như trọng một người thầy dạy chữ, dạy người. Cô xem tôi như học trò cưng và tôi cũng không phụ lòng cô khi đoạt giải thưởng cao trong kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Tôi đã đến nhà cô với ý định sẽ cảm ơn công dạy dỗ của cô bằng một bức tranh phác họa hình ảnh cô đứng trên bục giảng do chính tay tôi vẽ.
Nhưng khi tôi đến nhà cô, mọi chuyện không hề như tôi mong đợi. Thay vì những lời khen về thành tích tôi đã đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi thì cô lại đón nhận món quà của tôi bằng một ánh mắt nghiêm nghị: “Dù em đạt thành tích cao trong kỳ thi đó nhưng cô không thật sự hài lòng. Đọc bài thi của em cô cảm nhận được đó là những mảnh ghép từ những đoạn văn mẫu. Một người học văn thực thụ là người không sao chép. Hãy phát huy hết khả năng của mình trong kỳ thi kế tiếp em nhé!”. Có thể nói những lời cô thốt ra lúc đó như sự xúc phạm ghê gớm đối với tôi. Không gì đáng xấu hổ hơn khi một kẻ học văn và viết văn bị buộc tội là sao chép. Sự bốc đồng của con nhóc mới lớn cùng sự tự cao của một kẻ vừa đạt thành tích cao trong một kỳ thi danh giá khiến tôi không sao chịu được những lời cô nói ra mà lúc đó tôi xem như những lời khinh miệt, nhưng giờ tôi lại nghĩ đó là những câu góp ý chân thành. Vì thú thật ngày đó tôi có đọc vài quyển sách tham khảo - điều mà tôi không dám thú nhận với cô.
Tôi ném về phía cô một ánh mắt giận dữ cùng câu nói vô phép: “Cô không có quyền nói em như vậy.Em đi thi bằng chính năng lực của mình. Em ghét cô”. Kết thúc câu nói cũng là lúc tôi quay ra khỏi nhà cô trong nước mắt và sự tức giận. Lúc đó tôi thật sự ghét cô và cho rằng mình bị xúc phạm. Kể từ hôm đó đến tận ngày làm lễ ra trường, tôi không một lần gặp cô để nói lời xin lỗi, tôi tránh cô khi nhìn thấy cô từ xa. Rồi tôi rời xa trường cấp III, vào đại học, mọi chuyện dần đi vào lãng quên...
Mùa khai trường năm thứ hai đại học của tôi...
Tôi gặp lại cô trong buổi sáng chào đón tân sinh viên. Cô đưa đứa con trai nhỏ của mình đi nhập học. Tôi ngỡ ngàng khi cô chạm nhẹ vai tôi và hỏi tình hình học tập của tôi hơn một năm qua. Tôi ngỡ ngàng, tôi bối rối..., tôi không nói được gì ngoài lời hỏi thăm sức khỏe cô. Cô trò chúng tôi chia tay nhau trong sự vội vàng của những thủ tục nhập học cho tân sinh viên.
Tối hôm đó, sau một ngày vất vả giúp đỡ tân sinh viên, tôi ngã nhoài xuống giường khi về đến nhà. Rồi ánh mắt thất vọng của cô cứ xuất hiện trong tâm trí tôi, ký ức mang tên “vô lễ” trong tôi lại ùa về. Tôi hối hận, tôi xấu hổ như một đứa con bất hiếu với mẹ mình. Tôi thầm hỏi: “Cô không giận sao mà lại ân cần hỏi thăm mình?”. Tôi xấu hổ quá! Tôi tự hứa sẽ về thăm cô trong một ngày sớm nhất để nói với cô lời xin lỗi và cảm ơn.
Phố Sài Gòn tràn ngập những gian hàng bán hoa mừng ngày 20-11...
Tôi chợt nghĩ về cô. Tôi quyết định sẽ về thăm cô vào hôm sau dù còn đến tận hai ngày nữa mới chính thức là ngày Hiến chương nhà giáo. Tôi về đến sân nhà cô trong buổi sáng chủ nhật nắng nhẹ, giàn hoa giấy trước sân nhà cô vẫn khoe sắc dịu dàng như chính nét hiền dịu của cô. Cô đang chấm bài. Tôi đi thật khẽ và nhìn cô thật chậm, thật lâu.
Tôi lại nhớ về buổi tối hôm ấy, khóe mắt tôi cay cay như sắp khóc, tôi nhìn đi nơi khác, không nhìn về phía cô nữa. Bất chợt tôi thấy bức tranh phác họa bằng tay hình ảnh cô giáo đứng trên bục giảng được treo trang trọng trong căn phòng khách. Tôi nhìn thật lâu, tôi không suy nghĩ được gì, nước mắt tôi tuôn trào như đã chất chứa từ lâu lắm rồi. Tiếng khóc sụt sùi của tôi làm cô giật mình khẽ quay lại. Bó hoa trên tay tôi rơi nhẹ xuống sàn nhà, tôi khóc nức nở ôm chầm lấy cô: “Cô ơi! Em xin lỗi cô, em sai rồi cô ơi!”.
Cô mỉm cười hiền lành khẽ vuốt vai, xoa đầu tôi như người mẹ vỗ về đứa con lầm lỗi: “Em về đây cùng lời xin lỗi là món quà vô giá với cô rồi. Em nói được lời xin lỗi nghĩa là em đã thật sự trưởng thành. Cô rất mừng: “Cô nói với tôi thật nhẹ nhàng, dịu dàng nhìn vào mắt tôi, cô đưa tay lau những giọt nước mắt hối lỗi đang nhòe mi tôi như một thái độ vị tha.
Trường học, trường đời, rồi tôi sẽ gặp rất nhiều người thầy nhưng cô Hạnh chính là người thầy đầu tiên dạy tôi biết ăn năn vì việc làm sai trái của mình trong cả ý nghĩ. Tôi luôn khắc trong tim mình một lời cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận