22/10/2011 06:01 GMT+7

Không tuyển SV ngoài công lập: phản ứng tự nhiên

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Chỉ trong ngày 21-10, đã có thêm 300 lượt bạn đọc gửi ý kiến về Tuổi Trẻ tranh luận quanh vụ tỉnh Nam Định từ chối tuyển dụng công chức tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và hệ tại chức.

Nhiều đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số trường cũng lên tiếng.

LSgCMZIN.jpgPhóng to
Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào một trường ngoài công lập ở TP.HCM - Ảnh: N.Hùng

Nam Định không tuyển SV trường ngoài công lậpLời cảnh báo từ xã hội

Đề nghị “tuyển theo nhu cầu”

Ngày 21-10, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tiếp tục tổ chức hội nghị “Bàn về đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ” tại Hà Nội. Tại hội nghị này, hiệp hội thống nhất kiến nghị Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh cho đến tháng 12-2011. Lý do được các trường đưa ra là “đề thi năm nay khó hơn năm trước mà điểm sàn vẫn giữ như mức năm 2010, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh toàn ngành tăng thêm 6,5%”.

Hiệp hội cũng đề nghị thay đổi phương án tuyển sinh và đưa ra phương án “ba chung” và “một riêng”. Trong đó, “ba chung” bao gồm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chung đề, chung đợt, chung kết quả với năm môn thi gồm toán, văn, ngoại ngữ, môn khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh) và môn khoa học xã hội (gồm sử, địa). “Một riêng” là các trường ĐH, CĐ tùy vào nhu cầu tuyển sinh của mình, có thể căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp này để xét điểm trúng tuyển.

Ông NGUYỄN THÁI BÌNH (bộ trưởng Bộ Nội vụ):

Không phân biệt

Tôi chưa có văn bản của tỉnh Nam Định trong tay nên chưa có ý kiến gì. Tôi đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét vấn đề này vì dư luận, báo chí đã lên tiếng. Trong quy định của pháp luật và thực tế lâu nay không có chuyện phân biệt giữa bằng cấp ở trường công lập và trường ngoài công lập.

Đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước của chúng ta hiện nay cũng đang tồn tại hai loại bằng cấp đó. Và thực tế có những người tốt nghiệp trường ngoài công lập làm việc rất tốt, có người có bằng cấp trường công lập nhưng làm việc chưa tốt. Muốn khẳng định điều gì thì phải có thống kê, tổng kết rồi mới đưa ra chính sách chứ không thể khẳng định ngay được.

Ông ĐÀO TRỌNG THI (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội):

Không đúng với tư cách cơ quan công quyền

Nếu đó là một cơ sở, đơn vị trực tiếp tuyển dụng người lao động thì có thể họ được đưa ra một số điều kiện mang tính chất đặc thù đối với cơ quan, đơn vị của họ. Nhưng với tư cách là những cơ quan quản lý nhà nước như UBND các tỉnh thì không nên ban hành các văn bản chỉ đạo để hạn chế các đối tượng tham gia tuyển chọn như cách làm của UBND tỉnh Nam Định và UBND TP Đà Nẵng vừa qua.

PGS.TS Trần Hữu Nghị (hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng):

“Tội” ấy thuộc về cấp quản lý

Xét cho cùng, quyết định của Nam Định là phản ứng khá tự nhiên của xã hội khi quá trình xã hội hóa giáo dục chưa tạo ra được niềm tin cần thiết. Trong một thời gian ngắn, chúng ta cho “ra lò” hàng trăm trường ngoài công lập mới nhưng chất lượng đào tạo của nhiều trường chưa đạt yêu cầu. “Tội” ấy thuộc về cấp quản lý. Không biết những người cho phép mở trường có đánh giá hết được tiềm năng về cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường đó hay không? Hay cứ chờ người ta xin thì cho?

Nở rộ đến mức có cảm giác như là ở đâu cũng có trường ĐH, tất yếu người ta nghi ngờ chất lượng. Quyết định của Nam Định có thể giết chết trường ĐH dân lập đóng trên địa bàn tỉnh. Sinh viên tại tỉnh sẽ không lựa chọn ngôi trường ấy thì liệu các sinh viên nơi khác có đến đó học không?

Không thể cào bằng

Nhiều ý kiến bạn đọc đánh giá quyết định của Nam Định là một cách phản ứng mạnh với các trường đào tạo kém chất lượng.

* Sự phản ứng của xã hội là kết quả của hàng loạt nguyên nhân mang tính chủ quan. Hàng loạt trường ĐH, CĐ mọc lên như nấm sau mưa với cơ sở vật chất yếu kém, thiếu giảng viên, đua nhau mở đa ngành để giành giật sinh viên, xin hạ điểm tuyển sàn. Quá nhiều trường có chất lượng đầu vào thấp kém, đào tạo phập phù. Với thực trạng “rối như canh hẹ” đó, nếu không có những địa phương như Đà Nẵng, Nam Định “phản ứng”, xã hội sẽ phải gánh chịu đến bao giờ?

* Chúng ta không nên cào bằng trí tuệ. Nếu nói trường nào cũng như nhau, không phân biệt đẳng cấp thì chẳng có ai phải cực khổ chen chân vào các trường tốp trên, chẳng cần phải đi du học làm gì, chỉ cần học làng nhàng đậu vào các trường tuyển đầu vào thấp lè tè, sau đó học làng nhàng cũng ra trường, có tấm bằng tốt nghiệp. Với một số trường ngoài công lập có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đến trên 95% khá, giỏi, xuất sắc thì làm sao còn có thể tin tưởng được.

* Không nên lấy dẫn chứng các trường tư thục ở nước ngoài để so sánh và biện hộ cho sự yếu kém của chúng ta. Nền giáo dục của các nước khác với chúng ta. Các trường tư thục nổi tiếng trên thế giới đều có bề dày hàng trăm năm và đã làm hết sức để tạo danh tiếng cho mình, trở thành niềm mơ ước của bất cứ học sinh nào. Ở ta thì ngược lại. Nhiều người phê phán Nam Định, Đà Nẵng nhưng có biết rằng từ lâu, rất nhiều nơi đã tuyển dụng như thế nhưng họ âm thầm mà làm thôi. Thực tế đầu vào và chất lượng đào tạo bát nháo của nhiều trường dân lập hiện nay đã buộc họ phải làm như thế.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên