29/08/2013 04:07 GMT+7

Kiểm soát lạm thu và dạy trước chương trình

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Ngày 28-8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo nhân dịp khai giảng năm học mới 2013-2014. Những câu chuyện cũ như lạm thu đầu năm học, dạy trước chương trình lớp 1, thừa - thiếu giáo viên được xới lại.

TP.HCM không nhận học sinh mầm non trong ngày 5-9

Sau bài viết “Giúp bé thích nghi với trường mầm non” (Tuổi Trẻ ngày 22-8-2013), Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các trường mầm non trên địa bàn TP không nhận học sinh mới trong ngày khai giảng (5-9).

Văn bản này đề nghị các trường mầm non thực hiện công tác đón cháu mới bằng các biện pháp giúp trẻ thích nghi với trường.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, cho biết cùng với chỉ đạo các trường mầm non không được tổ chức cho học sinh tập tô, học chữ, học toán, Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì việc chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện này của các cơ sở để ngăn ngừa việc dạy trước chương trình lớp 1.

Nhấn mạnh hơn về việc này, bà Trần Thị Thắm, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục, giáo viên có biểu hiện ép học sinh lớp 1 phải học trước chương trình. Các trường tiểu học trên cả nước không được phép tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 1 với nội dung kiểm tra kiến thức toán, tiếng Việt. Chủ trương của bộ về việc hạn chế cho điểm học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, cũng là giải pháp để giảm áp lực “học trước lớp 1” đang gây bức xúc cho xã hội hiện nay. Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Không chỉ trong nhà trường mà việc tổ chức dạy thêm trước chương trình ngoài nhà trường cũng không được phép”.

Trao đổi về vấn đề lạm thu đầu năm học mới, ông Lê Khánh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã xây dựng hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ về việc thu phí bắt buộc cũng như tự nguyện trong các nhà trường, quy định về quy trình xã hội hóa trong các nhà trường... “Các nhà trường hiện nay thật sự vẫn khó khăn về tài chính. Cả nước chỉ có 17/63 tỉnh, thành đảm bảo được tỉ lệ 80% kinh phí chi cho lương, 20% chi hoạt động thường xuyên” - ông Tuấn chia sẻ. Việc để quỹ lương chiếm tỉ lệ quá cao trong tổng chi phí cho giáo dục sẽ khiến các cơ sở gặp khó khăn và buộc phải trông đợi vào nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, theo ông Lê Khánh Tuấn, với thực tế trên, ngoài các quy định chặt chẽ, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo và trực tiếp thanh tra, kiểm tra tình hình lạm thu trong năm học tới để đề nghị các địa phương xử lý sai phạm. “Thực hiện đúng quy định ba công khai ở các cơ sở giáo dục là giải pháp để việc thu chi trong nhà trường được kiểm soát từ nhiều kênh khác nhau” - ông Tuấn nói.

Ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT, thừa nhận trước năm học 2013-2014, cả nước vẫn còn thiếu 27.000 giáo viên, trong khi ở một số địa phương lại thừa giáo viên. Có nơi thừa ở môn này nhưng thiếu ở môn kia.

Trước mắt bộ chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kết hợp với các cơ sở đào tạo sư phạm để đào tạo có địa chỉ, cung cấp giáo viên của cấp học, môn học còn thiếu cũng như “đặt hàng” với các cơ sở đào tạo về yêu cầu chất lượng giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ quan tuyển dụng giáo viên có hộ khẩu tạm trú chứ không chỉ tuyển giáo viên có hộ khẩu thường trú như trước để tăng số lượng giáo viên còn thiếu mà không bỏ phí nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Trao đổi thêm với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm học 2013-2014 Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh việc thí điểm mô hình trường học mới và các phương pháp dạy học tích cực nhằm chuyển dần sang hướng giáo dục năng lực, kỹ năng cho học sinh; tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn ở bậc trung học, giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học thông qua thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên