17/06/2013 07:53 GMT+7

Điểm thi môn địa thấp bất ngờ

HÀ BÌNH - VĨNH HÀ - NGỌC HẬU - ĐOÀN CƯỜNG
HÀ BÌNH - VĨNH HÀ - NGỌC HẬU - ĐOÀN CƯỜNG

TT - Nhiều thí sinh không đạt loại khá, giỏi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay do điểm thi môn địa lý “kéo” xuống - kết quả thống kê ở một số tỉnh thành cho thấy.

yaE58ud4.jpgPhóng to
Tỉ lệ thí sinh dưới điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT 2013 của Đà Nẵng và Tây Ninh - Đồ họa: N.Khanh

Tây Ninh là tỉnh tính đến thời điểm này có số thí sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn địa lý thấp nhất cả nước, khi có đến 62,66% thí sinh có điểm thi dưới điểm trung bình. “Nhiều học sinh giỏi chỉ đạt tốt nghiệp loại khá do môn địa khống chế” - ông Đổng Ngọc Lập, giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh, nói với phóng viên Tuổi Trẻ sáng 16-6.

Thủ khoa chỉ tốt nghiệp loại khá

Ông Lập dẫn trường hợp thí sinh Nguyễn Hoài Bảo - Trường THPT Nguyễn Trãi (Trảng Bàng, Tây Ninh) - là một trong hai học sinh đạt điểm cao nhất (53,5) tỉnh Tây Ninh trong đợt thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nhưng Bảo chỉ đạt tốt nghiệp loại khá do bị điểm môn địa khống chế. Theo đó, điểm các môn của Bảo lần lượt là văn 8, toán 9,5, hóa 10, tiếng Anh 10, sinh 10 và địa lý 6 điểm.

Trao đổi với chúng tôi, Bảo cho biết bạn là học sinh giỏi ba năm liền của Trường THPT Nguyễn Trãi, tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 là 8,8. Môn địa lý điểm trung bình cả năm của Bảo cũng trên 8,0, nhưng 6 điểm môn địa đã khiến bạn từ một trong hai người điểm cao nhất địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ đạt tốt nghiệp THPT loại khá.

Trong khi đó, sáng 16-6, một số thí sinh, phụ huynh Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn bàn tán về điểm thi tốt nghiệp THPT môn địa lý năm nay. “Nhiều đứa “chết” vì môn địa quá” - một phụ huynh buột miệng nói khi tay vẫn cầm danh sách lớp của con mình dò điểm thi tốt nghiệp trên máy tính từ các trang báo điện tử.

Theo điểm số phụ huynh này tra được, thí sinh N.H.C. có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT là 49 điểm. Với điểm này, thí sinh C. xếp loại tốt nghiệp trung bình thay vì khá, giỏi vì chỉ đạt 5 điểm môn địa lý. “Lớp tôi có nhiều bạn không được tốt nghiệp loại khá, giỏi khi các môn khác điểm rất cao nhưng môn địa chỉ đạt điểm trung bình” - một học sinh Trường THPT Gia Định nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết “có nghe học sinh than phiền về điểm môn địa thấp ảnh hưởng đến xếp loại tốt nghiệp”.

Theo tính toán của chúng tôi từ điểm thi do Sở GD-ĐT TP.HCM cung cấp, mức điểm thi môn địa lý từ 5-6,5 chiếm khoảng 2/3 trong số 58.669 thí sinh dự thi. Nếu tính từ mức điểm 7 trở lên, điểm thi của môn địa lý chỉ có 15,4% số thí sinh đạt được, trong khi ở những môn thi khác tỉ lệ khá cao như ngữ văn 31,1%, sinh học 22,2%, hóa học 81,9%, tiếng Anh 57,7% và toán là 88,8%.

Thấp hơn nhiều so với bốn năm qua

Tại một số tỉnh thành khác, điểm thi tốt nghiệp THPT môn địa lý cũng thấp hơn hẳn so với những môn còn lại. Ông Ngô Văn Chất - trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết địa phương này chưa phân tích dữ liệu của từng môn thi. Tuy nhiên, phản ảnh của một số trường tại Hà Nội cho thấy khá nhiều thí sinh chỉ đạt điểm trung bình hoặc dưới trung bình môn địa lý.

Một giáo viên dạy địa lý ở Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho hay nhìn vào số liệu chấm thi môn địa có thể thấy phổ điểm tập trung vào điểm 5 và 6, trong đó điểm 5 hoặc dưới 5 nhiều hơn. “Có những túi bài thi có tới hơn 70% số bài đạt điểm trung bình. Những bài thi đạt điểm khá không nhiều lắm, điểm giỏi càng hi hữu” - cô giáo cho biết. Còn một số giáo viên tổ địa lý Trường THPT Trần Phú nói: “Trong biên bản chấm thi chúng tôi cũng đã có nhận xét điểm địa năm nay thấp hơn nhiều so với bốn năm qua. Không chỉ vậy, với mức điểm 4-5, nhiều thí sinh sẽ mất cơ hội có bằng khá, giỏi”.

Thí sinh Đ.V.T. (Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội) tâm sự: “Các môn toán, hóa em được 9,5 điểm, môn văn được 8, ngoại ngữ 8, sinh 7 nhưng địa lý được có 5 điểm. Câu về biển đảo em cứ viết theo suy nghĩ thôi nên từ khi thi xong đã không chắc đạt điểm môn này. May mà vẫn không bị rơi vào điểm liệt”. Tương tự, học sinh T. (Trường Marie Curie, Hà Nội) cũng cho biết địa lý là môn duy nhất em bị điểm trung bình, các môn khác đều có điểm khá, giỏi. T. nói: “Lớp em có tới hơn nửa số bạn bị điểm trung bình môn địa lý”.

Ông Trương Thức - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk - cho biết điểm thi môn địa lý đạt từ 5 điểm trở lên ở Đắk Lắk là 70,3%. Trong khi đó, các môn khác có tỉ lệ điểm trên trung bình cao hơn như ngữ văn là 73,2%, hóa học 89%, sinh học 77,03%, toán 86,13% và tiếng Anh là 88,68%. “Phổ điểm môn địa chủ yếu tập trung vào mức 5-6 điểm” - ông Thức nói thêm.

Sáng 16-6, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Trong đó đáng lưu ý là điểm thi môn địa lý thấp nhất so với các môn thi còn lại. Theo thống kê, điểm thi môn địa lý có 6.800 thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên (chiếm tỉ lệ 61,67%) và không có thí sinh nào đạt điểm thi môn địa 9,5-10, trong khi tất cả môn thi khác đều có điểm tối đa như ngữ văn có hai điểm 10, 24 điểm 9,5; hóa học có tới 1.379 thí sinh đạt điểm 10; toán cũng có 955 thí sinh đạt điểm 10.

Tại Nghệ An, tuy môn địa không phải môn có điểm trung bình thấp nhất trong số sáu môn thi nhưng theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, tùy theo từng khu vực trường, mức điểm cao, thấp có khác nhau. Một số trường tại thành phố, đặc biệt là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, điểm môn địa lại thấp nhất, trong khi các môn toán, hóa, sinh, văn, ngoại ngữ có tỉ lệ điểm khá, giỏi tương đối cao. “Việc này cũng dễ hiểu vì các em học chuyên tập trung nhiều thời gian công sức vào các môn chuyên và môn thi đại học nên thời gian dành cho môn địa có thể ít đi” - ông Hoàn nói.

Nhiều lý do để... mất điểm

Thạc sĩ Vũ Thị Bắc - giáo viên địa lý Trường THPT Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT môn địa năm nay không khó. Tuy nhiên, trong đề có những câu khi ôn thi học sinh bỏ qua hoặc có những câu thí sinh đọc đề không kỹ dẫn đến mất điểm.

Một giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) nhận xét: “Thực chất đề địa không khó, nhưng trong quá trình chấm thi chúng tôi thấy thí sinh bị mất điểm môn địa vì những lý do khác nhau. Ví dụ trong câu hỏi về chuyển dịch cơ cấu theo vùng lãnh thổ thì rất nhiều thí sinh nhầm lẫn, lại trả lời về chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế”.

Cô T.H., giám khảo môn địa lý, cho biết: “Nhiều người cho rằng câu hỏi về biển đảo khó quá khiến thí sinh bị mất điểm, nhưng không hẳn thí sinh phải “cắn bút” vì câu hỏi đó. Trong sách giáo khoa cũng đã đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, vì là câu hỏi mở nên phần lớn thí sinh làm theo suy nghĩ cá nhân. Nói thật, có những thí sinh làm hay hơn cả đáp án, tuy nhiên quy định trong hướng dẫn chấm thi, thí sinh phải “chạm” tới những ý trong đáp án thì mới cho điểm được. Vì thế có thí sinh bày tỏ suy nghĩ khá tốt nhưng lại không cho điểm được, hoặc không thể đạt điểm tối đa”.

Thầy Q.L., giáo viên địa lý, nói: “Một số giáo viên tổ chấm thi môn địa lý phản ảnh thí sinh Hà Nội bị mất điểm ở phần vẽ đồ thị do các em không thành thạo kỹ năng vẽ đồ thị nên rất lúng túng. Các giáo viên coi thi cũng cho biết có những em loay hoay với câu đồ thị tới 20 phút, trong khi chỉ cần 5 phút là có thể hoàn thành”.

HÀ BÌNH - VĨNH HÀ - NGỌC HẬU - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên