19/07/2013 06:30 GMT+7

Chọn trường cho mình hay cho cha mẹ?

AN CHI
AN CHI

TT - Bạn đọc An Chi gửi đến Tuổi Trẻ một lá thư. Trong thư bạn tâm sự dù đã học hết năm nhất Đại học Ngoại thương, nhưng bạn vẫn trăn trở với con đường đang chọn.

Thư viết:

UdnT051v.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013 - Ảnh: T.HUỲNH

Giờ này năm ngoái tôi đã hoàn thành kỳ thi ĐH và chuẩn bị tâm thế là một tân sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. Kỳ thi ĐH luôn cam go, đầy vất vả nhưng với tôi khá đơn giản. Là học sinh giỏi quốc gia môn văn năm lớp 11, 12, tôi được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm. Còn muốn học Trường ĐH Ngoại thương tôi chỉ cần vượt qua điểm sàn 3 điểm.

“Điên đầu” ngoại thương - sư phạm

"Kỳ thi đại học năm nay sẽ có bạn đậu hai trường - một trường cho cha mẹ, một trường cho mình. Mong các bạn sẽ suy nghĩ kỹ hơn khi chọn cho mình một ngành học, một ngành nghề sẽ theo mình suốt đời"

Gần thi ĐH, bạn bè tôi háo hức nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Có bạn nộp 5-7 hồ sơ nhưng tôi chỉ “đơn giản” hai trường: Trường ĐH Sư phạm (được tuyển thẳng) và Trường ĐH Ngoại thương. Hai lựa chọn ấy chọn lựa nào cũng tốt cả. Và cũng bởi tốt nên tôi chẳng biết chọn gì nữa. Người thì khuyên nên theo sư phạm vì tôi hợp với nghề giáo. Hơn nữa, học chuyên văn từ nhỏ, đoạt giải quốc gia hai năm liên tiếp, theo sư phạm văn sẽ phát huy hết khả năng của mình.

Rồi người khác lại bảo ngoại thương chứ làm gì phải nghĩ. Một ngôi trường năng động, không phải lo đầu ra. Chứ sư phạm làm gì, ra trường lại thất nghiệp. Câu hỏi to đùng: chọn bên nào giữa ngoại thương - sư phạm cũng làm tôi điên đầu. Vào ngoại thương chắc chắn tốt, nhưng tôi biết đó là môi trường không phù hợp với mình - một con bé chuyên văn nhạy cảm và nhiều mơ mộng. Hơn nữa tôi lại hay tự ti. Tôi phải làm sao khi ở một môi trường quá nhiều người tài giỏi. Tôi biết khả năng của mình, ngoại ngữ lại không được tốt. Liệu tôi có theo được guồng quay đó không?

Nhưng tôi lại sợ, không dám theo đuổi nghiệp văn chương bấy lâu của mình. Gia đình tôi làm nông ở quê. Cả gia đình trông chờ vào việc học của tôi. Nếu ra trường với tấm bằng sư phạm liệu tôi có nổi một công việc để giúp gia đình khi có quá nhiều người giỏi hơn tôi vẫn đang thất nghiệp? Hàng ngàn câu hỏi làm tôi mệt mỏi trí óc, thôi thì cứ theo lối mòn xưa nhiều người vẫn chọn.

Tôi đến Ngoại thương - nơi nhiều người mơ ước được đặt chân...

Mỏi mệt và bế tắc

Đến Ngoại thương đồng nghĩa từ bỏ ước mơ của mình. Từ bỏ văn - sở trường duy nhất, thân thuộc nhất gắn với tôi 12 năm học. Lựa chọn đó không hề dễ dàng. Nhưng lúc nào tôi cũng tự nhủ mình sẽ vượt qua. Người khác làm được thì mình cũng thế. Tự ru mình với những lời an ủi như thế cũng làm tôi nguôi ngoai một thời gian. Rồi cuộc sống mới với những người bạn mới, những môn học mới cuốn tôi vào cuộc. Ban đầu tôi hừng hực khí thế học hành mong có thể thay đổi được điều gì đó. Tôi những tưởng có thể xây được một trang mới ở nơi này, đẹp hơn và đáng nhớ hơn.

Nhưng không hề dễ khi tôi có gắng thế nào đi chăng nữa, kết quả vẫn không cải thiện. Tôi không thể theo kịp các bạn khối A, ngay cả khối D - khối sở trường của tôi - tôi vẫn không tự tin. Những môn học, những giờ học đến lớp chán ngắt, những áp lực không đâu làm tôi mỏi mệt và chùn bước. Khi người ta phải làm những điều mình không thích đâu có dễ dàng như tưởng tượng. Mọi thứ cần có cảm hứng mà cảm hứng ấy trong tôi tắt phụt từ lúc nào.

Tôi dần rơi vào bế tắc và mệt mỏi. Nỗi buồn kéo đến. Tôi không ngừng nhìn lại quá khứ và tiếc cho những gì mình đã lựa chọn. Ngoại thương tốt thật đấy nhưng không dành cho tôi. Ngoại thương không thể cho tôi những gì tôi muốn và không phải nơi tôi có thể phát huy khả năng của mình.

Vậy là một năm học đã kết thúc. Bạn bè có những trải nghiệm mới, vui vẻ với thành tích đạt được, còn tôi vẫn trăn trở với con đường mình đang chọn. Người ta nói khi khát vọng đối lập thực tế sẽ nảy sinh bi kịch. Cuộc đời này nghĩ dài sẽ rất dài nhưng nghĩ ngắn sẽ rất ngắn. 20 tuổi, đã đi 1/4 cuộc đời. 20 tuổi, tôi đã, đang và làm được gì?

Chợt nhớ đến một tác phẩm mà tôi rất thích: Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Cũng không biết những gì tác giả muốn gửi gắm có giống những gì mình nghĩ, cảm nhận. Nhưng tôi thấy đồng cảm với nhân vật Nhĩ bởi có cái gì đó rất giống mình. Một tuổi trẻ nông nổi làm theo những gì mình thích, chưa thấy rõ được tương lai nhưng cứ bước để rồi nhận ra những giá trị đích thực, giá trị thật, những điều nhỏ bé mà đôi khi đánh mất.

Người ta nói tuổi trẻ dễ đi lạc có lẽ đúng. Và tôi có nên thi lại vào sư phạm văn - ngành mà tôi đam mê?

Vẫn chưa biết quyết định thế nào

Ngày 13-7, Tuổi Trẻ đã liên lạc với tác giả bức thư. Bạn cho biết đang học ở Hà Nội và vẫn đang bế tắc, chưa biết quyết định thế nào giữa một bên là đam mê, một bên là ngôi trường danh giá. “Học ở Ngoại thương, niềm đam mê văn chương trong tôi trỗi dậy mãnh liệt - cô sinh viên kể và không muốn nêu tên thật của mình - Hiện chỉ có người bạn thân của tôi biết tôi đang chùn bước. Cha mẹ, thầy cô, bạn bè vẫn nghĩ tôi đang yên ổn với ngôi trường mơ ước, chờ ngày có một công việc tốt”.

Cô sinh viên quê Bắc Ninh kể thêm năm trước cô giáo chủ nhiệm lớp 12 khuyên bạn nên theo sư phạm, còn cô giáo dạy bồi dưỡng văn quốc gia lại can ngăn vì “theo sư phạm nghèo lắm”. Kể câu chuyện của mình với Tuổi Trẻ, bạn mong muốn nhiều bậc cha mẹ muốn con thi vào ngành, trường mình chọn sẽ suy nghĩ lại.

HÀ BÌNH

AN CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên