13/08/2013 17:30 GMT+7

Phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức trước khi cơ hội đến

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TTO - Trong khuôn khổ hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9, báo Tuổi Trẻ và Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam đang tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế về chủ đề “Nuôi dưỡng tình yêu khoa học”.

52CzkWOg.jpgPhóng to
Các nhà khoa học giao lưu cùng báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TTO
ZYozafYh.jpgPhóng to
Ông Tăng Hữu Phong - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ tặng kỷ vật cho Giáo sư Rolf Heuer - Ảnh: Hoa Khá
H3kBgHMy.jpgPhóng to
Ông Tăng Hữu Phong - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (trái) tặng kỷ vật cho giáo sư Sheldon Lee Glashow - Ảnh: Văn Lưu
EGgyUcPX.jpgPhóng to
Giáo sư George Fitzgerald Smoot với kỷ vật của Tuổi Trẻ - Ảnh: Văn Lưu

uJq8YSTQ.jpgPhóng to

Giáo sư Rolf Heuer và TS Nguyễn Trọng Hiền trả lời câu hỏi của độc giả báo Tuổi Trẻ từ Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (Quy Nhơn, Bình Định) - Ảnh: N.Phan
6gQGoFDf.jpgPhóng to
Giáo sư George Fitzgerald Smoot, Giáo sư Sheldon Lee Glashow và Giáo sư Phạm Quang Hưng tham gia giao lưu từ khách sạn nằm cách ICISE khoảng 6km - Ảnh: Văn Lưu
py9CCMTq.jpgPhóng to
Giáo sư Sheldon Lee Glashow (trái) và GS Phạm Quang Hưng trao đổi tại buổi giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ - Ảnh: Văn Lưu
NcYSjO0B.jpgPhóng to
Giáo sư George Fitzgerald Smoot và giáo sư Sheldon Lee Glashow "suýt" không tham gia được buổi giao lưu vì bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe - Ảnh: Văn Lưu

Buổi giao lưu được thực hiện trực tuyến thông qua tuoitre.vn bắt đầu từ 17g30 ngày 13-8 tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (Quy Nhơn, Bình Định) và khách sạn nơi các giáo sư ở (cách đó khoảng 6km).

Các nhà khoa học khẳng định Gặp gỡ Việt Nam lần 9 là cuộc gặp gỡ mang tầm vóc toàn cầu. Khẳng định điều đó vì ngay ở các nước phát triển cao nhất như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật... cũng hiếm khi tổ chức được một cuộc hội nghị khoa học thu hút tới năm nhà bác học đoạt giải Nobel.

Chính vì vậy, buổi giao lưu trực tuyến cũng mang một ý nghĩa to lớn không kém khi có hầu hết các nhà bác học lừng danh tham gia.

Các nhà bác học này là ai, họ từng có những công trình gì? Tuổi Trẻ xin giới thiệu đôi nét về các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến "Nuôi dưỡng tình yêu khoa học".

GS Sheldon Lee Glashow

LkqwaEhZ.jpgPhóng to

Giáo sư Sheldon Lee Glashow nói chuyện tại ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

GS Sheldon Lee Glashow (sinh ngày 5-12-1932) là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ. Ông từng đoạt giải Nobel vật lý vào năm 1979 cho công trình nghiên cứu về sự tương tác điện yếu giữa các hạt cơ bản, cũng như dòng trung hòa yếu.

Sheldon Lee Glashow tốt nghiệp trường trung học khoa học Bronx năm 1950. Ông là bạn cùng lớp của Steven Weinberg, người vốn sở hữu một công trình nghiên cứu độc lập dẫn đến việc chia sẻ giải Nobel vật lý cùng với Sheldon Lee Glashow và nhà vật lý người Pakistan Abdus Salam vào năm 1979.

Sheldon Lee Glashow hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Đại học Marseilles (Pháp), Học viện MIT, Phòng nghiên cứu Brookhaven, Texas A&M, Đại học Houston và Đại học Boston.

GS George Fitzgerald Smoot

Zbtjik3B.jpg

Giáo sư George Fitzgerald Smoot - Ảnh: Trường Đăng

GS George Fitzgerald Smoot (sinh ngày 20-2-1945) là nhà vật lý học thiên thể kiêm vũ trụ học người Mỹ. Ông đoạt giải Nobel vật lý năm 2006 cùng với nhà vật lý John C. Mather trong lĩnh vực nghiên cứu bức xạ phông nền vũ trụ và sự khám phá hình hài vật chất đen cũng như tính dị hướng của bức xạ nền vi sóng vũ trụ.

Công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel của George Fitzgerald Smoot đã giúp mở rộng học thuyết “Vụ nổ lớn” (Big Bang), nhờ sự hỗ trợ của dự án Cosmic Background Explorer Satellite (COBE, vệ tinh nghiên cứu nền vũ trụ). George Fitzegerald Smoot đã hiến tặng toàn bộ tiền thưởng nhận được cũng như chi phí đi lại cho quỹ từ thiện East Bay Community Foundation.

Hiện tại, ông đang là giảng viên môn vật lý tại Đại học California, Berkeley, nhà khoa học cao cấp tại Phòng nghiên cứu quốc gia Lawrence Berkeley. Ông còn đảm nhiệm chức vụ giảng viên môn vật lý tại Đại học Paris Diderot, Pháp từ năm 2010. Ngoài giải Nobel năm 2006, George Fitzgerald Smoot còn được trao tặng Huân chương Einstein và Huân chương Oersted năm 2009.

Giáo sư Rolf Heuer

eQditOGF.jpg

Giáo sư Rolf Heuer - Ảnh: Trường Đăng

Giáo sư Rolf Heuer là Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đã khám phá ra hạt Higgs (hay còn được gọi là “hạt của Chúa”) - công trình đứng đầu bảng xếp hạng top 10 đột phá khoa học quan trọng năm 2012. Theo các nhà khoa học, hạt Higgs không chỉ có ý nghĩa đối với vũ trụ xa xôi, mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cuộc sống trên địa cầu.

GS Phạm Quang Hưng

GS Phạm Quang Hưng - Đại học Virginia (Hoa Kỳ), đồng thời là Giáo sư danh dự của Đại học Huế - là người đặt viên gạch đầu tiên, góp phần xây dựng chương trình Vật lý theo chương trình tiên tiến thí điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo dựa theo chương trình gốc của Khoa Vật lý trường Đại học Virginia (Hoa Kỳ).

OwCeOjkO.jpg

GS Phạm Quang Hưng - Ảnh: Trường Đăng

Ông cũng là cầu nối quan trọng cho việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Huế với Đại học Virginia và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở Đại học Huế. Công trình nghiên cứu "Sự hạn chế khối lượng của hạt, Khả năng tồn tại không gian thứ tư, thứ năm" của giáo sư được giới khoa học đánh giá rất cao.

TS Nguyễn Trọng Hiền

TS Nguyễn Trọng Hiền (sinh năm 1963 tại Đà Nẵng) là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam cực, tại vĩ độ 90 độ Nam, vào cuối tháng 10-1992. Trong lần đầu tiên đặt chân đến Nam Cực, ông đã tự tay may cờ tổ quốc để cắm ở nơi này cùng với quốc kỳ của các quốc gia khác.

j0JmrGWO.jpg

TS Nguyễn Trọng Hiền - Ảnh: Trường Đăng

TS Hiền nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ tại Nam Cực; nghiên cứu về cấu trúc vũ trụ thời kỳ sơ khai, về những vật thể ở giai đoạn vũ trụ hình thành. Ông hiện là giám sát viên nhóm Thiết bị Thiên văn, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban Vật lý Thiên văn, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực NASA.

Năm 2011, Tuổi Trẻ đã có bài phỏng vấn thú vị với ông, bạn đọc có thể xem tại đây.

Buổi giao lưu đã bắt đầu đúng 17g30.

MỜI BẠN ĐỌC THEO DÕI NỘI DUNG:

* Kính chào các giáo sư, em đã từng có niềm đam mê đối với bầu trời bao la rộng lớn phía trên đầu mình khi còn nhỏ. Em rất thích nghiên cứu tên các ngôi sao, ngắm các hiện tượng kỳ thú như nhật thực, nguyệt thực... Nhưng em vẫn luôn cảm thấy vũ trụ thật quá bí ẩn và khó hiểu. Thực ra vũ trụ là cái gì? Nó tồn tại kiểu gì? Cái gì chứa đựng nó? Bên ngoài vũ trụ là gì? Em rất háo hức được hiểu chút ít về điều này ạ! (Trần Việt Tiến, 18 tuổi, hazelkey12639@)

- TS Nguyễn Trọng Hiền: Quả thật là khi nhìn khoảng trời đêm bao la, mình dễ có cảm giác choáng ngợp. Sau bao nhiêu năm nghiên cứu, cảm giác này vẫn xâm chiếm tôi mạnh mẽ mỗi khi trưc tiếp quan sát thiên văn ở những đài thiên văn khắp nơi trên thế giới.

PhmTjnz3.jpgPhóng to
TS Nguyễn Trọng Hiền tại buổi giao lưu - Ảnh: Hoa Khá

Đúng là vũ trụ vẫn bí ẩn và khó hiểu. Nhưng tôi nghĩ những câu hỏi về vũ trụ nếu như được nêu lên một cách đúng đắn, mang tính gợi ý cao, sẽ giúp cho ta hiểu thêm về bản chất của vũ trụ. Và về lâu dài, có thể giải mã được những vấn đề cơ bản của vũ trụ học. Cái khó là hỏi được câu hỏi đúng. Ví dụ, câu hỏi như “tại sao đêm tối” là câu hỏi rất hay.

Cha ông ta ngày trước nghĩ trời tối vì mặt trời lặn. Corpenicus là người đâu tiên có câu trả lời khác: do trái đất tự xoay quanh nó. Câu trả lời này đặt nền tảng đầu tiên cho vật lý học và khoa học nói chung. Nhưng câu trả lời của Corpenicus vẫn chưa giải quyết thoả đáng vấn đề.

Olber, nhà thiên văn Đức, sau này đã lý luận rằng, nếu vũ trụ là hằng hữu và vô tận thì ánh sáng từ các vì sao sẽ hội đủ để cho ban đêm vẫn sáng như ban ngày. Đây còn gọi là “nghịch lý Olbers” và là một nghịch lý dai dẳng trong vũ trụ học, và chỉ được giải quyết một cách thoả đáng gần đây thôi. Câu trả lời là vũ trụ không phải là hằng hữu - vũ trụ có tuổi. Và số lượng những vì sao là hạn hữu. Điều này, thêm vào chuyện giản nỡ của vũ trụ, góp phần làm nên bầu trời tối về ban đêm.

Bạn có thể tìm hiểu thêm các câu hỏi về vũ trụ và lời giải đáp của chúng trên mạng. Nếu bạn đọc được tiếng Anh, có thể tham khảo ở những trang này: http://www.astro.ucla.edu/~wright/cosmology_faq.html; http://imagine.gsfc.nasa.gov/docs/ask_astro/cosmology.html

* Khi nghiên cứu khoa học, gặp phải vấn đề mình không biết và cũng chưa ai biết, ông làm thế nào để tìm ra ý tưởng giải quyết? Tôi tin chắc rằng nó cần dùng tới trực giác và sự tưởng tượng đặc biệt. (Trần Phương Trang, 20 tuổi, ganuong45@...)

Với vai trò làm cầu nối giữa các nhà khoa học đạt giải Nobel và bạn đọc, đội ngũ các BTV-PV của Tuổi Trẻ đã có mặt tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (Quy Nhơn, Bình Định) từ sớm để thực hiện giao lưu trực tuyến, tuy nhiên gần đến “giờ G”, hai giáo sư Glashow và Smoot bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe, có nguy cơ không tham gia được buổi giao lưu. Êkíp thực hiện đã cấp tốc chia làm ba nhóm đến tận nơi các giáo sư đang ở và thực hiện giao lưu trực tuyến từ ba địa điểm khác nhau.

- TS Nguyễn Trọng Hiền:

Tùy thuộc vào vấn đề mà ta có những hướng giải quyết khác nhau. Tôi là nhà thực nghiệm nên cách giải quyết thường cũng khác với các nhà lý thuyết. Nếu trực giác và sự tưởng tượng giải quyết được vấn đề thì quả là hướng giải quyết tuyệt vời. Lấy ví dụ gần đây, những công trình lý thuyết của anh Đàm Thanh Sơn thường được xem là thể hiện đều này rõ nét nhất.

* Trong suốt quá trình làm khoa học, có bao giờ ông muốn từ bỏ khoa học cơ bản để thực hiện các đề tài nghiên cứu tạo ra các lợi ích cụ thể, mang lại lợi nhuận nhiều hơn không? (Đậu Văn Bảo, ĐH Kỹ Thuật Công nghệ TP.HCM, Huỳnh Anh Tuấn, ĐH Bách Khoa TP.HCM)

* Xin hỏi khoa học vật lý trong vũ trụ khác với vật lý trong trái đất như thế nào? Liệu chúng ta có thể dựa vào quang phổ để xác định khoảng cách và độ dài cũng như khối lượng của các vì sao ngoài hành tinh?

- TS Nguyễn Trọng Hiền: Các qui luật cơ bản của vật lý thì như nhau ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên trong những môi trường phức tạp vẫn nảy sinh những qui luật vật lý mới, hiện tượng này còn gọi là “emergent” hay là “đột sinh.”

Phổ phát ra từ các vì sao, theo như thuyết tương đối của Einstein, sẽ “dịch về đỏ” (còn gọi là redshift) do các photon mất đi thế năng khi rời các vì sao. Mức dịch về đỏ này rất nhỏ nên rất khó xác định. Nếu đo được mức dịch về đỏ này, ta sẽ xác định được khối lượng của vì sao.

Còn “độ dài” của các vì sao trong câu hỏi của bạn thì tôi hiểu là đường kính hay là kích cỡ của những vì sao. Đại lượng này đã được xác định cho một số vì sao bằng phương thức giao thoa.

* Độ dài khoảng cách xác định như thế nào trong không gian? Tọa độ không gian trong vũ trụ có phải xác định được hay không? (Kim Thanh Thiện, 1987 tuổi,thien2211014@...)

- TS Nguyễn Trọng Hiền: Ngày nay độ dài được xác đinh bởi khoảng cách mà anh sáng đi được trong khoản thời gian xác định. Toạ độ không gian được xác định, dĩ nhiên, điều này tùy thuộc vào sự chọn lựa của người xác định.

* Là nữ nhưng em rất đam mê nghiên cứu khoa học. Các giáo sư đã đoạt giải Nobel có thể cho biết các ngài có nhiều đồng nghiệp nữ không? Và theo các giáo sư, nếu dấn thân vào con đường nghiên cứu thì các nhà khoa học nữ có thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam không? (Hai học sinh chuyên Lý, Trường THPT Năng khiếu và THPT Lê Hồng Phong)

- Giáo sư Rolf Heuer: Theo tôi, điều rất quan trọng là chúng ta cần có những nhà người nữ nghiên cứu khoa học. Ở CERN 15 - 25% là nữ giới, tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong có nhiều hơn thế, vì nữ giới rất phù hợp trong một số ngành.

- Giáo sư Sheldon Lee Glashow: Trong trường ĐH của tôi và GS Smoot có khoảng 20% sinh viên là nữ, ở Mỹ bây giờ họ rất năng động giúp khoa học gia nữ, chẳng hạn như ở ĐH California ở Berkeley có hai cựu trưởng khoa lý là nữ. Đã có những sự cố gắng để giúp đỡ những khoa học gia nữ vì ở Mỹ họ cảm thấy số lượng khoa học gia nữ vẫn còn thấp so với khoa học gia nam.

* Tôi thấy việc tuyên truyền, thổi đam mê nghiên cứu khoa học cho giới trẻ VN “có vấn đề”. Lấy ví dụ cuộc thi Robocon, sau khi thi xong các đội vô địch “lặn mất tăm”, hoặc chuyển qua làm kinh doanh, tôi chưa thấy ai theo con đường nghiên cứu cả. Tôi muốn biết ý kiến của TS Hiền và GS Hưng về vấn đề này; và hai ông có gợi ý nào để giúp giới trẻ đam mê khoa học hơn không? Cảm ơn hai ông! (Minh Thụy, 35 tuổi)

- TS Nguyễn Trọng Hiền: Giới trẻ chúng ta rất ham mê khoa học, tưởng như là không cần thiết chúng ta phải làm thêm điều gì để thúc đây lòng ham mê khoa học trong họ. Điều cần thiết là xã hội có tạo cơ hội cho họ tiếp tục sự đam mê ấy với những nghiên cứu khoa học hay không mà thôi.

Những người thắng các cuộc thi như Robocon là những tài năng đặt biệt, cần được xã hội trân trọng và tạo điều kiện cho họ có hướng phát triển lâu dài. Vì thiếu cơ hội nghiên cứu nên họ buộc phải chuyển sang những hướng khác thôi. Đây không nhất thiết là sự thiếu đam mê khoa học của họ.

* Tôi đọc thông tin trên web và rất ngưỡng mộ khi được biết TS Nguyễn Trọng Hiền đã thiết kế một kính thiên văn vũ trụ mới thay cho kính thiên văn vũ trụ Hubble khi kính này hết hạn sử dụng. TS có thể kể lại quá trình thiết kế này không ạ, cũng như những khó khăn mà TS gặp phải? Cảm ơn TS! (Lê Thiện, 19 tuổi)

- TS Nguyễn Trọng Hiền: Đài thiên văn sẽ thay cho kính Hubble là James Webb Space Telescope, vẫn còn đang chế tạo. Thưa tôi không tham gia việc chế tạo đài thiên văn này.

* Xin chào GS. Hưng. Tôi chắc là GS cũng từng đặt chân đến những phòng thí nghiệm của Việt Nam, xin ông chia sẻ về những khó khăn mà khoa học Việt Nam đang gặp phải (theo cảm nhận của ông)? (Hà Phương Dung, 32 tuổi, nhatphuong)

- GS Phạm Quang Hưng: Tôi đã có dịp viếng thăm phòng thí nghiệm về vật liệu ở Viện KHCN Hà Nội và tôi cảm thấy những phòng thí nghiệm đó được trang bị khá đầy đủ. Môn vật liệu không thuộc ngành của tôi nên cảm nhận đó chỉ là tương đối thôi. Chuyên môn của tôi là vật lý hạt, ở VN hiện thời chưa có những phòng thí nghiệm liên quan tới ngành đó và tôi hy vọng trong tương lai nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để tạo ra một vài trung tâm nghiên cứu vật lý hạt.

* Làm sao để các giáo sư tìm ra những điều mới mẻ, tìm ra những “lý thuyết” vĩ đại như vậy? Xin các giáo sư đoạt giải Nobel chia sẻ về cách quan sát cuộc sống để có thể tìm ra những khám phá khoa học? (Bảo Trân, học sinh THPT Gia Định, TP.HCM)

- Giáo sư George Smoot: Chuẩn bị kiến thức, đọc những bài báo, những công trình đã được công bố, từ đó tìm ra những ý tưởng rồi phân loại những ý tưởng nào có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm. Tìm kiếm những tiến bộ trong công nghệ ở những lĩnh vực khác, sau đó mang vào ứng dụng trong lĩnh vực vật lý. Điều quan trọng là phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức khi cơ hội đến.

* Để đoạt giải Nobel, chắc chắn các thầy phải “toàn tâm toàn ý” với nghiên cứu khoa học. Xin hai giáo sư đoạt giải Nobel chia sẻ về thời gian làm việc của các thầy? Có phải các thầy luôn luôn ở phòng thí nghiệm hay không? Tình yêu đối với khoa học đã được các thầy đặt như thế nào so với tình yêu gia đình…? Theo khoa học, các thầy có phải hy sinh nhiều không? (Nhật Quang, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM)

- Giáo sư George Smoot: Tôi phải làm việc 16 tiếng/ngày. Có những lựa chọn thông minh và theo đuổi nó đến cùng. Có nhiều người thành công là do thông minh, xuất sắc, còn tôi thì tôi chọn sự chăm chỉ. Có người đoạt giải Nobel nhưng có thể làm việc ít hơn tôi, nhưng họ thông minh và có sự lựa chọn đúng chủ đề và đúng thời điểm, họ không phải hy sinh nhiều. Nhưng tất cả họ đều dám suy nghĩ và thực hiện những ước mơ lớn.

Ví dụ như các nhà sư, họ yêu gia đình nhưng đồng thời cũng công hiến cuộc đời của mình cho tôn giáo, cho xã hội. Vấn đề ở đây là sự lựa chọn. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng. Nếu mình chọn việc này thì mình sẽ giảm việc khác. Sự khác biệt là không phải ai cũng chọn con đường giống nhau và dành thời gian công sức cho nó.

* Điều gì khiến ngài tham gia "Gặp gỡ Việt Nam"? Ngài đánh giá như thế nào về con người, đất nước Việt Nam và những nhà khoa học mà ngài đã có dịp làm việc? (Nhật Hà, 20 tuổi, nhathang)

- Giáo sư Sheldon Lee Glashow: Đầu tiên là GS Trần Thanh Vân là bạn thân của tôi, tôi đã gặp gia đình GS Vân, GS Ngọc 42 năm nay. GS Vân mời tôi đến đây là tôi gật đầu ngay. Đây là một lý do trong nhiều lý do khác. Lý do khác là trung tâm ICISE vừa được thành lập là một điều rất quan trọng cho sự phát triển khoa học VN, nhờ trung tâm này hy vọng trong tương lai khoa học VN phát triển hơn nhiều. Tôi quen nhiều khoa học gia Việt Nam nhưng mang quốc tịch Pháp, Mỹ như GS Phạm Quang Hưng.

Đây là lần đầu tiên tôi đến VN nên chưa có dịp làm việc nhiều với các nhà khoa học trong nước, cách đây 18 năm vợ tôi có đến dự Gặp gỡ VN nhưng tôi không đi cùng được vì bận. Trong những năm 60 tôi có tham gia biểu tình chống chiến tranh VN ở ĐH California ở Berkeley. Tối 11-8 tôi có dịp trao đổi với phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong bữa cơm tối và có ấn tượng rất tốt về ông Nhân. Tôi thấy ông Nhân rất cởi mở và có rất nhiều tâm huyết để phát triển khoa học và công nghệ của VN.

Tôi có trao đổi với các em đoạt huy chương vàng Olympic và ấn tượng rất tốt về trình độ tiếng về trình độ tiếng Anh và nội dung các câu hỏi do các em đặt ra. Trước khi tới đây, tôi cũng có buổi nói chuyện với SV trường ĐH Bách Khoa TP.HCM và cũng có ấn tượng tương tự.

* Thưa GS. Rolf Heuer, sau khi thành công với việc xác minh hạt Higgs, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) sẽ hướng tới mục tiêu nào tiếp theo? (N. H. Hiếu, 22 tuổi, huuhieu1105@...)

- GS. Rolf Heuer: Tôi không thích dùng cách gọi "Hạt của Chúa" để chỉ hạt Higgs, đó chỉ là một trong những hạt cơ bản. Lấy ví dụ bạn có 12 anh em sinh đôi, cho dù đến gần, vẫn khó lòng phân biệt được rõ ràng, do đó, cách phân biệt cần rất nhiều thời gian và công sức. Các hạt Higgs cũng vậy, chúng ta không biết liệu các hạt Higgs có bao nhiêu "anh chị em" khác nhau, và công việc xác định điều đó mất rất nhiều thời gian và công sức. Đó chỉ là một trong những dự án mà CERN sẽ thực hiện bây giờ và trong tương lai.

Sau khi tìm ra hạt Higss, chúng tôi đã tìm ra một mô hình chuẩn, nhưng chỉ giải thích được 5% vũ trụ mà thôi.

* Giới hạn không gian và thời gian trong vũ trụ có phải là giới hạn tuyệt đối không? (Kim Thanh Thiện, 1987 tuổi, thien2211014@)

- Giáo sư George Smoot: Tôi không biết chắc chắn là giới hạn hay không giới hạn, nhưng chúng ta biết rằng nó rất lớn. Tuổi của vũ trụ khoảng 14 tỉ năm, chúng ta chỉ có thể chắc chắn những vùng có thể quan sát được.

* Thưa GS. Phạm Quang Hưng và TS. Nguyễn Trọng Hiền, tôi cho rằng để thành công thì môi trường nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Xin ông cho biết, bao nhiêu thành công trong khoa học đến từ môi trường và bao nhiêu % đến từ ý chí, nghị lực và đam mê? Nếu ông vẫn ở Việt Nam, ông có tin rằng mình sẽ thành công trên con đường nghiên cứu khoa học hay không? (Trần Mạnh Cường, sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM)

- GS Phạm Quang Hưng: Theo tôi sự quan trọng của môi trường, ý chí nghị lực và đam mê tương đương nhau, các yếu tố này đều quan trọng. Nhưng một điều mà mình nên có là đam mê. Trong bối cảnh hiện thời thì có lẽ rất khó để thành công trong nghiên cứu khoa học vì nước mình đang cố tạo điều kiện để cho những người trẻ đam mê khoa học có thể thành công trong sự nghiệp nhưng hiện thời những điều đó chưa được thực hiện.

* Thưa giáo sư Rolf Heuer, ông nhận xét gì về nguồn năng lượng tối mà hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy được? Theo ông, thế kỷ 21, con người có thể khám phá bao nhiêu phần trăm về nguồn năng lượng tối này? (Nguyễn Trung Kiên, sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM)

- GS Rolf Heuer: Chúng tôi cũng không thực sự thực hiện dự án mới nhằm xác định vật chất tối này. Vật chất tối là 1/4 trong 95% bí ẩn vũ trụ chưa xác định, 3/4 còn lại là năng lượng tối và chúng ta cũng chưa biết được đó là gì. Ngoài ra, chúng ta chỉ biết rằng vật chất tối dính lại với nhau như vật chất thông thường nhưng chúng ta không biết chúng là gì cả.

CERN sẽ tìm cách giải mã bí ẩn này trong thời gian tới. Nhưng khi nào, thì tôi không thể biết được. Tôi đã bỏ quên "quả cầu pha lê đoán biết tương lai" của tôi ở nhà.

Mfufpjue.jpgPhóng to
Giáo sư Rolf Heuer trả lời câu hỏi của độc giả gửi đến báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Trực

* Giáo sư Rolf Heuer, cả thế giới rất ngưỡng mộ ngài và CERN, nơi đã tìm ra "Hạt của Chúa". Xin ngài cho biết về một số hoạt động của đội ngũ giáo sư tham gia nghiên cứu, có bao nhiêu giáo sư tham gia dự án và mất bao nhiêu thời gian để tìm ra "Hạt của chúa"?

- GS Rolf Heuer: Khoảng 8.000 nhà khoa học thực hiện dự án "hạt Higgs", nhưng dự án nghiên cứu này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ của toàn bộ đội ngũ chuyên gia tại CERN. Lần đầu tiên khoa học tiên đoán sự tồn tại của hạt Higgs là năm 1964. Mãi đến năm 1983, thì mới có một dự án đầu tiên để tìm ra hạt Higgs. Và phải đến năm ngoái (2012), thì CERN mới khám phá ra hạt Higgs. Dự án tìm kiếm hạt Higgs đó của CERN kéo dài khoảng 3 năm. Như thế, từ khi tiên đoán về sự tồn tại cho đến khi tìm ra, từ năm 1964 - 2012 là một khoảng thời gian rất dài.

6 nhà khoa học trẻ VN đang làm việc ở CERN

* Được biết hiện có một số nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm việc tại CERN. Ông đánh giá thế nào về năng lực của họ. Liệu các chuyên gia Việt Nam có đủ khả năng đứng vững và phát triển ở CERN?

- GS Rolf Heuer: CERN hiện có 15.000 nhà khoa học đang làm việc, trong đó, có 6 nhà khoa học trẻ người Việt Nam. Họ đến làm việc và nghiên cứu tại CERN thông qua các viện nghiên cứu ở Pháp và Đức. Tôi chưa gặp trực tiếp 6 nhà nghiên cứu người Việt này nên không thể đánh giá được năng lực của họ, nhưng nếu các viện nghiên cứu nổi tiếng tại Pháp và Đức đã giới thiệu họ cho CERN thì họ phải rất giỏi.

Trong dự án tìm ra hạt Higgs này, có 1/3 các nhà khoa học trẻ đang học lấy bằng tiến sĩ.

* Giáo sư Heuer là một nhà khoa học nhưng giờ ông đang giữ chức giám đốc CERN. Việc quản lý có ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu của ông không? Nếu có, ông có nuối tiếc thời kỳ nghiên cứu hay không? Ông có dự định quay lại với công việc nghiên cứu không?

- GS Rolf Heuer: Khi giữ vai trò giám đốc của CERN, tôi vừa làm một nhà quản lý, vừa là một nhà ngoại giao và phải làm nhiều công việc khác. Do đó, tôi không thể tập trung vào nghiên cứu khoa học, đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng tôi không quá nuối tiếc thời kỳ nghiên cứu bởi tôi nghĩ rằng, tôi là một nhà quản lý giỏi hơn một nhà nghiên cứu. Do đó, tôi sẽ tiếp tục công việc quản lý của mình cho đến khi về hưu.

* Xin GS. Shedon Lee Glashow cho biết những nhận xét của ông khi tiếp xúc bằng ngoại ngữ (tiếng Anh) với học sinh, sinh viên Việt Nam tại TP.HCM trong chuyến đi này của ông? Theo GS, học sinh, sinh viên của Việt Nam có nhiều điều kiện, tố chất để tạo nên những bước ngoặt, thành tựu lớn trong nghiên cứu khoa học về vật lý cơ bản hay không? (Minh Lý, ĐH Bách khoa TP.HCM)

- GS. Shedon Lee Glashow: Có nhiều bạn hỏi tôi làm sao cháu có thể trở thành một nhà khoa học, tôi đã trả lời phải có chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ trang bị phòng thí nghiệm trong ĐH có học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh để tiếp tục nghiên cứu. Những gì tôi nêu ở đây là những thứ tôi đã trải qua khi còn trẻ. Những phòng thí nghiệm được trang bị ở trường ĐH ở VN còn rất sơ sài.

* Cháu yêu thích cả Toán và Vật lý vì cháu thích hoạt động xung quanh các số liệu, biểu đồ...Cháu cũng quan tâm, thích tìm tòi đến lĩnh vực điện học và quang học. Cháu rất muốn theo đuổi hai môn này nhưng cháu sắp phải thi vào lớp 10 và rất muốn học chuyên nên cháu đang băn khoăn nên đi theo chuyên Toán hay chuyên Lý, mong các vị giúp đỡ. (Nguyễn Tâm, 14 tuổi, nguyentha

- GS Phạm Quang Hưng: Cả Toán và Lý đều rất thú vị nhưng nếu em muốn đi sâu vào những lĩnh vực em đã nêu ở trên, tôi khuyên em nên chọn vật lý.

* Gửi GS. George Smoot. Trong suốt quá trình làm khoa học, có bao giờ ngài muốn từ bỏ khoa học cơ bản để thực hiện các đề tài nghiên cứu tạo ra các lợi ích cụ thể, trước mắt, những nghiên cứu mang lại lợi nhuận nhiều hơn hay không? (Đậu Văn Bảo, ĐH Kỹ Thuật Công nghệ TP.HCM; Huỳnh Anh Tuấn, ĐH Bách Khoa TP.HCM)

- GS. George Smoot: Có đôi lúc làm khoa học rất vất vả, khó khăn nhưng chúng ta cần có tình yêu và quyết tâm để theo đuổi công việc đã chọn. Có đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, chán nản nhưng tình yêu và niềm đam mê sẽ giúp bạn nhận rõ ra cái gì mình thực sự muốn làm. Có rất nhiều thứ thú vị để làm nhưng quan trọng là chọn cái nào phù hợp với khả năng và đem lại niềm vui cho mình. Ví dụ , ngoài thời gian dành cho khoa học, tôi muốn làm những công việc khác để giúp mình vượt qua lúc chán nản, khó khăn. Chẳng hạn, xây dựng một học viện để đào tạo các bạn trẻ hay tham gia những sự kiện như Hội nghị Gặp gỡ VN lần 9 này…

* Thế kỷ 21 có phải là thế kỷ của thiên văn học vũ trụ hay không thưa giáo sư George Smoot? Ông có nghĩ rằng sao Hỏa có một sự sống giống như trái đất và sự sống đó đã bị dập tắt do một cơn bão lửa vũ trụ cách đây hàng tỉ năm?(Luu Thanh Phương, 20 tuổi, thanhphuongcd@)

- GS. George Smoot: Không chỉ thiên văn vũ trụ đâu mà tôi tin rằng còn có nhiều ngành khác như sinh học vật lý và vật lý chất rắn… cũng sẽ rất quan trọng.

* Là một nước đang phát triển, Việt Nam cần những gì để có thể tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tại CERN?

- GS Rolf Heuer: Có nhiều phương thức khác nhau, cách tốt nhất là Việt Nam trở thành một nước thành viên của CERN. Sau khi đạt được thỏa thuận với CERN, Việt Nam có thể cử các nhà khoa học và các kỹ sư trẻ đến CERN. Họ có thể nghiên cứu và làm việc tại CERN trong vài năm, rồi quay trở lại Việt Nam để chuyển giao kiến thức và công nghệ. Đó là một nhiệm vụ quan trọng. Để làm điều này, Việt Nam và CERN cần có một thỏa thuận chính thức, bởi chúng tôi không làm điều này miễn phí.

* Các bạn trẻ Việt Nam cần chuẩn bị gì để tham gia vào những ngành khoa học lớn của vật lý?

- GS Rolf Heuer: Họ phải là những sinh viên và những nhà nghiên cứu rất giỏi. Họ cần có sự chuẩn bị kỹ càng trong lĩnh vực nghiên cứu và phải thuyết phục được các giáo sư, tham gia vào một dự án thí nghiệm của CERN. Chúng tôi có những thỏa thuận với các trường đại học, và nghiên cứu sinh phải thuyết phục được giáo sư cho phép họ tham gia vào các dự án nghiên cứu giữa trường ĐH với CERN. Nói chung, họ phải rất giỏi.

* Liệu sự thống nhất giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối là câu trả lời cho vũ trụ thời kỳ đầu? (Trần Nguyễn Đăng Khoa, Trường THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM)

- Giáo sư George Smoot: Rất nhiều người hy vọng là điều này chính xác. Nếu nó xảy ra thì chúng ta có thể tiên đoán được vũ trụ thời kỳ đầu.

* Tôi vừa tốt nghiệp cử nhân vật lý của một trường ĐH tại Việt Nam và đang tiếp tục theo học thạc sĩ. Tôi rất muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học nhưng ở Việt Nam rất thiếu những phòng thí nghiệm chuyên môn để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu cơ bản, nên tôi nghĩ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi cũng chỉ có thể đi dạy và… xem nghiên cứu là một “nghề tay trái”, làm để thỏa mãn đam mê của mình mà thôi. Những phòng thí nghiệm khoa học trên thế giới (những nơi mà các thầy từng làm việc, hoặc từng hợp tác) có bao giờ đặt hàng những đề tài khoa học đến những nước mà khoa học cơ bản chưa mấy vững hay không? Và chúng tôi phải tìm “nguồn” này ở đâu? (Một học viên cao học ngành Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM)

- GS Phạm Quang Hưng: Theo tôi biết thì đã có nhưng đó chỉ là những trường hợp rất đặc biệt.

* Theo tôi nghĩ giáo sự hoạt động nghiên cứu khoa học không phải vì giải thưởng Nobel, nhưng từ khi ông được giải thưởng đến nay thì vai trò của giải thưởng đối với cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông thế nào? (Phạm Thường Quân, Củ Chi, TP.HCM)

- Giáo sư George Smoot: Trước khi có giải Nobel, tôi có hai công việc là nghiên cứu và giảng dạy. Giải Nobel được xem như là công việc thứ ba. Khi đoạt giải Nobel, tôi đi và gặp gỡ nhiều hơn, tham dự nhiều hội nghị… Ngoài ra, tôi còn là một ví dụ điển hình cho thế hệ trẻ noi theo. Tôi tự nhận thấy mình có trách nhiệm động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn trẻ theo đuổi ngành khoa học vật lý.

* Em hiện là sinh viên kinh tế đang theo học tại Singapore, dù đã học đến năm II nhưng em thực sự rất đam mê nghiên cứu vật lý. Nhưng do em là nữ nên bố mẹ không cho em theo ngành này. Xin các thầy chia sẻ cho em những “cái lợi”, cái hay của nghiên cứu vật lý cơ bản hơn hẳn những ngành khác để em có thể mạnh dạn bắt đầu lại, trở lại với niềm đam mê của mình là nghiên cứu vật lý? (Trần Thúy Vy, Q.Tân Bình, TP.HCM)

- GS Phạm Quang Hưng: Cái lợi và cái hay của nghiên cứu vật lý cơ bản là có thể dẫn mình tới biên giới của những hiện tượng thiên nhiên mà mình có thể không tưởng tượng được.

* Xin TS. Hiền cho biết một ngày làm việc của ông ở ban Vật lý của NASA? Và lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam muốn theo đuổi con đường thiên văn học như ông? (Hà Phương Dung, 32 tuổi, nhatphuong...)

- TS Nguyễn Trọng Hiền: Một ngày nghiên cứu của tôi cũng bình thường, và không như nhau. Có ngày tôi đi dạy, có ngày tôi đi họp để xét duyệt các đề án, và tôi cũng góp phần trong công tác quản lý về nghiên cứu tại ban vật lý của NASA... nhưng công việc chính của tôi là chế tạo thiết bị thiên văn, và phân tích dữ liệu, cũng như thử nghiệm các thiết bị ấy. Và mỗi ngày thay đổi tùy theo tiến độ của công việc này.

Lời khuyên của tôi đối với bạn trẻ là hãy cứ trau dồi kiến thức và thực hiện những đam mê yêu thích của mình. Còn các cơ hội, nó sẽ đến muộn, nhưng một khi mình đã làm được điều mình yêu thích và có khả năng làm được điều mình thích thì thường sẽ làm được nhiều chuyện khác, không chỉ gói gọn trong vấn đề đó.

Đúng 19g. Do thời gian có hạn, các Giáo sư - khách mời của chương trình không thể trả lời tất cả các câu hỏi bạn đọc gửi về. Tòa soạn TTO đã cố gắng chuyển tải các câu hỏi của bạn đọc đến khách mời trong khả năng có thể. Chân thành cảm ơn sự theo dõi của bạn đọc.

Đọc thêm

Một tiêu điểm hội tụ ánh sáng khoa học Quay lưng với khoa học cơ bản là sai lầm Chào đón các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam Đón 5 nhà bác học đoạt giải Nobel

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên