18/08/2013 07:28 GMT+7

Hai đôi mắt mê say cùng nhìn về một hướng

HÀM CHÂU
HÀM CHÂU

TT - Trong chương trình “Người đương thời” Đài truyền hình Việt Nam, khi trả lời về quan niệm đối với tình yêu, GS Trần Thanh Vân đã chân tình chia sẻ: Sau ngày cưới, vợ chồng trẻ không nên chỉ suốt ngày ngồi nhà nhìn vào nhau đắm đuối, mà nên đi ra xã hội, với hai đôi mắt mê say cùng nhìn về một hướng...

G9B47D6C.jpgPhóng to
Ông bà Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc - Ảnh: Trường Đăng

Ông Trần Thanh Vân quê ở Đồng Hới (Quảng Bình), bên Lũy Thầy xưa và dòng Nhật Lệ biếc xanh, học trung học tại Trường Pellerin ở Huế, sang Pháp năm 17 tuổi. Bà Lê Kim Ngọc quê ở tỉnh Vĩnh Long trên vùng châu thổ sông Cửu Long thẳng cánh cò bay, học trung học tại Trường Marie Curie ở Sài Gòn, sang Pháp năm 18 tuổi. Hai người gặp nhau năm 1958 trong một hoạt động từ thiện ở Paris, cùng bán thiệp giáng sinh gom tiền xây dựng làng trẻ em SOS ở Việt Nam. Tình yêu chớm nở giữa đôi bạn trí thức trẻ và rồi kết hôn.

Tâm đầu ý hợp

Rất may suốt cả cuộc đời dài, hai người luôn tâm đầu ý hợp trong mọi hoạt động từ thiện và khuyến học - khuyến tài, luôn sát cánh bên nhau. Hai đôi mắt của đôi vợ chồng ấy - từ lúc tóc còn xanh đến khi đầu đã bạc - luôn cùng nhìn về một hướng. Đó là một hướng đúng và cao thượng: say mê tìm tòi, khám phá cái mới cho khoa học theo tinh thần thế kỷ ánh sáng, và hăng hái tham gia các hoạt động xã hội theo chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Phục hưng. Nếu nói theo ngôn ngữ truyền hình hiện đại thì cuộc đời của hai vị giáo sư ấy quả là cuộc đời của một “cặp đôi hoàn hảo”!

Về mức độ “hoàn hảo” đó, ta có thể nêu lên vô vàn dẫn chứng. Tuy nhiên, trong bài viết ngắn tôi chỉ muốn nhắc tới một dẫn chứng “sốt dẻo”.

Sáng thứ hai 12-8 vừa rồi, tại buổi lễ trang trọng khánh thành khu nhà hội nghị trong khuôn viên Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, GS Sheldon Lee Glashow, nhà bác học Mỹ đoạt giải Nobel vật lý năm 1979, đã nói: “Hôm nay đánh dấu ngày đỉnh cao, ngày mà giấc mơ từ rất lâu năm của hai người bạn, hai đồng nghiệp thân mến của tôi là Jean Tran Thanh Van và Kim, những người mà tôi và vợ tôi quen biết, quý mến suốt nhiều thập niên, như những nhà tổ chức duyên dáng và đầy hiệu quả hàng loạt hội nghị khoa học sáng chói, hội thảo, lớp học mùa hè tỏa sáng ở những nơi đẹp tuyệt vời, nhưng có lẽ không nơi nào đẹp bằng Quy Nhơn.Trung tâm kỳ diệu này được xây dựng dành cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước láng giềng châu Á”.

GS S. L. Glashow dùng nhiều từ mang ngữ nghĩa ở cấp cao nhất (superlative) như sáng chói (splendid), tuyệt vời (gorgeous), kỳ diệu (marvelous) để nói về những hội nghị khoa học quốc tế do ông bà Trần tổ chức, cũng như về Trung tâm Quy Nhơn. Nhưng, theo tôi nghĩ, đây không phải là những mỹ từ xã giao mà là ngôn từ chân thật của lòng người, phản ánh đúng sự thật khách quan.

Nhà bác học ấy hẳn đã cân nhắc nhiều khi đọc diễn văn trước một cử tọa ở trình độ cao, gồm tới 200 giáo sư, tiến sĩ vật lý thuộc 29 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhà bác học từng đoạt giải Nobel, huy chương Fields, cùng nhiều quan chức cao cấp Việt Nam như Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, cũng như nhiều nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng như GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc, GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, GS Phạm Quang Hưng, nhà vật lý thiên văn làm việc tại NASA TS Nguyễn Trọng Hiền...

Dành dụm tiền xây trung tâm khoa học

Trung tâm Quy Nhơn quả là một trung tâm kỳ diệu (marvelous center), đẹp tuyệt vời (gorgeous), với tổng diện tích lên tới 200.000m2. Đây là một quần thể kiến trúc gồm rất nhiều hạng mục, mà khu nhà hội nghị vừa khánh thành chỉ mới là hạng mục đầu tiên. Còn nhiều hạng mục khác nữa sẽ được xây dựng tiếp như khách sạn hiện đại, nhà hàng ẩm thực tinh tế mang sắc thái phương Đông, những cụm nhà gỗ mái rộng (bungalow) dành cho các gia đình, những ngôi nhà trầm tư (cogitum) trên những mặt hồ nhỏ xinh dành cho những nhà nghiên cứu lý thuyết, sân tennis, nhà trị liệu bằng nước (spa), bể bơi nước ngọt, nhà chiếu hình vũ trụ, những con đường dạo bộ len lỏi dưới tán lá dừa xanh.

Trung tâm có một bãi tắm biển riêng cát vàng, mịn phẳng, lặng sóng, một dòng sông nhỏ hiền hòa chảy qua khuôn viên trung tâm với nhịp cầu nho nhỏ đã xây xong, bên quán cà phê lộng gió. Núi xanh nằm ngay phía nam trung tâm, vừa có núi, biển, lại vừa có sông, hồ - một cảnh quan lý tưởng mà “con mắt tinh đời” của ông bà Trần đã khám phá sau mấy năm liền cất công tìm kiếm qua không ít vùng ven biển ở Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết. Đây quả là một “thắng địa” xét từ góc nhìn của quy hoạch phương Tây cũng như phong thủy phương Đông.

Một nét độc đáo của công trình này là đồng vốn bỏ ra xây dựng không phải do Nhà nước cấp mà do GS Trần Thanh Vân cùng đồng nghiệp của ông trong Hội Gặp gỡ Việt Nam dành dụm được sau mấy mươi năm hoạt động.

Người viết bài báo này đã được ông bà Trần mời cùng đi khảo sát vùng Ghềnh Ráng từ khi nơi đây còn um tùm gai cỏ, sim mua, với kiến trúc sư người Pháp Jean-François Milou - một người rất hào hoa phong nhã. Chính văn phòng ở Paris và Singapore của vị kiến trúc sư này đã nhận thiết kế với tiền công “rất hữu nghị” cụm công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp tao nhã này ở Quy Nhơn.

Trong bài diễn văn, S. L. Glashow đã nhắc tới tình bạn thân thiết nhiều thập niên giữa vợ chồng ông với Jean Trần Thanh Vân và Kim.

Là người sống ở Pháp hơn sáu thập niên nên GS Trần Thanh Vân thêm tên Pháp Jean là điều dễ hiểu. Nhưng tại sao GS Lê Kim Ngọc lại thường được bạn bè, quốc tế gọi thân mật là Kim? Chẳng là vì bà làm việc lâu năm ở phương Tây nên phải “nhập gia tùy tục”: sau khi lấy chồng, người phụ nữ phải mang họ chồng, và chỉ còn giữ lại cái tên mình thời con gái. Tuy nhiên, tên Ngọc lại quá ư khó phát âm đối với người châu Âu, một phần vì phụ âm ng, và phần khác là vì thanh điệu nặng mà các ngôn ngữ châu Âu không có. Cho nên bà đành phải lấy chữ lót Kim để thay thế. Trên các tạp chí sinh học quốc tế, người đọc thường gặp tác giả Kim Tran Thanh Van, hay viết gọn hơn là K. Tran Thanh Van. Trong nhiều năm, ít người Việt Nam biết rằng đó chính là nhà bác học Lê Kim Ngọc. Từ “bác học” tôi dùng ở đây là lấy nguyên văn từ các báo Pháp (savant).

Bà chính là người đã phát minh một phương pháp mới trong ngành công nghệ sinh học thực vật, gọi là lát mỏng tế bào (thin cell layer, viết tắt TCL). Trong cuốn sách chuyên khảo Thin cell layer được xuất bản bằng tiếng Anh gần đây trên thế giới, GS Gamborg ở Đại học Calgary, Canada viết: “Lát mỏng tế bào hay TCL là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc đối với chúng tôi trong suốt ba thập niên vừa qua, cũng đồng nghĩa với tên tuổi nữ giáo sư K. Tran Thanh Van, với nhiều công trình nghiên cứu sáng chói, kể từ khi bà công bố bài báo khoa học đầu tiên có ý nghĩa mở đường, đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Phương pháp TCL tỏ ra ưu việt đối với nhiều hệ thực vật tái sinh quy ước và sinh sản vi mô, đồng thời được coi là điều cốt tử trong việc phục tráng các thực vật chuyển đổi gen”.

Khi chuyện trò thân mật, GS Vân thường nói: “Ngọc nổi tiếng hơn tôi nhiều trong nghiên cứu khoa học. Ngọc có tới ba bài báo được in trên tờ Nature (Tự nhiên) ở Anh, điều mà tôi không làm được”.

Nature (Anh) cùng với Science (Mỹ) là hai tạp chí khoa học đỉnh cao thế giới. Nhiều công trình được in trên hai tạp chí này về sau tác giả của chúng đã được tặng giải Nobel.

GS Lê Kim Ngọc còn là chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam, một tổ chức từ thiện do bà sáng lập tại Pháp, hiện có khoảng 400 hội viên. Chính hội này đã quyên góp vốn xây dựng hai làng trẻ em SOS ở Đà Lạt và Đồng Hới, cùng Trung tâm Bảo trợ trẻ em ở Thủy Xuân (Huế).

Bế mạc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9

Ngày 17-8, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức lễ bế mạc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn, Bình Định. Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 diễn ra từ ngày 29-7 đến 17-8 thu hút hơn 250 nhà khoa học của 30 quốc gia tham dự.

Theo đánh giá của giáo sư Trần Thanh Vân, chương trình đã được tổ chức thành công với nhiều hội thảo chất lượng, giúp các nhà khoa học có cơ hội gặp gỡ giao lưu, bàn luận nhiều vấn đề khoa học, nhìn lại những kết quả mới nhất về vật lý hạt, vật lý thiên văn và vũ trụ học.

“Các nhà khoa học hài lòng với chất lượng nội dung hội nghị và địa thế của ICISE. Tôi hi vọng ICISE sẽ trở thành một ngôi nhà chung cho các nhà khoa học và là cơ hội để các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận với các nhà khoa học trên thế giới. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo quốc tế và một số hoạt động đào tạo ngắn hạn tại đây” - GS Trần Thanh Vân nói.

TR.ĐĂNG

HÀM CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên