Phóng to |
Một buổi học của cô trò Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM). Nhiều trường mầm non công lập luôn đau đầu tìm người thay thế khi giáo viên đột ngột bỏ ngang - Ảnh: Như Hùng |
Đinh Hoàng Vân (sinh năm 1987) tốt nghiệp ngành mầm non Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM cách đây hai năm. Có năng lực, vốn tiếng Anh tốt, năng động và nhiều tài lẻ, Vân không chọn trường công mà đầu quân về một trường tư thục lớn ở Q.6 với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng cùng nhiều đãi ngộ. Sau hai năm, phát hiện mình không thể gắn bó với nghề, chị bỏ ngang và chuyển sang học văn bằng hai ngành dược với mong muốn đổi nghề.
“Dứt áo ra đi”, vì đâu?
Hàng trăm giáo viên nghỉ việc Tại TP.HCM, năm học vừa qua có 422 cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu, nhân viên các trường mầm non công lập nghỉ việc. Trong đó có bảy cán bộ quản lý, 236 giáo viên và 179 cán bộ công nhân viên ở trường mầm non công lập xin nghỉ việc. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sở dĩ tình trạng thiếu cán bộ quản lý và giáo viên làm việc trong ngành mầm non cùng sự “ra đi” của hơn 400 cán bộ, giáo viên là do thu nhập thấp (tổng thu nhập 1,8-2,4 triệu đồng/người/tháng), thời gian lao động dài hơn 12 giờ/ngày (từ 6g30-18g), cường độ lao động quá tải (sĩ số cao, công việc phức tạp), hoàn cảnh gia đình khó khăn... |
Vân tâm sự: “Cũng đồng lương đó, người ta làm 8 giờ/ngày, còn giáo viên mầm non phải làm 12 giờ, tối về còn chuẩn bị học cụ cho buổi dạy hôm sau. Công việc chuyên môn đòi hỏi quá nhiều, chiếm hầu hết thời gian. Tôi rất tiếc quãng thời gian mấy năm vừa rồi khi chọn không đúng nghề”.
Theo Vân, khoảng 50% bạn bè cùng lớp với chị đã chuyển sang nghề khác, nhất là những bạn đã lập gia đình thì không ai bám trụ với nghề giáo viên mầm non được nữa. Vân nói: “Những giáo viên mới ra trường như chúng tôi rất hụt hẫng vì trong quá trình thực tập, giáo sinh chỉ đứng xem là chủ yếu, còn ra trường phải đứng lớp, chịu trách nhiệm lớn với hàng chục đứa trẻ nên phải yêu nghề và lăn lộn, kiên trì lắm mới có thể trụ được”.
Trong khi đó, khá nhiều giáo viên mầm non ở trường công nghỉ việc chuyển sang làm việc tại trường tư có thu nhập cao hơn. Nhưng ngay cả ở các trường tư thục có thu nhập cao hơn trường công lập, tình trạng giáo viên bỏ ngang cũng rất phổ biến.
Một hiệu trưởng trường mầm non tư thục tại quận Tân Bình (TP.HCM) chua xót kể: “Có giáo viên của tôi bỏ ngang, đi làm nhân viên văn phòng lương 4 triệu đồng/tháng, trong khi ở trường mầm non cô được lo ăn sáng ăn trưa, nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngoài lương 3 triệu đồng còn có phụ cấp, phúc lợi đầy đủ. Có người đã bỏ nghề mầm non vì quá vất vả rồi chuyển sang làm tiếp thị bia cho một công ty với chỉ tiêu được giao hằng ngày hết sức căng thẳng”.
Bà Đỗ Kim Lệ, chủ Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (huyện Nhà Bè), khẳng định: “Nỗi lo thường trực của các trường mầm non là nguồn giáo viên không ổn định. Nhiều cô được trường cử đi học nâng cao nhưng học xong lại chuyển sang trường khác có thu nhập cao hơn. Số giáo viên ở trường thay đổi hằng năm và suốt năm năm qua chỉ có một giáo viên và hai bảo mẫu là vẫn làm việc ở trường kể từ ngày thành lập. Còn lại có những giáo viên làm vài tháng đã đi”. Ở trường này khi có giáo viên đột ngột nghỉ việc, hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đứng lớp trong khi chờ tuyển người mới.
Hiệu trưởng kêu trời
Ông Ngô Ngọc Luyến, chủ hệ thống Trường mầm non Nam Mỹ (Q.7), cho biết số giáo viên xin nghỉ, xin chuyển đi trong hệ thống này thường chiếm tới 40% số giáo viên được tuyển dụng, trong đó khoảng 10% chuyển hẳn sang ngành nghề khác. Nguyên nhân nghỉ việc mà ban giám hiệu nhận được rất phong phú: về quê lấy chồng, chuyển nghề khác thu nhập cao hơn, cảm thấy không thích hợp với nghề...
Trong khi đó, “ngày càng nhiều trường tư thục mở ra nên nhu cầu nhân sự rất lớn. Có trường phải nhờ “cò” về các tỉnh kiếm giáo viên, bảo mẫu” - một hiệu trưởng trường mầm non tư thục cho biết. Theo hiệu trưởng này, có giáo viên gọi điện vào số của hiệu trưởng để hỏi vì sao nộp hồ sơ gần hai tháng mà trường vẫn chưa tuyển dụng và dọa kiện nhà trường, có cô nghỉ ngang nhưng vẫn dọa kiện nếu trường không giải quyết chế độ bảo hiểm trong một tuần.
Trước thực tế này, một cán bộ phụ trách mầm non ở Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, từng nhiều năm làm hiệu trưởng trường mầm non công lập, chia sẻ: “Phải dùng tình cảm để giữ giáo viên, thông cảm, chia sẻ với họ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ thì công việc mới bền. Nếu không có niềm tin ở ban giám hiệu, giáo viên dễ nhảy sang những nơi lương cao hơn. Công việc vất vả, cực nhọc nên họ cũng mong mỏi quyền lợi và sự động viên. Theo kinh nghiệm của tôi, không chỉ là lương mà giáo viên thường bỏ đi khi không được chia sẻ”.
Hiệu trưởng một trường mầm non khác cũng thừa nhận: “Sự quan tâm, chia sẻ lúc khó khăn tuy nhỏ nhưng tiền bạc không thể nào sánh được. Có nhiều giáo viên rất giỏi, vừa giỏi chuyên môn, nhạc họa và tiếng Anh trôi chảy, nhận được nhiều lời mời với mức lương hấp dẫn từ trường khác, nhưng vẫn không bỏ học sinh nếu họ tin tưởng và quý mến nhà trường, đồng nghiệp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận