TP.HCM: bảo mẫu làm thay việc giáo viên

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Bảo mẫu làm thay công việc của giáo viên, giáo viên THPT dạy THCS, giáo viên tiểu học kiêm luôn dạy nhạc, họa, trường này “mượn” giáo viên ở trường kia... là thực trạng ở TP.HCM đầu năm học mới 2013-2014.

zuZYHEao.jpgPhóng to
Niềm vui của các giáo sinh Trường ĐH Sài Gòn TP.HCM nhận được giấy phân công công tác tại các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên - Ảnh: Như Hùng

Trong khi năm học mới đã gần kề, nhiều trường vẫn hoang mang chưa biết phân công chủ nhiệm, xếp thời khóa biểu ra sao khi giáo viên còn chưa tuyển đủ.

AzjC6qft.jpgPhóng to
Các ứng viên trúng tuyển nhận giấy giới thiệu phân công công tác tại các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên sáng 28-7-2013 - Ảnh: Như Hùng

Mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới như trường sở, tuyển sinh, sách giáo khoa... đã cơ bản hoàn thành, nhưng Trường tiểu học Trần Văn Mười, huyện Hóc Môn vẫn còn thiếu 12 giáo viên. Tương tự, Trường THCS Tô Ký cũng ở huyện này than “giáo viên chưa đủ để thực hiện phân công giảng dạy” khi nhu cầu về giáo viên là 36 người nhưng mới chỉ có 22.

Cật lực xoay xở

Chấn chỉnh nhà trường thu phí quá cao

Ngày 30-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã ký văn bản gửi Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện thu các khoản phí đầu năm học tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh.

Lý do, theo phản ảnh của phụ huynh học sinh, hiện nay các trường trên địa bàn TP Phan Thiết đã thông báo thu các khoản vào đầu năm học 2013-2014 (thu ngoài học phí). Trong đó có một số khoản thu quá cao và không hợp lý, nhất là thu đối với học sinh bán trú.

NGUYỄN NAM

Ông Trần Minh Triết, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, cho biết: “Hiện bậc học mầm non còn thiếu 20 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 4 giáo viên âm nhạc, 4 giáo viên mỹ thuật và 26 giáo viên dạy nhiều môn. Thiếu giáo viên môn âm nhạc và mỹ thuật là tình hình chung của thành phố. Số sinh viên sư phạm mầm non tốt nghiệp ra trường rất ít”. Tại các trường mầm non tư thục của huyện này, có tới 421 bảo mẫu phải làm các công việc thay thế giáo viên.

Để khắc phục việc thiếu giáo viên cho năm học mới, nhiều trường phải phân công một giáo viên và một bảo mẫu dạy chung một lớp hoặc tăng sĩ số học sinh trên lớp. Bên cạnh đó, phòng giáo dục huyện cũng động viên và tạo điều kiện cho bảo mẫu tham gia các lớp đào tạo giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ cô nuôi dạy trẻ để “bù” vào lượng giáo viên mầm non đang thiếu hụt. Ở bậc tiểu học, phòng giáo dục cho biết hướng khắc phục là giao giáo viên tiểu học phụ trách thêm hai môn âm nhạc và mỹ thuật, hợp đồng hoặc thỉnh giảng thêm các giáo viên.

Trong khi đó, quận 11 cũng thiếu 52 giáo viên mầm non khi năm học mới đã gần kề. Phòng giáo dục quận cho biết cả trường công và trường tư đều thiếu giáo viên. Hiện mới có 17 giáo viên đăng ký xét tuyển. Ông Lê Nguyên Vịnh, trưởng phòng, cho biết “đang kiến nghị cấp lãnh đạo cho phép xét tuyển giáo viên mầm non chưa có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM”.

Ông Trần Minh Ngôn, trưởng Phòng GD-ĐT quận 4, cho biết: “Năm học mới này quận 4 thiếu tổng cộng 108 giáo viên, trong đó 28 giáo viên mầm non, 52 giáo viên tiểu học và 28 giáo viên THCS. Đợt tuyển đầu tiên chỉ tuyển được 6 giáo viên mầm non, 9 giáo viên tiểu học và 11 giáo viên THCS, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nhất là bậc mầm non”.

Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết đang xin sở tuyển dụng thêm ba giáo viên môn toán, lịch sử và kỹ thuật nữ công để kịp vào năm học mới. Trường mầm non Cảng có một giáo viên nghỉ hưu và hai giáo viên nghỉ việc nên hiện thiếu ba giáo viên. Trường THCS Nguyễn Huệ có hơn 1.200 học sinh (29 lớp) với 53 giáo viên biên chế, 4 giáo viên thỉnh giảng, còn thiếu 6 giáo viên các môn sử, toán, tiếng Anh, họa và thể dục.

Tương tự, ở Bình Thạnh số giáo viên cần bổ sung cho năm học mới là 190 giáo viên nhưng mới chỉ xét tuyển được 130 người.

Bài toán khó

Nhiều năm nay, thiếu giáo viên luôn là câu chuyện nóng mỗi đầu năm học mới tại TP.HCM. Nghịch lý là lượng sinh viên sư phạm ra trường hằng năm không hề ít, nhưng các trường vẫn kêu thiếu giáo viên. Và dù công việc tuyển giáo viên đã được triển khai từ năm học trước, đến sát ngày tựu trường nhiều trường vẫn còn lúng túng khi xếp lớp dạy vì không có giáo viên hoặc giáo viên được phân công nhưng không đến nhiệm sở. Sở GD-ĐT TP.HCM đã ngồi lại cùng hiệu trưởng các trường sư phạm để bàn chuyện đào tạo theo nhu cầu, song đây vẫn là bài toán khó cho cả bên đào tạo và bên tuyển dụng.

PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn, hiệu trưởng ĐH Sài Gòn, băn khoăn: “Hằng năm chỉ riêng ĐH Sài Gòn đã cho ra trường khoảng 2.500 giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học. Cùng với các trường khác nữa, như vậy số lượng được đào tạo không hề ít nhưng thành phố vẫn kêu thiếu giáo viên. Thực tế những em học sư phạm nhạc, họa khi ra trường rất ít đi dạy vì thu nhập thấp, mà vào các trung tâm biểu diễn nghệ thuật. Học sư phạm kỹ thuật thì nhu cầu ở các trường cấp II, cấp III hiện nay đang bão hòa, hầu như không tiếp nhận mới. Cấu trúc giáo viên tại các trường, nhất là khu vực nội thành, đã “tĩnh” rồi, chỉ thiếu ở ngoại thành. Khi đào tạo ra trường, việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực như thế nào thật sự là bài toán không đơn giản”.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nêu ý kiến: “Việc kết nối giữa các trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm với sở - đơn vị tuyển dụng - còn chậm, ít và chưa hiệu quả. Sinh viên được thông tin về nghề nghiệp không rõ ràng. Các em đăng ký vào các trường hầu như do phụ huynh, do nguyện vọng bản thân mà không được tư vấn kỹ càng về nhu cầu nghề nghiệp tại TP.HCM. Chúng tôi từng nghe các trường phát biểu: các trường sư phạm đào tạo giáo viên ra thì họ phải đào tạo lại. Chúng tôi muốn nghe các cơ sở sử dụng nhân lực nói, muốn nghe ý kiến của hiệu trưởng các trường nói về nhu cầu của họ. Chúng tôi nói chúng tôi chất lượng tốt nhưng phải có người thẩm định, đó là sở giáo dục và ban giám hiệu các trường”.

Ông Bùi Ngọc Âu, phó phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết công tác tuyển dụng và phân công nhiệm sở cho giáo viên năm học này được triển khai sớm hơn hai tuần so với mọi năm. Ông cho biết: “Giáo viên khối THPT và THCS về cơ bản là đầy đủ, thiếu nhiều chủ yếu ở giáo viên mầm non, tiểu học. Hiện các phòng giáo dục quận, huyện vẫn tiếp tục đăng ký số lượng thiếu về sở, sở sẽ tiếp tục tuyển mới hoặc xét tuyển trên nguồn giáo sinh đã đăng ký cũ. Nếu đăng ký dạy THPT nhưng chưa được phân công, giáo sinh cũng có thể đăng ký dạy bậc THCS nếu có nhu cầu. Dự kiến sở sẽ thông báo tuyển dụng đợt 2 vào khoảng 12-8”.

Hà Nội: tiếp tục tuyển giáo viên

Năm học 2013-2014 Hà Nội tiếp tục tuyển 7.500 cán bộ, giáo viên mới bổ sung cho bậc giáo dục mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó, tuyển 283 chỉ tiêu giáo viên THCS, 538 giáo viên tiểu học, 6.451 giáo viên mầm non. Năm học trước ngành GD-ĐT Hà Nội cũng tuyển dụng trên 800 chỉ tiêu. Hiện tại Hà Nội thừa giáo viên THPT một số môn chính, trong khi đó lại thiếu nhiều giáo viên mầm non được đào tạo đúng quy định, nhất là khi Hà Nội đang phấn đấu đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

V.Hà

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên