Tựu trường ở lớp học thuê

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Ngày tựu trường đã gần kề, nhưng thầy cô giáo huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) vẫn bộn bề lo toan khi hàng ngàn học sinh còn học nhờ, học tạm ở nhà dân.

FHkkwisA.jpgPhóng to
Trường mầm non Đăk Rin thuê nhà dân để học - Ảnh: V.Minh

Chúng tôi đến điểm Trường mầm non Đăk Rin, thôn Đăk Kênh, xã Sơn Dung. Trường nằm chênh vênh trên con dốc cao nhưng đó là ngôi nhà của gia đình ông Đinh Văn Đất cho Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây thuê với giá rẻ để cho con em dân tộc Cadong theo học.

Thuê nhà dân cho con em học

Trường học là một ngôi nhà sàn xập xệ chi chít chỗ hư hỏng, dột nát. Cô giáo Đinh Thị Hải, chủ nhiệm lớp, cùng học sinh, phụ huynh tất bật dọn dẹp lại lớp học. Các em học sinh vẫn hồn nhiên bảo đó là ngôi trường của mình. Cô giáo Hải buồn bã nói: “Điều kiện học tập của các em ở đây rất khó khăn. Học nhà dân khổ lắm nhưng cô trò vẫn phải cố. Ở làng này ai cũng mong ước có được một ngôi trường đúng nghĩa để an tâm dạy, học. Nhiều lúc học thế này, học sinh không muốn ra lớp, phải đi vận động vất vả lắm”.

Ông Hà Phải - phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây - xác nhận: “Năm nay phải chạy đôn chạy đáo thuê nhà dân để học sinh kịp ra lớp đúng lịch học. Mỗi năm phòng GD-ĐT phải chi khoảng 60 triệu đồng thuê nhà dân cho việc dạy học, cảnh này diễn ra nhiều năm nay rồi. Từ xã Sơn Dung chạy ngược về xã Sơn Tân, đến điểm trường ở thôn Tà Dô là lớp mẫu giáo tập đoàn 21 của gia đình ông Đinh Văn Đỉa hơn chục năm nay. Đúng lúc cô giáo Trần Thị Bích Chí cùng học sinh sửa xong lớp học, trải tấm bạt xuống nền đất để các em ngồi nghe căn dặn trước ngày đến lớp học.

Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên ở Trường mẫu giáo tập đoàn 21 vô tư bắt nhịp theo cô giáo Chí hát bài Em yêu trường em nghe đẫm buồn. Các em đâu biết rằng phía sau bài hát Em yêu trường em/Với bao bạn thân và cô giáo hiền/...nào bàn nào ghế/nào sách nào vở với lời hát ngây thơ, trong trẻo ấy thì các em vẫn chưa có trường, chưa có lớp, chưa có bàn học... như trong bài hát.

Giấc mơ trường lớp xa vời

Theo báo cáo, ở Sơn Tây có 31 trường học chưa có chỗ học, phải học nhờ, học tạm, trong đó 12 ngôi trường thuê nhà dân tổ chức lớp học. Xã Sơn Màu có bốn điểm trường học nhờ, học tạm; xã Sơn Liên có năm trường phải học nhờ, học tạm; xã Sơn Long có bốn trường cũng phải học nhờ, học tạm... Huyện Sơn Tây có khoảng 6.000 học sinh các cấp nhưng hiện thiếu gần 70 phòng với khoảng 1.500 học sinh đang phải tiếp tục học nhờ, học tạm.

Theo ông Hà Phải, năm nay không có thêm trường học, phòng học được xây mới, phòng học thiếu thốn khiến năm học mới gặp rất nhiều khó khăn. Ông nói thêm dù Sở GD-ĐT Quảng Ngãi có kế hoạch xây cho huyện 31 phòng học mầm non nhưng giờ chưa triển khai, đành phải tiếp tục đi thuê nhà mở trường cho học sinh. Ông Lê Văn Tùng - chủ tịch UBND huyện Sơn Tây - thừa nhận việc thiếu trường lớp là thực tế tồn tại nhiều năm qua ở địa phương. Huyện đã tổ chức cuộc họp bàn về vấn đề này nhưng khó khăn lớn nhất là kinh phí xây trường. Trước mắt, huyện cố gắng chi kinh phí để các điểm trường ở nhà dân hoạt động, để các em có điều kiện học tập. Còn kinh phí để xây dựng lớp học với 12 điểm trường học nhờ, học tạm khoảng gần 4 tỉ đồng nhưng nguồn kinh phí địa phương hạn chế, việc xây dựng sẽ gặp không ít khó khăn.

Tiếng trống tựu trường sắp điểm. Học sinh vùng Sơn Tây vẫn ra lớp, các em vẫn cười hồn nhiên, hạnh phúc như bao đứa trẻ khác nhưng giấc mơ những ngôi trường đàng hoàng vẫn xa vời.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên