Công trình vốn nhà nước là... giá cao!

VIỆT HÙNG - TRÀ GIANG
VIỆT HÙNG - TRÀ GIANG

TT - Liên quan đến việc các nhà vệ sinh trường học ở Quảng Ngãi xây dựng với giá “khủng” mà Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 11-6 ông Đỗ Văn Phu - phó GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ngãi - có cuộc trao đổi với báo chí.

LKv6EMjU.jpgPhóng to
Ông Đỗ Văn Phu - Ảnh: TRÀ GIANG

* Ông giải thích thế nào về công trình vệ sinh gần 600 triệu đồng?

- Tổng mức đầu tư công trình trên 593 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách cấp 444,76 triệu đồng và vốn đối ứng nhà trường hơn 148 triệu đồng (25%). Thực tế đến nay Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng của sở đã thực hiện hết phần 444,76 triệu đồng gồm xây nhà vệ sinh cấp 4 có diện tích hơn 29m2, vật liệu phổ thông, cấp thoát nước trên 236,4 triệu đồng; hệ thống điện bơm nước hơn 46 triệu đồng, chi phí tư vấn và chi khác hơn 66,74 triệu đồng; lắp bồn nước 500 lít và ống cấp nước dài 194m quanh trường để sinh hoạt hết 95,4 triệu đồng. Thực tế tiền xây dựng nhà vệ sinh là hơn 236,4 triệu đồng.

* Thưa ông, nước lúc có lúc không và nhà trường không xây giếng nhưng tại sao vẫn đưa vào vốn đầu tư?

- Thực tế không có trường nào nằm trong chương trình này có số tiền đối ứng đủ 25% cả nên ban quản lý đồng ý giao cho các trường chủ động khoản đối ứng này bằng công trình gì đó, khi là cái giếng, ngày công. Ở Trường THCS Long Hiệp, cái giếng hơn 148 triệu đồng trường chưa có tiền xây dựng, nhà vệ sinh phải sử dụng nguồn nước bơm cũ của trường nhưng ban quản lý vẫn phải tính vào công trình, hợp thức hóa để được duyệt. Vì thế số tiền cao như vậy.

Ở đây cũng có câu chuyện, nếu tính đối ứng 25% vào tổng giá trị đầu tư công trình, công trình vượt trên 500 triệu đồng thì phải đấu thầu. Vì thế chương trình này đưa 25% đối ứng cho phía nhà trường bằng công trình, công cán gì đấy. Trong 24 công trình thì cả 100% đều không đủ phần vốn đối ứng, nhà trường không có tiền, họ chỉ thực hiện một số phần việc hoặc đóng giếng nhỏ hơn nhưng khi đưa vào dự toán tổng công trình thì phải đủ 25% vốn này mới được duyệt.

* Nhà vệ sinh nhỏ mà chi phí tư vấn, chi khác hơn 66,7 triệu đồng có hợp lý?

- Cái này theo quy định gồm chi phí quản lý dự án (hơn 12 triệu đồng), chi phí tư vấn đầu tư, xây dựng (trên 41 triệu đồng), chi khác (gần 3,6 triệu đồng) như chi thanh toán quyết toán (2,28 triệu đồng), bảo hiểm công trình.

* Các kỹ sư xây dựng tính toán số tiền đó xây nhà vệ sinh hơn 29m2 là bất hợp lý và cao?

- Cái này liên quan đến thiết kế, mà thiết kế thì Sở Xây dựng thẩm tra, Sở Kế hoạch - đầu tư áp giá theo từng mục đó. Bởi có thiết kế rồi anh mới có quy mô, tính ra vật tư, nhân công... Theo tôi nghĩ, cái thiết kế ở trung ương bao giờ cũng nặng hơn, giá thành cao hơn cái thiết kế ở địa phương. Với thiết kế đó nó đẻ ra giá thành, giá cao hay giá thấp đều do anh thiết kế. Rồi nhiều anh làm thiết kế có tổng giá trị đầu tư cao để hưởng phí thiết kế cao.

* Nhưng thiết kế do Sở GD-ĐT chọn?

- Thường thì các công trình dân dụng của Nhà nước, anh thiết kế khi nào làm cũng tăng vật tư, vật liệu lên để đảm bảo hệ số an toàn, nếu có lỡ xảy ra việc gì thì ảnh khỏi chịu trách nhiệm. Các công trình nhà nước lúc nào đơn giá vật tư cũng cao hơn công trình mình tự làm lấy. Rồi mình tự làm thì khỏi phải bị thuế gì hết, không chi phí quản lý, giám sát cũng không cần.

* Ông nói tuân theo thiết kế, nhưng nhà vệ sinh mỗi nơi mỗi khác. Nhà vệ sinh Trường tiểu học Đức Thắng xây thấp lè tè, chỗ ngồi của nữ trống hoác và ngồi trên mấy cục gạch chứ không được bệ xí mà vốn đầu tư trên 593 triệu đồng?

- Vốn của Trường Đức Thắng tôi sẽ kiểm tra lại. Cái này mình cũng không rõ nhưng xây dựng phải theo mẫu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Cái này là do ban quản lý máy móc, cứ làm theo thiết kế mẫu của trung ương, phải xem lại thiết kế chứ mình không trách anh xây dựng được. Nếu khu vệ sinh nữ làm thêm cánh cửa cho thẩm mỹ, đẹp hơn không bao nhiêu tiền nhưng cũng không làm. Mỗi công trình như thế bảo hành một năm, quá trình sử dụng hư hỏng, bất hợp lý thế nào thì nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa, bổ sung.

* Đủ chi phí, rồi các khâu quản lý như vậy nhưng dư luận cho rằng đầu tư chưa hợp lý, giá cả chưa tương xứng với công trình, ông nghĩ sao?

- Chương trình này gồm nước sạch và vệ sinh. Nếu gọi nhà vệ sinh không thì thấy giá thành cao. Theo tôi, nếu cá nhân mình bỏ tiền ra xây thì mình thiết kế khác, đơn giản hơn thì mỗi nhà vệ sinh cũng khoảng 200 triệu đồng. Còn đây phần móng dày và phải giằng sắt thép, phần hầm xây quá nặng theo thiết kế nên chi phí đội lên. Đúng là mấy trường ở miền núi, việc quản lý còn hạn chế nên xây quá cũng lãng phí, nên xây vừa phải thôi. Đúng ra ban quản lý phải làm việc với trường trước để xác định khả năng đóng góp của trường (bằng tiền, bằng vật chất, công cán gì đấy...), rồi từ đó mới tính được quy mô công trình, số vốn rõ ràng hơn khi trình báo cáo đầu tư thì hợp lý hơn.

Còn cụ thể chi phí như thế nào so với công trình, có đảm bảo sử dụng vốn, chất lượng công trình hay không thì chỉ có bên quản lý vốn chương trình này (Sở NN&PTNT) đi kiểm tra, giám sát, nghiệm thu mới biết được. Chỉ có đoàn thanh tra chuyên ngành mới có năng lực kiểm tra, họ biết bức tường có đạt không, ở dưới có cái gì. Chứ thanh tra sở chỉ thanh tra chuyên môn lĩnh vực giáo dục và nhìn ở ngoài chứ biết gì ở trong, lại không khách quan nữa. Cái này cần thiết thì UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra.

Không thể có giá cao chót vót như thế

Chiều 11-6, chúng tôi cùng một nhà thầu xây dựng có uy tín của Quảng Ngãi đã đến Trường tiểu học Năng An (xã Đức Nhuận) và Trường tiểu học Đức Thắng (huyện Mộ Đức) mà Tuổi Trẻ đã phản ánh để ghi nhận ý kiến khách quan thẩm định về chi phí đầu tư các công trình này.

Tại công trình nước sạch và nhà vệ sinh Năng An, sau khi đo đạc phần diện tích xây dựng cũng như khảo sát thực tế bản vẽ thi công, nhà thầu này khẳng định tổng kinh phí cho phần xây dựng và thiết bị bên trong không vượt quá 300 triệu đồng (công trình này dự toán đầu tư trên 721,3 triệu đồng) cho tất cả các chi phí từ thiết kế, giám sát, vật liệu...

Tính toán cụ thể công trình nhà vệ sinh ở Trường Đức Thắng, nhà thầu này nói chắc như đinh đóng cột rằng nếu làm cho tư nhân, chi phí không quá 80 triệu (vốn dự án 560,6 triệu đồng). Đây là công trình đơn giản, dù có địa chất không ổn định, làm móng sâu từ nửa mét đến 1m là cùng chứ không ai lại đi đổ trụ bêtông cả. Nếu tính toán giá xây dựng nhà cấp bốn hiện nay 3 triệu đồng/m2 thì cao lắm cho dự án cũng chỉ 150 triệu đồng. Để chắc chắn đánh giá chi phí đầu tư, theo chủ thầu xây dựng này, chỉ cần bắn laser vào các bức tường là biết được kết cấu xây dựng, bao nhiêu ximăng được sử dụng, dùng loại thép gì, các dầm hầm cầu, phần móng... và đưa vào phần mềm quản lý xây dựng sẽ ra ngay kết quả cụ thể.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Sẽ kiểm tra các công trình nhà vệ sinh trường họcNhà vệ sinh 721 triệu đồng, phải xách nước giộiNhà vệ sinh 600 triệu đồng: có dát vàng không?Nín vì tiếc!

VIỆT HÙNG - TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên