Phóng to |
Bị bệnh, số tiết dạy giảm và cũng không thể làm giáo viên chủ nhiệm nữa, nhưng người thầy ấy vẫn cần mẫn đến trường mỗi ngày và không để học trò nào biết mình bệnh. Để giờ dạy của một người thầy đang bị bệnh tật giày vò vẫn thế - miệt mài, đầy chất văn, đầy cảm hứng và đầy tình yêu thương dành tới bao thế hệ học trò.
Trò
Một HS giỏi văn nhất khối 12, đến ngày ra trường vẫn ấm ức “con trách thầy tại sao không cho con tròn 9,0 mà lại là 8,9 điểm”, để rồi sau này ân hận đã viết trong lá thư gửi thầy của mình rằng: “Khi nghe thầy nói, con mới hiểu thầy làm như thế cũng là vì muốn con không kiêu căng, tự mãn để rồi không cố gắng” và tự nhủ: “Dạy học rất khó và cho điểm HS mình càng khó hơn và con tin rằng mình sẽ đủ tỉnh táo, làm chủ ngòi bút của mình để không bỏ qua sự cố gắng nào của HS”. Lá thư ấy của HS Đỗ Ngọc Quỳnh Như - lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM niên khóa 2007-2010, hiện là sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã đoạt giải thưởng của cuộc thi “Viết về thầy tôi” trong chương trình Thay lời muốn nói Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.
"Những hôm trước ngày thi đại học, thầy nhập viện mà không hề nói với tất cả chúng con. Đêm trước ngày thi, con nào có biết thầy yếu lắm nhưng vẫn cố gắng giảng giải bài vở cho con qua điện thoại. Con thật sự vô tâm quá phải không thầy?" Trò Đỗ Ngọc Quỳnh Như |
Còn cậu học trò Lê Lâm (hiện là SV năm 3 Trường ĐH Văn Lang) vẫn nhớ như in cuộc điện thoại của người giáo viên đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Cách đây bốn năm, Lâm thi rớt đại học. Cậu học trò hiếm hoi đạt 9 điểm môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ấy lại chỉ đạt 3 điểm môn văn trong kỳ thi đại học vì chủ quan. Cậu tránh mặt người thầy dạy văn mà mình hết mực yêu quý rồi trở về quê. Hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn và kinh tế khó khăn khiến Lâm quyết định từ bỏ học hành, đi phụ việc nhà ở Phú Quốc. Bất ngờ thầy tìm được số điện thoại của Lâm và gọi: “Làm gì mà lui về quê ở ẩn dữ vậy, thất bại mới có một lần thôi mà. Em cứ lên đây thầy giúp em ôn thi. Lần này em chỉ cần học ba môn thôi, chắc chắn em sẽ đậu”.
Cậu con trai 18 tuổi vào đời kiếm sống, cuối cùng nhận ra chỉ có tiếp tục đi học mới có tương lai. Lâm kể: “Nửa năm đi làm, em đã quên hầu hết kiến thức rồi. Hai thầy trò phải lăn ra học mới kịp kỳ thi. Thầy dạy chỉ một tháng nhưng hệ thống lại kiến thức cho em và nếu không có thầy, chắc giờ em vẫn còn lông bông”.
Thầy
Trong tâm trí người thầy vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh non nớt của những cô cậu học trò yêu văn. Thầy kể về Lâm với một kỷ niệm khó quên: “Ở Sài Gòn, chị của Lâm bán há cảo ngon nổi tiếng. Tôi không lấy học phí nên Lâm thường đem há cảo sang tặng thầy. Tôi đem chia cho cả nhà, ai ăn cũng khen ngon và muốn mua thêm nhưng hễ nghe thầy nhắc tới há cảo là Lâm lại mang sang. Tôi khó nghĩ quá nên gọi Lâm và nói: nhà thầy thích ăn há cảo lắm, nhưng em giảm giá là thầy vui rồi chứ đừng đem qua cho nữa nhé”.
"Không hiểu sao tới giờ tôi vẫn nhớ mùi vị món há cảo của Lâm mang sang, rất ngon, có lẽ vì đó là bánh của học trò mình, có cả nghĩa tình trong đó" Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng |
Thời đó điện thoại còn khó khăn. Người thầy nghĩ thật nhanh rồi nói với ba mẹ của cô học trò mất tích: “Sáng mai khoảng 6g sáng, anh chị ghé bưu điện, lục những tờ giấy ghi số trong buồng điện thoại để tìm”. Thật may khi nhân viên dọn dẹp chỉ vừa quét rác mà chưa kịp đổ đi, cha mẹ của HS đó tìm thấy một tờ giấy ghi đầu số điện thoại của Vũng Tàu và lần theo đó để liên lạc với con mình. “Từ đó học trò vẫn đùa thầy giống công an phá án quá” - người thầy giản dị kể.
Một HS khác thường tự cô lập mình, hãn hữu lắm mới giao tiếp với bạn bè. HS này thường nói khi trả bài: “Em chỉ biết có thế!”. Khi thầy phân nhóm để thảo luận bài nghị luận xã hội, HS này kiên quyết không tham gia. Người thầy nghiêm mặt: “Em cứ bước qua ngồi với các bạn, thầy sẽ tham gia nhóm đó để cùng thảo luận với em. Nếu em không thảo luận thì ngồi nghe các bạn, lấy ý để mai mốt làm bài cũng được”. Sự kiên nhẫn của người thầy đã có kết quả khi vài buổi học sau đó, cô học trò này đã bắt đầu cởi mở và trò chuyện với thầy giáo dạy văn của mình...
Và niềm hạnh phúc
Người thầy ấy tên Huỳnh Ngô Thanh Dũng (45 tuổi), một giáo viên dạy văn bình dị như bao người thầy người cô khác ở Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM.
Những ngày này, thầy vẫn phải ghé bệnh viện ung bướu hai lần một tháng để khám và lấy thuốc. Từ vài năm nay, sau hai lần mổ khối u màng ruột, nay đã di căn qua gan, sức khỏe của thầy đã giảm sút nhiều. Nhưng niềm vui với trường lớp, ân tình với học trò vẫn còn đó. Thầy tâm sự: “Tôi chỉ thấy tiếc khi nhiệt huyết của mình vẫn còn nhưng sức khỏe không cho phép. Tôi buồn lắm bởi những điều muốn truyền thụ tới HS thì còn rất nhiều nhưng cảm giác mình không đạt được. Duy có điều qua cơn bệnh này, tôi nhận ra những tình cảm lớn lao của học trò mình, đồng nghiệp mình và gia đình mình. Tôi lại nghĩ rằng trong cái rủi có cái may và tự nhủ mình hãy lạc quan mà sống”.
Thái Lập Banh, HS vừa tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Hiền, tâm sự: “Điều mà em cảm thấy khâm phục nhất ở thầy là thái độ lạc quan trước bệnh tật. Đó là người thầy rất giản dị, không đặc biệt, không giải thưởng, không nói năng to tát..., nhưng lại làm chúng em thấy gần gũi hơn bao giờ hết với những tiết dạy không đọc chép, sinh hoạt nhóm, HS được tùy ý ghi những gì mình cần vào vở, và có thể phát triển quan điểm riêng của mình, không nhất nhất phải theo sách giáo khoa. Ngay cả cách thầy nghe nhạc trẻ để gần với HS hơn cũng làm em rất cảm phục”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận