Giọng bé có vẻ rất thích thú khi nói: “Mẹ ơi bạn Tôm Càng hôm qua tè dầm ở trong lớp đấy”. Tôi tò mò hỏi: “Thế bạn có khóc nhè khi tè dầm không?”. “Bạn có khóc nhè mẹ ạ”, cu cậu hào hứng kể. “Thế cô giáo bảo sao hả con?”, tôi hỏi. “Cô giáo bảo tè dầm là xấu hổ, bảo cả lớp lêu lêu bạn nào, để lần sau cấm không được tè dầm nữa”. Tôi giật mình hỏi: “Thế con có lêu lêu bạn không?”, “Con có mẹ ạ”. Tôi hơi nghiêm giọng khi bảo con: “Thế mẹ giả sử nếu con là bạn Tôm Càng, con lỡ tè dầm trong lớp, cô và các bạn lêu lêu thì con có xấu hổ, con có buồn không?”. Thằng bé suy nghĩ một chút rồi bảo: “Con sẽ rất buồn”. “Từ sau nếu bạn nào tè dầm, hoặc bạn lỡ làm gì sai thì con có lêu lêu bạn nữa không?”. Bé trả lời dứt khoát: “Con không lêu lêu bạn đâu mẹ ạ, làm thế bạn buồn lắm, bạn xấu hổ lắm”.
Thú thật đã từng hai lần chuyển trường cho con, tôi khá an tâm và có thiện cảm với cô giáo mới của con mình. Các cô còn rất trẻ, hồn nhiên, thân thiện và yêu thương bọn trẻ. Và tuổi trẻ, đôi khi nôn nóng mong các con tiến bộ thật nhanh, các cô vội vàng giáo dục trẻ theo phương pháp dọa cho sợ, hoặc làm cho xấu hổ để bé không tái phạm. Và rồi vô tình đẩy đứa trẻ phạm lỗi vào thế tự ti, sợ hãi, vô tình trao luôn cho những đứa trẻ còn lại quyền được phán xét và cười cợt trước sự sẩy chân, sai sót của người khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận