Phóng to |
Được thành lập gần 15 năm nhưng đến nay cơ sở vật chất của Trường ĐH Văn Hiến vẫn rất tạm bợ. Đây là một trong những trường được Bộ GD-ĐT kiểm tra - Ảnh: Anh KHôi |
Theo đúng lộ trình, 20 trường đầu tiên sẽ lần lượt được kiểm tra trong năm nay. Một chế tài nghiêm khắc đã được bộ thông báo sẽ áp dụng đối với trường vi phạm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
- Theo quy định, các trường sau khi có tư cách pháp nhân sẽ phải xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong các hồ sơ dự án thành lập trường được phê duyệt, các trường đều phải cam kết điều kiện cần thiết. Đợt rà soát này nhằm kiểm tra, đánh giá các trường có thực hiện đúng cam kết không; thực trạng của các trường so với những điều kiện đã cam kết thế nào; các trường có kế hoạch, giải pháp gì để thực hiện những cam kết chưa đạt được. Đối tượng được kiểm tra bao gồm cả trường công lập và ngoài công lập, trường ĐH mới thành lập và trường ĐH, CĐ mới được nâng cấp.
Phóng to |
Ông Bùi Văn Ga Ảnh: Vĩnh Hà |
* Kết quả rà soát đến thời điểm này thế nào, thưa thứ trưởng?
- Chúng tôi đã có kết luận kiểm tra những trường đầu tiên. Đến giữa tháng 12, các đoàn kiểm tra hoàn tất báo cáo của các trường tiếp theo. Có trường thực hiện khá tốt cam kết dù vẫn còn điểm cần tiếp tục bổ sung. Song cũng nhiều trường lộ ra bất cập. Có trường thành lập mười năm nhưng vẫn không có cơ sở riêng, cơ sở vật chất phải đi thuê mướn. Có trường đã có trụ sở riêng nhưng diện tích lại quá chật hẹp. Tiêu chí đề ra phải đạt tối thiểu 2,5m2/sinh viên nhưng trường chỉ đạt trung bình 0,3m2/sinh viên.
Có những trường lại quá thiếu giảng viên cơ hữu, 10 ngành đào tạo nhưng chỉ có trên 70 giảng viên cơ hữu, việc đào tạo chủ yếu do giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm. Trong đó, đáng chú ý có ngành đào tạo chỉ 1-2 giảng viên cơ hữu. Cũng trong đợt kiểm tra đầu tiên này, chúng tôi thấy một nghịch lý là có những trường thiếu thốn cơ sở vật chất, giảng viên nhưng lại tuyển đông sinh viên. Trong khi đó, có trường diện tích đất đai mênh mông nhưng lại khan hiếm nguồn tuyển, có ngành mở ra không có người học.
* Thứ trưởng lý giải như thế nào về nghịch lý trên?
- Việc trường không thu hút được người học có thể do vị trí địa lý không thuận tiện, do không có đội ngũ giảng viên uy tín, do cơ cấu ngành đào tạo không hấp dẫn người học. Tuy nhiên, trong nhiều yếu tố kể trên, đội ngũ giảng viên có lẽ vẫn là điều được người học quan tâm nhất. Điều đó lý giải việc có những trường rộng mênh mông nhưng không tìm được người học vì người học cần thầy. Dĩ nhiên cơ sở vật chất, thiết bị, môi trường sư phạm cũng là yếu tố quan trọng, không chỉ tạo niềm tin cho người học mà còn là điều để thuyết phục, thu hút được giảng viên giỏi đến làm việc.
* Như vậy, sự yếu kém về chất lượng đã khiến một số trường bị người học quay lưng, đó là phản ứng của người học, của xã hội. Còn Bộ GD-ĐT sẽ xử lý thế nào đối với những trường không thực hiện đúng cam kết sau đợt kiểm tra này?
- Theo nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII, trường ĐH, CĐ không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng như cam kết khi thành lập trường sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Ví dụ điều kiện đảm bảo chất lượng của trường năm nay không tốt hơn năm trước, trường sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Trường đã có quyết định thành lập trước năm 2010 nhưng vẫn chưa xây dựng được trụ sở riêng tại địa điểm đăng ký trong hồ sơ xin phép thành lập trường sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh của năm kế tiếp.
Nếu sau ba năm (kể từ năm 2010) trường vẫn không khắc phục được theo đúng cam kết, bộ sẽ xem xét đến việc đình chỉ tuyển sinh hoặc giải thể trường. Như vậy, theo đúng thời gian quy định, tới năm 2013 các trường bị phát hiện còn có bất cập, sai phạm trong đợt kiểm tra lần này nhưng không khắc phục hoặc có giải pháp khắc phục không hiệu quả sẽ bị đưa vào diện xét đình chỉ tuyển sinh hoặc giải thể.
* Còn biện pháp xử lý trước mắt của Bộ GD-ĐT là gì?
- Tùy theo mức độ vi phạm của trường. Trường có thể bị giảm chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng, đóng cửa những ngành đào tạo quá khan hiếm nguồn tuyển hoặc không đủ điều kiện đào tạo, yêu cầu tuyển bổ sung giảng viên, bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu ở những cơ sở còn thiếu... Thực tế, ngay thời điểm hiện tại, các trường không đủ điều kiện, không giảm chỉ tiêu cũng không thể tuyển đủ được.
* Với tiến độ như hiện nay, liệu trong một năm Bộ GD-ĐT có thể kiểm tra được một vòng tất cả các trường ĐH, CĐ?
- Cố gắng thì có thể làm được. Đợt kiểm tra lần này với 20 trường, bộ chuẩn bị kỹ lưỡng, kiểm tra một cách thận trọng, nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Những trường kiểm tra sau sẽ không tốn nhiều thời gian, công sức như đợt đầu. Nếu quyết tâm, có thể chỉ cần một ngày là kiểm tra xong một trường cho tất cả tiêu chí: diện tích đất đai, mặt bằng xây dựng, số sinh viên/giảng viên. Việc kiểm tra 20 trường trong năm nay là động thái tích cực để các trường khác có sự chuẩn bị cần thiết. Kết quả kiểm tra cùng nhận xét, đánh giá của Bộ GD-ĐT sẽ được công khai để xã hội, người học đều biết. Các trường trong quá trình khắc phục hạn chế cũng có thể cập nhật trên trang web của trường những chuyển biến mới.
* Nhưng với tốc độ phát triển mạng lưới trường ĐH, CĐ như những năm gần đây, liệu việc kiểm soát được toàn bộ các trường có quá sức và vì quá sức khiến việc kiểm tra mang tính hình thức, đối phó không?
- Đúng là trước đây có lúc chúng ta mới dừng ở việc tăng quy mô cho nhanh. Trong thời gian tới, bộ sẽ coi chất lượng đào tạo là mục tiêu số 1. Một số mục tiêu đề ra trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 sẽ phải điều chỉnh để đảm bảo chất lượng. Ví dụ dự thảo đề ra phấn đấu đạt 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020, nhưng với thực tế hiện nay thì mục tiêu này phải điều chỉnh để bảo đảm chất lượng. Số giảng viên không đạt, tốc độ xã hội hóa không đạt, tiềm lực kinh tế đầu tư cho giáo dục còn hạn chế thì không thể chạy theo số lượng được.
* Sau khi kiểm tra 20 trường ĐH, CĐ, lộ trình tiếp theo của Bộ GD-ĐT thế nào? - Năm 2012, chủ trương của bộ là siết mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng. Trong năm 2011, để giữ chất lượng, bộ đã “bảo toàn” điểm sàn, kiên quyết không cho phép các trường khó khăn về nguồn tuyển được “hạ sàn”, tạm dừng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy một số trường, ngừng tuyển sinh hơn 100 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ do không đảm bảo chất lượng. Năm 2012, cùng những quy định chặt chẽ khác, bộ sẽ tiếp tục kiểm tra toàn diện các trường, không phân biệt trường công, tư, mới hay cũ. Bên cạnh việc siết chặt và xử lý nghiêm đối với những trường yếu kém, có sai phạm, bộ cho phép một số trường có điều kiện tốt được mở các ngành đào tạo chất lượng cao, thu học phí cao trên nguyên tắc thu bù chi. Có những chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ được phép thu phí gấp 3-4 lần mức bình thường hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận