Chạy giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non
Phóng to |
22 trẻ sinh năm 2006 chưa tham gia học mầm non đã được phường 12, quận 6, TP.HCM hỗ trợ kinh phí và đưa vào học lớp phổ cập mầm non miễn phí trước khi vào lớp 1Ảnh: L.Trang |
Để hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2012 tại TP.HCM, cán bộ phụ trách phổ cập tại các phường, xã phải gánh trách nhiệm nặng nề, như một cán bộ phường tại quận Gò Vấp nói vui: tìm mọi cách “vét” hết trẻ trong độ tuổi ra lớp để hoàn thành chỉ tiêu.
TP.HCM: rốt ráo huy động trẻ
Số lượng trẻ sinh năm 2006 tại P.12, quận 6 là 285 trẻ. Sau một thời gian gấp rút huy động vẫn còn 22 trẻ chưa được phổ cập mầm non, rơi vào các em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha hoặc mẹ đi làm ăn xa giao ông bà nuôi dưỡng, cả gia đình phải lo mưu sinh, không quan tâm đến việc học nên trẻ không được đi học.
UBND phường này đã phải nhờ đến kinh phí của mạnh thường quân, mặt bằng của một trường tư thục trong phường, mất hai tháng chuẩn bị và đi từng nhà kêu gọi cho trẻ ra lớp. Cuối tháng 5 vừa qua, 22 trẻ này đã nhận được GCN hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi, kéo chỉ tiêu huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của phường đạt 100%.
Không riêng P.12, Q.6, chuyện cán bộ phổ cập, tổ trưởng khu phố... phải phát loa kêu gọi hằng ngày, phải cất công đi từng nhà dân năn nỉ họ cho con đi học, thậm chí năn nỉ không được thì chuyển sang... dọa dẫm, chung quy cũng nhằm hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra: 100% trẻ 5 tuổi phải ra lớp. Những chương trình cấp tốc kéo dài 1- 2 tháng cũng được mở luân phiên để phục vụ những trẻ chưa kịp học mầm non khi ngày vào học lớp 1 đã tới gần.
Không nôn nóng, đốt cháy giai đoạn Đề cập việc thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách bậc học mầm non, khẳng định: “Các tỉnh, thành không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn vì muốn mau chóng phổ cập mầm non 5 tuổi mà thiếu quan tâm đến lứa tuổi khác ở bậc học này”. Việc ưu tiên tối đa cho trẻ 5 tuổi khiến trẻ 3,4 tuổi thiếu chỗ học trầm trọng ở các thành phố lớn, theo bà Nghĩa, cách làm đó “không đúng tinh thần của đề án và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”. |
Mâu thuẫn là ở chỗ để đảm bảo phổ cập 5 tuổi, những lứa tuổi nhỏ hơn buộc phải tìm chỗ học ở các nhóm trẻ nơi mà điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất và giáo viên không thể bằng trường công. Tại TP.HCM, số lượng các trường duy trì lớp nhà trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại quận 8, trường tư và nhóm trẻ gia đình cũng phải nhận trẻ đông hơn để gánh bớt trách nhiệm cho trường công đang “bận bịu” lo cho trẻ 5 tuổi.
Phó hiệu trưởng một trường mầm non tại quận Bình Thạnh phân tích: “Trước đây, khi không hô hào phổ cập, chúng tôi vẫn làm công việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp. Nay có thêm chữ “phổ cập”, có thêm GCN hoàn thành chương trình mầm non, cộng với sức ép từ trên xuống để hoàn thành mục tiêu phổ cập đúng tiến độ đã đăng ký, nên mới xảy ra tình trạng nhốn nháo vì người dân quá thiếu thông tin. Trong khi điều kiện phổ cập chưa thể đáp ứng, thiếu trường lớp, giáo viên thì công tác huy động trẻ lại được làm rầm rộ, triệt để, chỉ vì con số mang tính thành tích là 100%”.
Hà Nội: mất chỗ học vì... phổ cập
Tại Hà Nội, với việc dốc sức để phổ cập mầm non 5 tuổi vào năm 2013, sớm một năm so với dự kiến cũng khiến cuộc đua tìm chỗ học mầm non càng căng thẳng.
Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trong hơn 860 trường mầm non của Hà Nội năm học 2011-2012 chỉ có 28% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 93% trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi được nhận vào học. Theo điều tra của Hội Khuyến học Hà Nội, “trẻ 12 tháng tuổi không có chỗ học ở bất cứ trường công nào tại Hà Nội”.
Bà Thành Thu Hà, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội, bày tỏ quan điểm “khuyến khích các cơ sở mầm non nhận đủ các lứa tuổi”. Nhưng việc thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên là vấn đề chung của nhiều trường vì thế các cơ sở đành phải “liệu cơm, gắp mắm”, ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Khi còn chỗ mới có thể mở rộng cho trẻ 3, 4 tuổi.
Theo một số phụ huynh tại phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội, hiện vẫn chưa biết con mình có được nhận hay không. Vì nhà trường chờ tuyển bổ sung hết lứa mầm non 5 tuổi mới cân nhắc việc tuyển bổ sung 3, 4 tuổi.
Theo bà Lan Duyên, phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, mùa tuyển sinh này có ít nhất 6-7 trường phải áp dụng hình thức bốc thăm tuyển sinh để giải quyết việc căng thẳng chỗ học. Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình cũng trong tình trạng tương tự. Để tránh “tai tiếng” phụ huynh xếp hàng trắng đêm xin học, giải pháp bốc thăm đang là phương thức tối ưu.
Giải thích cho mục tiêu “cán đích” sớm hơn một năm, bà Nga cho biết hai năm qua Hà Nội đã tăng thêm 75 trường mầm non, xóa trên 5.500 phòng học tạm, tuyển dụng gần 6.000 giáo viên mầm non vào biên chế, nâng mức chi cho mầm non tính theo số học sinh. Với nỗ lực này, Hà Nội có thể phổ cập sớm hơn dự kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận