01/01/2013 04:07 GMT+7

Trường tư loay hoay đòi quyền lợi

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Đến hẹn lại lên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại tổ chức hội thảo ở Hà Nội và TP.HCM đòi tự chủ tuyển sinh.

Nhìn lại, những hội thảo tương tự do hiệp hội tổ chức hằng năm cũng là bàn cách làm sao để các trường ngoài công lập tuyển được nhiều hơn. Năm 2009, đã bắt đầu mùa tuyển sinh nhiều khó khăn của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ngay thời điểm đó hiệp hội đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép các trường đổi mới tuyển sinh, nhưng không nhận được phản hồi. Năm 2010, hiệp hội đề nghị xóa bỏ điểm sàn, cho phép các trường tuyển riêng... vẫn không nhận được phản hồi từ phía bộ. Năm 2011, các trường tư kiến nghị “kéo dài thời gian tuyển sinh cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu”.

Năm nay Bộ GD-ĐT đã cho phép kéo dài thời gian xét tuyển thêm gần hai tháng so với những năm trước. Tuy nhiên thực tế cho thấy các trường này vẫn khó khăn, thậm chí nhiều trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên. Nhiều trường tuyển sinh chỉ được 20-30%, có trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên... Theo hiệp hội, tình hình này dẫn đến việc quyết định đầu tư mới cho các trường càng khó khăn, nhiều rủi ro và dự báo sẽ có một số trường phải đóng cửa trong năm tới.

Trên thực tế thời gian qua, nhiều trường tư xuất hiện mà chưa chuẩn bị đủ từ nhân lực, cơ sở vật chất đến hoạch định việc hoạt động của trường nên thiếu nguồn lực, tầm nhìn mà quan trọng nhất là thiếu chất lượng. Bên cạnh đó, hiện số trường mở ra quá nhiều, người học đã có nhiều lựa chọn, những trường kém chất lượng sẽ không có người học. Dĩ nhiên, không phải trường tư nào cũng gặp khó trong tuyển sinh.

Hiện vẫn có không ít trường tư đầu tư đàng hoàng, coi trọng chất lượng đào tạo thu hút đông thí sinh dự thi, đông người theo học. Tuy nhiên, nhiều trường ngoài công lập lại cho rằng sở dĩ họ gặp khó khăn do bị đối xử không công bằng với các trường công và không được tự chủ trong tuyển sinh.

Cũng tại hội thảo, nhiều trường tư cho rằng “việc bộ để các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên các tiêu chí: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... là tạo điều kiện thuận lợi cho các trường công, do tất cả các yếu tố đó đều cao hơn trường tư”. Như vậy, họ đã thừa nhận sự thua kém của mình về những điều kiện đảm bảo chất lượng so với trường công. Với những “lợi thế” này của trường công, các trường tư lại kiến nghị “trường công cần phải đầu tư phát triển về chất hơn về lượng và phải giảm chỉ tiêu”. Trong khi các trường tư lại quên một điều chính họ mới cần phải đầu tư, nâng cao chất lượng (trong đó có cả chất lượng đầu vào) để tạo niềm tin cho xã hội, khi đó mới được người học lựa chọn.

Thực tế cho thấy những năm trước đây sau khi tuyển ồ ạt thí sinh, nhiều trường tổ chức lớp đông hàng trăm sinh viên để tăng lợi nhuận. Có những trường gần chục năm thành lập vẫn phải thuê mướn trường lớp khắp nơi để tổ chức giảng dạy. Đây là nguyên nhân chính khiến các trường bị người học tẩy chay. Vậy mà các trường vẫn loay hoay đòi quyền lợi trong tuyển sinh, trong khi việc nỗ lực để tự khẳng định chất lượng lại chưa được quan tâm.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên