Phóng to |
Các bản sao bài giải từ ngoài chuyển vào cho thí sinh - Ảnh tư liệu |
Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận
Sao có thể làm ngơ khi mình đang ở trong môi trường mà cái sai, cái lệch lạc, cái xấu xí ngày mỗi nhiều lên, đến mức trong mỗi cuộc gặp mặt, hễ nghe ai đó nói về những vấn nạn của giáo dục hiện nay, giáo viên chúng tôi lại phải ngó lơ, bàn lảng và nói tránh sang chuyện khác.
Hóa ra giám thị coi thi thời nay không đơn thuần chỉ làm đúng quy chế, đúng quy trình, đúng nhiệm vụ đã được tập huấn mà còn phải có nhiệm vụ theo dõi xem thí sinh có làm được bài không.
Không có văn bản nào ban hành nhưng ai cũng biết ngấm ngầm với nhau rằng hội đồng thi của mình cần phải làm gì để góp phần nâng cao con số phần trăm tốt nghiệp của kỳ thi tốt nghiệp.
Trả lời báo chí sau kỳ thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Mục đích của kỳ thi không phải để đánh trượt thí sinh mà là đánh giá trình độ HS, chất lượng giáo dục, tác động trở lại của kỳ thi đối với việc dạy và học trong nhà trường”.
Hẳn nhiên, là người “trồng cây” ai cũng muốn có mùa quả tốt, nhưng phải là thứ quả kết được từ suốt mùa gieo hạt chứ không phải thứ quả được “bơm thuốc” để thổi phồng lên chín rộ như hiện nay. Nên việc đánh giá trình độ học sinh và chất lượng giáo dục không có nghĩa là cho tất cả học sinh đậu hết.
Hãy biết làm một cái cần gạt cần thiết để cho ra những sản phẩm đúng với chất lượng phù hợp với tiêu chí mà ngành giáo dục đã đề ra.
Và quan trọng nhất là thái độ dạy - học của giáo viên và học sinh. Làm sao dạy khi mà cuối cùng các con số chỉ tiêu được lấy ra làm áp lực cho mỗi kỳ đánh giá thi đua của mỗi người thầy?
Quá trình dạy học, thầy giáo sẽ đánh giá theo đúng năng lực tiếp thu của học trò, từ đó có kết quả xếp loại cuối cùng. Nhưng sẽ rất khó yên ổn cho người dạy nếu các con số thống kê ấy thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Báo chí đã từng phanh phui quá nhiều trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp, nhưng để có một bản báo cáo “đẹp”, người ở dưới cùng cái đe là giáo viên buộc phải nâng đủ số điểm cho học trò mình lên lớp, dẫu biết đó là điều mình đã làm khó đồng nghiệp mình cho năm học sau. Không ai sung sướng gì khi phải dạy những học sinh liên tục được “đôn” từ lớp này lên lớp khác để rồi cuối cùng ngồi “như vịt nghe sấm” trong những giờ học của mình cả.
Đã có thầy giáo dạy ở vùng quê nói với tôi: “Thầy cô cứ thử về dạy vùng quê chúng tôi đi, dỗ cho chúng đi học đã khổ lắm rồi, ngồi trong lớp chúng không hiểu gì cả, dạy càng khổ hơn mà cho ở lại lớp thì không được. Mấy năm trước còn đưa việc thi tốt nghiệp ra dọa chúng học, giờ thi cử đậu cả 100% thế này không biết làm sao dạy cho được đây”.
Ở cương vị người thầy, chúng tôi luôn muốn học sinh mình được dạy dỗ một cách nghiêm túc và nhận kết quả thật sự là của mình.
Ở vị trí của một người làm nhiệm vụ coi thi, chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân, Hà Nội: “Những người như tôi đều hiểu rất rõ một điều nếu người lớn chúng ta làm nghiêm túc thì thí sinh khó có thể gian lận. Làm nghiêm túc không có gì ghê gớm mà chỉ là làm đúng quy chế, đúng quy trình, đúng nhiệm vụ đã được tập huấn” (Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận, Tuổi Trẻ 7-6-2012)
Như vậy, không phải giáo viên chúng tôi không nhận ra những vấn đề tiêu cực trong thi cử, cũng không phải chúng tôi không biết làm sao để hạn chế những tiêu cực ấy. Cơ bản là chúng tôi vẫn cứ phải làm người cuối cùng trên cái đe.
Chừng nào các bản báo cáo còn đưa các con số thống kê ra làm chỉ tiêu thi đua thì chừng đó sự dối trá trong giáo dục vẫn còn là một vấn nạn.
Cách thi Việt Nam: chỉ ở mức kiểm tra trí nhớ Tôi vừa trải qua một kỳ thi ở Singapore vào đầu tháng 6. Trong kỳ thi, thí sinh được mở sách, được mang theo máy laptop kết nối internet để tìm tài liệu trả lời cho các câu hỏi. Điều cấm duy nhất là trao đổi ý kiến với người khác trong giờ thi. Trong quá trình học cũng vậy, mỗi bài giảng kèm 10 câu hỏi được cho trước và học viên phải trả lời hết vào cuối thời gian ấn định. Nương theo các câu hỏi, người học phải đọc từng chi tiết trong bài giảng mới tìm ra được câu trả lời đúng. Mặc dù học và thi "dễ" như vậy nhưng nếu học không kỹ thì chắc chắn thí sinh không biết đường trả lời, không biết tài liệu nào để xem. Vấn đề quan trọng là các câu hỏi được sắp đặt để nối kết các bài vở với nhau. Thí sinh buộc phải có kiến thức tổng quát, định vị được thông tin nằm trong bài học nào, liên quan đến các bài khác ra sao. Mục tiêu của việc thi cử là để đánh giá kiến thức, cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết một vấn đề được đặt ra. Cách thi của Việt Nam hiện nay phù hợp với "test" trí nhớ chứ không phải thi kiến thức hay khả năng giải quyết vấn đề. Lượng bài vở quá nhiều, cách học và cách thi hầu như đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng (ngay cả môn văn!). Những thí sinh không thuộc hết bài vở nên phải dùng đến tài liệu quay cóp để đối phó với kỳ thi. Điều này dẫn đến thất bại trong mục tiêu đánh giá năng lực học sinh. Với cách đánh giá năng lực này, hầu hết học sinh sau khi ra trường phổ thông không vận dụng được kiến thức đã học vào đời sống, không có kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế và tệ hại hơn, đó là hình thành thói dối trá ngay từ khi còn đi học. Giáo dục học sinh phổ thông cần đi vào 2 trọng tâm: Giáo dục nhân cách và cung cấp kiến thức (trong đó có kỹ năng giải quyết vấn đề). Giáo dục nhân cách thì được dạy từ mẫu giáo, học đến đâu thực hiện đến đó. Trẻ con thể hiện được nhân cách ngay từ nhỏ. Nếu giáo dục tốt mảng này, xã hội sẽ văn minh trong đối xử, chống tệ nạn xã hội. Giáo dục kiến thức và quan trọng hợn, cách xử lý vấn đề nhằm tăng cao năng lực sáng tạo, phát triển con người, hình thành lớp người tài trí để phục vụ xã hội. Ngành giáo dục Singapore đang thực hiện rất tốt hai trọng tâm này. Thiết nghĩ, ngành giáo dục nên thay đổi tư duy về học tập và thi cử. Không nên nhồi nhét và đánh đố trí nhớ các em. Cần phải hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực vận dụng kiến thức, biết tìm đúng cái mình cần. Như vậy ngay cả việc cho phép sử dụng "phao" thi thì hiệu quả phân loại học tập cũng không bị ảnh hưởng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận