05/06/2013 10:28 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT năm 2013: Tăng kênh giám sát, tiêu cực giảm

 TRỊNH VĨNH HÀ
 TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Ngay sau môn thi cuối cùng, chiều 4-6 Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

INBMGJT2.jpgPhóng to
Niềm vui của thí sinh sau khi thi xong môn toán tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Việc cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi (thu nhưng không phát trực tiếp), tăng thêm một kênh giám sát phòng thi, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đã góp phần đẩy lùi tiêu cực.

Chưa thấy thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi

Sau 3 ngày thi, đình chỉ 49 thí sinh

Theo Bộ GD-ĐT, số thí sinh dự thi tới ngày cuối cùng trên cả nước là 942.549, đạt 99,63%, trong đó thí sinh THPT là 852.007, đạt 99,73%, thí sinh giáo dục thường xuyên là 90.542, đạt 98,72%. Có 49 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý đình chỉ thi chủ yếu do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi. Trong đó có một trường hợp bị đình chỉ thi do nhờ người thi hộ. Cả nước chỉ có hai giám thị bị đình chỉ coi thi do mang điện thoại vào khu vực thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng quy định cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử ghi âm, ghi hình nhưng không phát trực tiếp vào phòng thi chủ yếu nhằm ngăn ngừa tiêu cực là chính, chứ không phải mục đích “bắt quả tang tiêu cực”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, Thứ trưởng Hiển cho biết tới thời điểm này (sau sáu môn thi) chưa thấy ai báo với Bộ GD-ĐT về việc tiêu cực của kỳ thi được thí sinh ghi lại.

Nhưng từ những chuyển biến tích cực của kỳ thi năm nay có thể thấy quy định “tăng kênh giám sát trong phòng thi” đã phát huy tác dụng, khiến ý thức trách nhiệm của ban chỉ đạo thi các địa phương, lãnh đạo các hội đồng coi thi, đặc biệt là giám thị và thí sinh, được nâng cao hơn.

“Trong 49 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi, hầu hết do giám thị trong phòng thi phát hiện và lập biên bản xử lý, không phải do thanh tra phát hiện xử lý như các năm trước. Đây cũng là cơ sở để thấy quy định “cho phép thí sinh giám sát lại giám thị” đã mang lại hiệu quả” - ông Phạm Ngọc Trúc, phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, nói.

Theo các cán bộ của Bộ GD-ĐT tham gia các đoàn kiểm tra đột xuất của Bộ GD-ĐT trong ba ngày thi, phản ánh của các địa phương cũng cho thấy quan điểm kiên quyết xử lý tiêu cực thể hiện ở việc cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi đã khiến nhiều thí sinh có ý thức ôn tập và làm bài thi nghiêm túc hơn, thay vào việc trông chờ sự cứu trợ. Tuy nhiên, phản ánh từ các hội đồng coi thi cũng cho thấy “không nhìn thấy thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi”.

Ở nhiều nơi thí sinh cho biết không quan tâm tới việc này vì mục đích chính là làm bài thi tốt. Trao đổi thêm về việc này, ông Hiển nhấn mạnh: “Chúng tôi cho phép mọi thí sinh có quyền ghi nhận và phản ảnh tiêu cực thi cử, nhưng không bắt buộc hoặc trút gánh nặng kiểm soát tiêu cực thi cử sang cho thí sinh” như một số ý kiến đã hiểu sai.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết trước ghi nhận của báo chí về tình trạng “phao thi” vẫn xuất hiện ở trong, ngoài phòng thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu ban chỉ đạo thi các địa phương kiểm tra và phổ biến rõ cho thí sinh việc “Nếu phát hiện thí sinh vứt tài liệu (phao thi) trong phòng thi, khu vực thi dù môn thi đã kết thúc thì vẫn xử lý kỷ luật đối với thí sinh”.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, công tác chấm thi sẽ được hoàn tất và thực hiện ghép điểm trước ngày 18-6. Trước ngày 24-6, các sở GD-ĐT phải cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh. Những thí sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi nộp đơn xin phúc khảo sau khi có kết quả thi tốt nghiệp. Việc chấm thi phúc khảo phải thực hiện chậm nhất vào ngày 28-6.

Để tiếp tục ngăn ngừa tiêu cực của kỳ thi, ở khâu chấm thi tốt nghiệp năm nay, quy định mới của Bộ GD-ĐT là thực hiện việc chấm kiểm tra song song với tiến độ chấm thi bình thường để phát hiện nhanh, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi. Các hội đồng chấm kiểm tra phải chấm ít nhất 5% số bài thi của mỗi môn thi theo lựa chọn ngẫu nhiên của lãnh đạo hội đồng chấm thi, hoặc chọn các túi bài thi có nghi vấn.

Bộ GD-ĐT cũng quy định các sở GD-ĐT phải bố trí đủ cán bộ, sao cho mỗi giám khảo chấm 75-100 bài thi/ngày, thực hiện đúng quy trình chấm hai vòng độc lập.

Trao đổi tại cuộc họp báo về việc chấm thi với các câu hỏi mở như thế nào, ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Với các câu hỏi theo hướng mở, Bộ GD-ĐT không xây dựng đáp án theo hướng áp đặt thí sinh phải bày tỏ quan điểm, suy nghĩ theo chủ ý của Bộ GD-ĐT, mà khuyến khích thí sinh trình bày suy nghĩ riêng, đa dạng. Tuy nhiên, thí sinh phải trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình một cách mạch lạc, có lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

TP.HCM: huy động hơn 3.000 giám khảo chấm thi

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM khai mạc sáng 5-6 ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. TP.HCM huy động hơn 3.000 giám khảo chấm thi. Trong đó, khó khăn nhất là việc huy động giám khảo môn địa lý. Vì số lượng bài thi quá nhiều, năm nào TP.HCM cũng huy động tất cả giáo viên bộ môn địa lý nhưng cũng không đủ. Giám khảo môn địa lý phải làm việc cả ngày cuối tuần và buổi tối nhưng kết quả chấm vẫn không kịp so với các môn tự luận khác.

Dự kiến công tác chấm thi tại TP.HCM sẽ hoàn thành ngày 16-6.

Lưu Trang

 TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên