20/04/2013 06:15 GMT+7

Phải có cam kết và bảo lãnh tài chính

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài từ nguồn vốn ngân sách nhà nước lên đến 2.070 tỉ đồng (đề án 599). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT, đơn vị chủ trì xây dựng đề án - cho biết:

NUEQoEeM.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Xuân Vang - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Dành ngân sách nhà nước thỏa đáng để cử những người giỏi và có phẩm chất tốt đi đào tạo và bồi dưỡng về những ngành nghề và lĩnh vực then chốt ở những nước có nền khoa học, công nghệ phát triển là một chủ trương lớn của đất nước từ những năm 1990. Đề án 322 về việc cử cán bộ khoa học kỹ thuật đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước ra đời năm 2000 đã hiện thực hóa được tư tưởng này.

Cuối năm 2011, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án 322 và 356 (đề án 356 là đề án tiếp nối của 322 - PV), các đại biểu tham dự hội nghị kiến nghị Chính phủ cho kéo dài đề án này. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý nhưng yêu cầu rút kinh nghiệm đề án 322 để làm một đề án mới, bắt đầu một giai đoạn mới.

* Thực tế, nhiều học viên thụ hưởng đề án 322 vẫn chưa hết ngậm ngùi vì sau quá trình học tập trở về, họ không được bố trí công việc phù hợp để tiếp nối những gì đã thu nhận được ở nước ngoài. Đề án mới liệu đã tính đến và có quyết tâm khắc phục được những hạn chế này?

"Đề án chỉ tập trung đào tạo các ngành nghề mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo, thuộc lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực có nhu cầu cao về cán bộ khoa học có trình độ cao. Những ngành nghề trong nước có khả năng đào tạo tốt rồi thì sẽ không gửi đi học ở nước ngoài"

Ông Nguyễn Xuân Vang

- Một trong những yếu tố làm giảm bớt hiệu quả của đề án 322 chính là cơ chế chưa thật sự đồng bộ, nhất là việc sử dụng nhân lực. Đúng là có những trường hợp - dù không nhiều - qua nhiều vòng tuyển lựa để theo học bằng học bổng ngân sách, nhưng khi trở về cơ quan không phân việc đúng sở trường, không phát huy hết năng lực cá nhân, gây tâm lý chán nản.

Thực tế, ở đề án trước các cơ quan cũng có cam kết, nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt.

Đề án mới này (có thể gọi là đề án 599) yêu cầu cam kết đi liền với bảo lãnh tài chính. Người đi học không về đơn vị cử đi học công tác hay đơn vị cử người đi học lại không dùng khi học viên trở về đều phải trả lại tiền ngân sách đã bỏ ra. Đây là quy định khiến các cơ sở phải tuyển chọn thật kỹ và phải có cam kết với nhà nước. Bộ GD-ĐT sẽ giám sát và theo dõi việc sử dụng những người đã thụ hưởng học bổng ngân sách nhà nước và đây là trách nhiệm Thủ tướng giao cho bộ.

* Số tiền ngân sách 2.070 tỉ đồng dành cho 1.800 suất đào tạo ở nước ngoài là số tiền không nhỏ. Ngành giáo dục hẳn đã có phương án sử dụng ngân sách thật sự hiệu quả?

- Nếu so sánh với đề án 322, kinh phí dành cho đề án 599 thấp hơn. Tổng kinh phí dành cho đề án 322 từ năm 2000-2014 gần 200 triệu USD, tương đương 4.000 tỉ đồng, đào tạo được gần 5.800 người, trong đó trên 50% có trình độ tiến sĩ. Đề án 322 mỗi năm cử khoảng 400 người đi học, còn đề án 599 dự kiến 360 người/năm.

Đề án 599 ưu tiên đào tạo trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, quản lý công, khoa học xã hội và nhân văn, nhất là đối với các ngành nghề mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo, thuộc lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực có nhu cầu cao. Kinh tế nước ta đang khó khăn, ngân sách hạn hẹp thì phải biết đầu tư như thế nào cho hiệu quả.

Vì vậy, đối tượng được “khoanh vùng” hẹp hơn. Đối tượng lần này ở bậc ĐH là những nhân tài ở diện đoạt giải Olympic quốc tế và những học sinh có năng khiếu đặc biệt về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao. Mỗi năm, nước ta có chưa đến 20 em đoạt giải Olympic quốc tế các môn thì với định mức 30 suất học bổng ĐH/năm là dự trù hợp lý.

Đề án sẽ ưu tiên cử cán bộ đi học nước ngoài tại các nước và vùng lãnh thổ: Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore và một số nước khác có thế mạnh về lĩnh vực đào tạo.

Tổng quy mô đào tạo của đề án là 1.800 người. Trong đó, đào tạo 1.650 thạc sĩ (từ năm 2013-2017 tuyển sinh 330 người/năm, 60% chỉ tiêu dành cho giảng viên ĐH; 10% chỉ tiêu quân đội, công an; 30% cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, bộ, ngành, cơ quan nhà nước) và khoảng 150 người có trình độ ĐH (từ năm 2013-2017 tuyển sinh bình quân 30 người/năm).

* Có ý kiến lo ngại đề án 911 đào tạo giảng viên ở nước ngoài với tổng kinh phí 20.000 tỉ đồng bắt đầu mới triển khai, chưa có kết quả cụ thể, lại thấy xuất hiện ngay đề án 599 có thể gây ra hiện tượng chồng chéo?

- Có thể nói đây là sự nối tiếp hoàn chỉnh của đề án 322 và bổ sung cho các đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, tập trung vào các đối tượng mà các đề án khác không có. Do đó, không thể có sự chồng chéo nào ở đây.

Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu kỹ và đề xuất với Chính phủ. Nếu có chồng chéo thì Chính phủ đã không phê duyệt. Đề án 911 đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên. Đề án 599 chỉ đào tạo trình độ thạc sĩ và ĐH, trong đó dành 60% chỉ tiêu thạc sĩ cho các trường ĐH, cao đẳng. Chủ trương của Bộ GD-ĐT ở đề án mới này là tạo nguồn giảng viên chất lượng cao trình độ thạc sĩ ở nước ngoài và để nâng cao chất lượng đầu vào cho đề án 911.

* Là một chuyên gia về hoạch định các chính sách đào tạo cán bộ ở nước ngoài, ông kỳ vọng gì ở đề án? Ứng viên cần chuẩn bị những gì để tham gia dự tuyển?

- Chúng ta đang cần nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước. Đây là một quyết định tầm chiến lược của Chính phủ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước - mặc dù đất nước đang còn rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Lời khuyên cho những ứng viên đang chờ đợi triển khai thực hiện đề án này là tập trung học tập ngoại ngữ, nghiên cứu phân tích nhu cầu công việc của cơ quan trong bối cảnh chung của đất nước để lập kế hoạch học tập nghiên cứu cho phù hợp.

* Các ứng viên có thể hi vọng đề án sẽ tuyển sinh ngay trong năm 2013 không, thưa ông?

- Trước khi đề án được phê duyệt, tháng 1-2013 Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định rất rõ các tiêu chí tuyển chọn, điều kiện để đi học ở nước ngoài theo các chương trình học bổng khác nhau, trong đó có học bổng ngân sách nhà nước. Chẳng hạn giảng viên ĐH, cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước dự tuyển trình độ thạc sĩ sẽ được sắp xếp danh sách ứng viên theo thứ tự từ cao xuống thấp với các tiêu chí: thâm niên công tác, kết quả học tập của trình độ đào tạo đã tốt nghiệp trước đó, thành tích trong học tập, nghiên cứu và công tác, điểm ngoại ngữ (theo quy định của chương trình học bổng), đánh giá và thứ tự ưu tiên theo đề nghị của cơ quan giới thiệu dự tuyển (nếu có). Còn khi triển khai thực hiện, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các thông báo tuyển sinh nêu rõ các điều kiện và tiêu chí cụ thể.

Về thời gian thực hiện, Bộ GD-ĐT cần phải thống nhất với Bộ Tài chính về kế hoạch ngân sách để trình Chính phủ. Sau đó, chờ đến khi Quốc hội phê duyệt mức ngân sách cho đề án thì việc tuyển sinh sẽ được tiến hành ngay.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên