Có vô số việc phải làm theo quy định, song cũng có vô số việc không tên khác mà các cấp quản lý giáo dục đưa xuống, đẩy gánh nặng lên đôi vai người thầy. Với định mức số tiết phải dạy một tuần của Bộ GD-ĐT như THPT 17 tiết, THCS 19 tiết, tiểu học 23 tiết, bốn buổi họp một tháng và làm một loại hồ sơ sổ sách cần thiết phục vụ cho giảng dạy khác thì đúng là giáo viên còn nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, dự giờ đồng nghiệp, lo cho bài giảng.
Thế nhưng những quy định của bộ cũng chỉ là “phần cứng”, nơi này, nơi kia, sở, phòng, nhà trường đang “vẽ” ra quá nhiều việc để giáo viên không còn rảnh tay lo cho giáo án và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Công việc đầu tiên phải nói tới là các cuộc hội họp triền miên. Đủ thứ các loại cuộc họp đang là nỗi ám ảnh của thầy cô. Họp hội đồng sư phạm, chuyên môn trường, chuyên môn tổ khối, bộ môn, họp giáo viên chủ nhiệm, họp phụ huynh, họp công đoàn, đoàn thể... Họp nhiều quá nhưng một tháng chỉ có bốn buổi thứ bảy nên có khi lấy cả giờ học của học sinh, họp “tăng ca” trưa hay tối.
Thời gian dành cho họp hành đã vậy, thầy cô còn lo làm một đống hồ sơ. Những loại hồ sơ bộ quy định thì không sao bởi đó đã là quy chế chuyên môn, đáng nói là đang tồn tại quá nhiều tên hồ sơ do sở, phòng, nhà trường tự chế và “ấn” xuống: sổ chủ nhiệm sở in có quá nhiều chi tiết rườm rà, sổ liên lạc sở phát hành có cả vài chục trang in đủ thông tin như học sinh thích ăn món gì, thích uống nước gì..., sổ tích chứng cứ môn học, sổ chuyên đề, sổ học tập, sổ mượn đồ dùng dạy học... Quá nhiều loại sổ do các cấp quản lý giáo dục “sáng tạo” ngoài yêu cầu của bộ, giáo viên làm cho có chứ chất lượng cần phải bàn lại. Ngán ngẩm nhưng ai cũng phải cố làm, nếu không sẽ bị cắt thi đua!
Là giáo viên không ai không khổ vì các phong trào. Thôi thì đủ các phong trào của giáo viên, học sinh mà thầy cô đều phải tham gia. Hết hội thi này đến hội thi khác, hết lễ kỷ niệm nọ đến lễ kỷ niệm kia. Đau khổ nhất là các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao nhiều khi chỉ là cấp trường, cấp cụm cũng phải chuẩn bị, tìm kiếm trang phục, tập dượt...
Thầy cô đang phải lo nhiều việc khác như điều tra phổ cập giáo dục, thu tiền mua sắm dụng cụ đầu năm, phí bảo hiểm tai nạn, y tế, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp... Mỗi thứ là một loại hồ sơ sổ sách thu chi chẳng hề ăn nhập hay đúng với chuyên môn của giáo viên.
Bởi vậy, nói chất lượng giáo dục yếu kém do đội ngũ nhà giáo hay cơ chế là không sai. Nhưng việc các cấp lãnh đạo giáo dục chưa đổi mới công tác quản lý cũng tác động không nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận