Trong khi đó, nhiều nơi dù không thông báo công khai nhưng khi tiếp nhận hồ sơ sinh viên tốt nghiệp của những trường “có vấn đề”, họ cũng loại ngay.
Phóng to |
Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN (Vietcombank) thông báo tuyển nhân viên ở nhiều vị trí khác nhau cho các chi nhánh trên cả nước. Vietcombank chỉ định cụ thể ứng viên phải tốt nghiệp từ các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Ngân hàng, Thương mại và các ĐH danh tiếng nước ngoài.
Riêng tại chi nhánh Đà Lạt, ngân hàng này chỉ tuyển ứng viên tốt nghiệp hệ chính quy từ các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Ngoại thương và Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM).
Sàng lọc từ đầu
Tương tự, khi tuyển dụng chuyên viên phân tích định lượng, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) yêu cầu cụ thể đối với ứng viên: “Tốt nghiệp ĐH một trong các trường danh tiếng VN (Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Kinh tế)”. Tương tự, hầu hết vị trí tuyển dụng của Viettel đều đưa ra các yêu cầu chung: tốt nghiệp ĐH chính quy các ngành đúng với nhu cầu tuyển dụng. Riêng vị trí kỹ sư thiết kế phần cứng, ngoài các điều kiện trên, Viettel kèm thêm nội dung: ưu tiên bằng loại khá, giỏi chuyên ngành điện tử viễn thông tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự. Ngân hàng ACB, Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) thông báo yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp ĐH chính quy từ các trường công lập.
Những giới hạn trong tuyển dụng ngay từ vòng nộp hồ sơ cũng được nhiều doanh nghiệp khác thực hiện. MobiFone (TP.HCM) khi tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin đã đưa ra yêu cầu ứng viên: tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông hoặc ĐH nước ngoài thuộc nhóm 500 trường ĐH chất lượng hàng đầu thế giới. Hay như VNPT Hà Nội khi tuyển dụng các vị trí đều giới hạn tuyển người tốt nghiệp ĐH ở một số trường ĐH nhất định.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, giám đốc nhân sự Sacombank, cho rằng việc tuyển chọn cán bộ nhân viên là quyền của tổ chức, doanh nghiệp. Riêng tại Sacombank, việc tuyển chọn theo một số tiêu chí riêng, ứng viên nào đáp ứng tốt những tiêu chí đó sẽ được tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp trường nào đều có cơ hội như nhau. Hiện Sacombank nhận hồ sơ của ứng viên đến từ 93 trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có nhiều trường ngoài công lập. Nhưng số tuyển dụng được phần lớn từ các trường như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Ngân hàng...
Mấu chốt là chất lượng
Bà Nguyễn Vũ Vân Anh, chuyên viên tư vấn phát triển nguồn nhân lực Công ty tư vấn Deloitte, khẳng định thực tế một số đơn vị tuyển dụng vẫn thích và ưu tiên tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp từ một số trường ĐH công lập. Bà Vân Anh cho rằng việc các trường chỉ tập trung thu hút thật nhiều sinh viên nhưng đào tạo kém chất lượng, chắc chắn sản phẩm của các trường này sẽ bị cơ quan tuyển dụng từ chối.
Thẳng thắn hơn, ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch HĐQT Công ty cơ khí Duy Khánh - cho biết với đặc thù là công ty chuyên về cơ khí, khi tuyển dụng công ty kiểm tra thực tế ứng viên và kết quả là người tốt nghiệp ở một số trường ngoài công lập khá kém. Ông nói thêm thực tế nhiều doanh nghiệp không thông báo thẳng là không nhận ứng viên tốt nghiệp ngoài công lập nhưng những hồ sơ đó sẽ bị loại.
Bà Tố Uyên khẳng định hiện nay các doanh nghiệp rất cần nhân sự có chất lượng. Vì vậy, việc cơ quan đơn vị từ chối tuyển dụng sinh viên một loại hình đào tạo hay của một trường cụ thể nào đó đều có lý do, trong đó tiêu chí về chất lượng luôn rất quan trọng. Như vậy, mấu chốt của vấn đề là chất lượng của ứng viên. Các trường ĐH cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, tự khắc doanh nghiệp sẽ chủ động tìm đến “săn” người...
Nhiều giám đốc nhân sự khẳng định việc họ giới hạn chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp một số trường không nhằm vào việc loại các sinh viên trường ngoài công lập mà còn có cả một số trường công lập. Theo các giám đốc nhân sự này, vấn đề không nằm ở chỗ tốt nghiệp trường công hay ngoài công lập mà là tốt nghiệp trường tốt hay trường không tốt.
Sở Nội vụ Nam Định báo cáo bộ về tuyển công chức Ngày 21-10, trong chuyến công tác tại Hà Nội để bàn về vấn đề tiền lương, ông Trần Tất Tiệp - giám đốc Sở Nội vụ Nam Định - đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ xung quanh chủ trương chỉ tuyển người tốt nghiệp ĐH chính quy, công lập vào công chức cấp tỉnh. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tất Tiệp cho biết trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ, ông đã cung cấp đủ các văn bản, nghị quyết, quyết định, thông báo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ Nam Định có liên quan đến chủ trương tuyển dụng công chức năm 2011. Đây là tài liệu phục vụ Ban cán sự Đảng của bộ họp, đánh giá chủ trương của tỉnh, tập hợp báo cáo bộ trưởng, làm cơ sở để Bộ Nội vụ trả lời nếu được chất vấn. Ông Tiệp khẳng định quyết định của tỉnh không vi phạm Luật giáo dục cũng như Luật cán bộ công chức, “thậm chí Luật cán bộ công chức còn nhấn mạnh chú trọng tuyển dụng người tài”. Theo ông Tiệp, có ý kiến cho rằng Nam Định cứ thực hiện việc tuyển dụng mà không cần ra văn bản sẽ đỡ “gây chú ý”. Tuy nhiên, ông Tiệp khẳng định nếu không ra văn bản thì không thể triển khai cho cấp dưới thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy được. “Đây không phải là quyết định của Sở Nội vụ, mà văn bản của sở được đưa ra trên cơ sở thực hiện chủ trương của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh” - ông Tiệp nói. NGỌC HÀ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận