Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Lượng - phó tổng Thanh tra Chính phủ, phó trưởng Ban chỉ đạo đề án 137 về đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng - cho biết:
Chính thức đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạyTố cáo tham nhũng bị trả thù được bồi thường hơn 44 triệu đồngBCĐ T.Ư về phòng chống tham nhũng: Tập trung một số lĩnh vực nhạy cảm
Phóng to |
Ông Trần Đức Lượng - phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Ảnh: Ngọc Hà |
- Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 137 phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (gọi là Đề án 137). Từ đó đến nay, về cơ bản, những nội dung Đề án 137 đã hoàn thành. Thanh tra Chính phủ đã biên soạn tài liệu giảng dạy về nội dung phòng chống, tham nhũng. Bộ GD-ĐT triển khai biên soạn tài liệu dành cho học sinh, sinh viên từ cấp THPT, trung cấp chuyên nghiệp đến CĐ, ĐH. Học viện Chính trị hành chính quốc gia biên soạn tài liệu giảng dạy cho học viên là cán bộ. Ngành công an, quân đội, kiểm sát… cũng biên soạn tài liệu để giảng dạy cho học viên đặc thù của ngành.
* Đến nay khi việc triển khai giảng dạy phòng, chống tham nhũng sẽ được tiến hành ngay khi khai giảng năm học mới 2013-2014, vẫn còn ý kiến cho rằng đưa nội dung này vào trường phổ thông có vẻ hơi khiên cưỡng, thiếu thực tế vì các em còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Chưa kể chương trình giáo dục lâu nay bị kêu là nặng nề, quá tải, ông nghĩ sao?
- Thực tế ngay khi xây dựng đề án đã có rất nhiều ý kiến rất khác nhau. Thậm chí đã từng có ý kiến đưa nội dung này vào giảng dạy, truyền thụ cho học sinh từ mẫu giáo. Lý thuyết giảng dạy cấp học nhỏ tuổi này chỉ đơn giản là dạy các em ý thức không tham lam, không giành giật đồ chơi của bạn, không lấy thứ không phải của mình. Giảng dạy từ bé là cách nước khác đã làm. Song tại Việt Nam, chúng ta không thể “tham” như thế được, không thể vội vã triển khai ngay từ mẫu giáo. Đối tượng được chọn lựa để giảng dạy là học sinh từ cấp THPT, là lứa tuổi đã tự nhận thức và làm chủ được hành vi.
Cũng xin nói thêm không phải đến khi có Chỉ thị của Thủ tướng, nội dung này mới được đưa vào giảng dạy. Trước đó đã có 14 trường ĐH, CĐ, trường trung cấp, trường nghề được lựa chọn để giảng dạy thí điểm. Ở cấp THPT cũng có 8 trường ở Hà Nội, Nam Định, TP.HCM, Bến Tre được Bộ GD-ĐT lựa chọn giảng dạy thí điểm, tích hợp, lồng ghép nội dung vào môn giáo dục công dân ở cả ba khối lớp 10,11,12. Nhiều trường còn đưa vào các hoạt động ngoại khóa. Có hơn 500 giáo viên đã được tập huấn cả về nội dung, phương pháp giảng dạy. Các giáo viên đề xuất với nội dung này đòi hỏi phải được kiểm tra, cho điểm mới phát huy tác dụng tốt.
Ý kiến băn khoăn chương trình phổ thông vốn đã quá tải, nay đưa thêm nội dung này vào sẽ khiến chương trình nặng nề hơn không phải không có cơ sở. Song Bộ GD-ĐT có trách nhiệm điều tiết cho phù hợp, thêm cái này vào sẽ phải bớt cái khác đi. Tôi được biết nội dung phòng chống tham nhũng đã được tích hợp vào môn giáo dục công dân. Trong kế hoạch sắp tới của ngành giáo dục, nội dung này còn được tích hợp trong môn ngữ văn, là chủ đề của các bài nghị luận xã hội và tích hợp trong môn lịch sử bằng cách kể lại những câu chuyện vị quan xưa biểu thị tiết khí thanh liêm như thế nào.
* Phòng chống tham nhũng được đưa vào nhiều cấp học, hẳn nội dung ở mỗi cấp sẽ có những khác biệt, phù hợp với từng người học, thưa ông?
- Ở cấp THPT, giáo viên phải giúp học sinh hiểu thế nào là tham nhũng, biểu hiện như thế nào và cần thiết hình thành thái độ lên án nó. Ở cấp CĐ, ĐH, khi được lồng ghép vào môn pháp luật đại cương, SV phải biết được nguyên nhân, tác hại của tham nhũng, thực trạng của nó tại Việt Nam, trách nhiệm công dân trong phòng chống tham nhũng.
Ở các lớp đào tạo cán bộ, Học viện Chính trị- hành chính quốc gia Hồ Chí Minh lại biên soạn tài liệu và hướng dẫn phương pháp giảng dạy theo cách khác khi người học là cán bộ, người đang quy hoạch đề bạt cán bộ, người có chức, có quyền, nghĩa là có nguy cơ tham nhũng thì lại giảng dạy theo hướng khác. SV luật, học viên ngành quân đội, công an lại cần nội dung giảng dạy đặc thù khác nữa. Trong quá trình thí điểm, một số trường ĐH vẫn còn lúng túng khi lồng ghép vào quá nhiều môn học. Có trường đào tạo khối kinh doanh lồng ghép vào cả môn pháp luật, kinh tế, ngân hàng, gây dàn trải, không hiệu quả, cần điều chỉnh khi chính thức áp dụng đại trà.
* Trong quá trình thí điểm giảng dạy, nhiều giáo viên phổ thông cho rằng thực trạng tham nhũng đang phức tạp nên các thầy cô gặp khó khăn cả về tài liệu và phương pháp. Thanh tra Chính phủ với tư cách là cơ quan thường trực Đề án có kế hoạch “gỡ khó” cho giáo viên không?
- Đúng là nhiều giáo viên cho rằng thực trạng tham nhũng còn phức tạp nên khó lấy dẫn chứng, ví dụ minh họa cho học sinh. Các giáo viên cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn chi tiết việc lồng ghép thế nào cho phù hợp với đặc điểm của trường phổ thông, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ tài liệu cho họ. Toàn bộ tài liệu do Thanh tra Chính phủ biên soạn cùng các thông tin kinh nghiệm thế giới và trong nước về phòng chống tham nhũng sẽ được cập nhật thường xuyên trên hai chuyên trang về Đề án 137 và phòng chống tham nhũng.
* Ông kỳ vọng sự chuyển biến đột phá nào khi triển khai áp dụng nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng vào các cấp học?
- Về mặt lâu dài, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn đặt cao nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng là chính. Tất nhiên, trong những thời điểm nhất định sẽ có hướng đẩy mạnh xử lý tham nhũng. Thời điểm hiện tại phòng ngừa phải đi liền với xử lý. Tôi cũng muốn nhấn mạnh về khía cạnh xã hội, công cuộc phòng chống tham nhũng đang có thuận lợi to lớn từ quyết tâm chính trị cho đến sự đồng thuận của toàn xã hội. Nếu hỏi 10 người dân thì hẳn cả 10 người đều căm ghét và muốn xóa tệ nham nhũng.
Việc đưa nội dung này vào trường học nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức phải được thực hiện bằng kế hoạch dài hơi, không phải ngày một ngày hai là chuyển biến ngay được. Kinh nghiệm quốc tế minh chứng rất rõ cho điều này. Ngay tại Singapore, họ phải kiên trì mất 20 năm mới có được sự chuyển biến nhận thức. Những năm 1970, nói về tình hình tham nhũng thì Singapore còn tệ hơn ta bây giờ. Nhưng sau 20 năm quyết tâm thay đổi, họ đã làm nên chuyện.
Sau thời gian thí điểm, tài liệu mới đang được cập nhật nhiều nội dung mới trong phòng, chống tham nhũng như tăng cường tính mạnh bạch công khai, tăng cường trách nhiệm giải trình của người thực thi quyền lực, tăng kênh và tăng vai trò giám sát quyền lực. Mong rằng khi đề án được triển khai toàn diện, mọi người sẽ bỏ được thói quen cứ đến cơ quan công quyền là nghĩ phải “có gì”, đến bệnh viện thì tìm gặp riêng bác sĩ, đến trường học thì tìm cô giáo để đưa… phong bì. Y tế và giáo dục là dịch vụ công, Nhà nước phải đầu tư trở lại cho người học, người bệnh. Hệ thống công quyền phải có trách nhiệm phục vụ người dân chứ không phải người dân phải lệ thuộc vào bộ máy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận