Phóng to |
Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành phần thi môn văn tại hội đồng thi THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 môn ngữ văn Câu 2: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau: Chiều ngày 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường trung học phổ thông Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi. |
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hương - hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1, đang làm chủ tịch hội đồng coi thi tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh - rất hồi hộp khi nghe chúng tôi hỏi đến cảm nghĩ của cô về đề thi môn văn năm nay có nhắc đến hành động dũng cảm của em Nam. Cô nói: “Sáng nay, bỗng dưng tôi thấy thầy Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch hội đồng coi thi, chạy từ phòng thi xuống nói trong niềm tự hào: Em Nam trường chị là một trong những nhân vật chính của đề thi môn văn”. Cô Hương lại xúc động nói: “Ai cũng tự hào về quê hương, về mái trường Đô Lương 1, nơi em Nam học lớp 12T7. Rồi ai cũng thương tiếc cho Nam bởi từ buổi chiều định mệnh Nam cứu bạn rồi hi sinh, chỉ còn 41 ngày nữa là tới kỳ thi hôm nay. Nhưng càng nuối tiếc về giây phút định mệnh ấy, mọi người đều thể hiện một tình cảm rất đặc biệt là xúc động và tự hào”.
Cô Hương chia sẻ một ý nghĩ thầm kín: “Tôi đang cầm chặt đề thi môn văn đây. Sau kỳ thi, trường chúng tôi sẽ đặt đề văn này vào phòng truyền thống của trường. Sau khi công bố kết quả kỳ thi, trường sẽ xin hoặc photo những bài văn hay, đạt điểm cao của các thí sinh trong cả nước về em Nam để cùng với đề thi. Chúng tôi tin bằng những hiện vật quý này sẽ có tác dụng giúp các thế hệ học sinh mai sau hiểu được truyền thống nhà trường, hiểu được anh chị lớp trước của mình”.
Chia tay cô Hương, chúng tôi về nhà Nam ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương. Người đầu tiên tiếp chúng tôi là Trần Thị Phương, chị gái của Nam. Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện đề thi môn văn, Phương nói: “Hôm nay tôi đang đi làm mùa thì bạn học ở TP.HCM gọi điện báo một tin vui: “Vào mạng mà xem, em trai Phương vào đề thi môn văn hôm nay của cả nước đấy”. Còn ông Nguyễn Văn Điều - bố của Nam - mới biết tin qua con gái, nói: “Mất con là nỗi đau lớn trong đời làm cha, làm mẹ nhưng bữa ni con tôi được vô đề văn của cả nước, nghĩa là cả xã hội đang quan tâm đến sự hi sinh của con tôi thì gia đình rất tự hào. Thế là con tôi chết nhưng không mất đi. Gia đình tôi như có thêm sức mạnh để vượt qua nỗi đau. Vợ tôi nghe tin này đã đỡ buồn phiền hơn trước nên bớt quanh quẩn bên bàn học trống vắng của con”.
Tại cổng Trường THPT Đô Lương 1, chúng tôi gặp thí sinh Nguyễn Công Tuyền là bạn cùng lớp với Nam. Tuyền cũng rất xúc động khi chúng tôi hỏi chuyện làm bài văn. Tuyền ấp úng mãi rồi nói: “Hôm qua đi xem số báo danh về, bọn em đến thắp hương cho Nam và mong Nam hướng về kỳ thi như chính Nam đang thi. Đến lúc chép đề, tim em cứ đập thình thịch vì quá bất ngờ. Bất ngờ vì đề văn yêu cầu phát biểu tình cảm, suy nghĩ của mình về một tấm gương hi sinh dũng cảm lại là bạn thân của mình. Bao nhiêu kỷ niệm thân thiết về Nam là bạn học cùng lớp và bạn bè cùng xóm cứ hiện lên lớp lớp trong đầu óc mình. Sau đó em bình tĩnh lại, viết từng dòng nắn nót về những gì bạn em đã có mà em đã biết. Cảm xúc nhất là đoạn em viết về đi thi không có bạn. Và nếu bạn không hi sinh thì giờ phút này, bạn và em cùng ngồi làm bài trong một phòng thi. Không hiểu chất lượng bài viết thế nào nhưng em tin đây là bài văn em viết rất thật về người bạn của mình”.
Môn văn: đáp án nên “mở” Theo cô Cao Thị Đan Thanh - tổ trưởng tổ văn Trường THPT dân lập Thanh Bình (TP.HCM), đề thi môn văn năm nay làm hài lòng thí sinh và cả giáo viên bộ môn. Câu 1 yêu cầu thí sinh phải đọc và hiểu tác phẩm, chứ nếu chỉ học thuộc lòng sẽ làm không trọn vẹn. Đối với phần nghị luận văn học, thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng, giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), nhận xét: câu 3a và 3b đều nhằm kiểm tra việc tái hiện kiến thức của thí sinh. Đây là dạng đề thường gặp nên cũng phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng câu nghị luận xã hội (câu 2), các giáo viên đưa ra giả thuyết khác nhau trong nhận định của học sinh. Cô Đan Thanh cho rằng nhiều học sinh hiện nay có lối sống ích kỷ, chỉ biết yêu thương bản thân mình, đề văn nghị luận xã hội năm nay sẽ có tác động tích cực đến lối sống của giới trẻ. Và đây cũng sẽ là câu phân loại học sinh vì bài làm hay hoặc dở đều phụ thuộc vào suy nghĩ, nhận định của thí sinh. Nhìn chung, đề này có tác động tích cực đến quá trình dạy và học trong trường phổ thông, học không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa mà phải gắn với thực tế. Trong khi đó, thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng nhận định câu nghị luận xã hội cho ra “lòng dũng cảm” là đề tài không mới nhưng cho ra vào thời điểm này mang tính giáo dục rất tốt. Thí sinh sẽ suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau, với nhiều cảm xúc khác nhau. “Tôi đoán sẽ có thí sinh viết rằng: trong trường hợp phải cứu nhiều người như thế thì em sẽ bình tĩnh kêu gọi mọi người cùng với mình cứu người. Có em sẽ trình bày suy nghĩ rất thật của mình rằng lòng dũng cảm là rất đáng quý nhưng phải lượng sức, phải nghĩ đến tính mạng của mình, giúp người là việc làm cần thiết nhưng phải giúp làm sao để vừa cứu được người vừa giữ được tính mạng toàn vẹn của bản thân... Tóm lại với đề thi như thế này thì đáp án phải “mở”, cho thí sinh trình bày suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau, miễn sao đi đúng vấn đề là ngợi ca lòng dũng cảm, biết sống vì người khác” - thầy Hùng cho biết. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đề thi môn Văn nói đến tấm gương cứu người Nguyễn Văn NamTruy tặng Huân chương dũng cảm cho người học trò cứu bạn“Nam là tấm gương cho thanh niên học tập”Chủ tịch nước xúc động trước hành động cứu người của NamQuên mình cứu người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận