21/08/2011 08:17 GMT+7

Cội nguồn đam mê là con mắt tuổi thơ

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Ngày 20-8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), 122 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH và học viện trên địa bàn Hà Nội cùng giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu - giám đốc Viện Nghiên cứu toán học cao cấp - đã có buổi giao lưu thú vị.

Buổi giao lưu cùng chia sẻ những trăn trở, kỳ vọng về tương lai của giới trẻ, về sự phát triển của nền khoa học nước nhà.

I3rH6D8l.jpgPhóng to

GS Ngô Bảo Châu và các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các thủ khoa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Lâm Hoài

Toán học VN tụt hạng là đáng lo ngạiLúc khó khăn chính là cơ hội nhìn lại mình

GS có bí quyết thế nào để vượt qua nhiều khó khăn đến với khoa học? Đã bao giờ GS nản chí bỏ cuộc chơi? - mở đầu buổi giao lưu, Nguyễn Hùng Dũng, thủ khoa ĐH Mỏ - địa chất, đặt vấn đề. GS Ngô Bảo Châu khẳng định khi dấn thân vào khoa học chắc chắn sẽ phải trải qua nhiều khó khăn. “Làm khoa học 100 ngày thì có 99 ngày khổ, duy nhất một ngày sướng, nhưng sau ngày sướng đó lại tiếp tục đón nhận một chuỗi ngày vất vả tiếp theo” - vị GS trẻ dí dỏm. GS cho rằng dù con đường làm khoa học vất vả gian nan nhưng luôn cần phải thành thật với chính mình. “Thất bại nhiều lúc lại là mầm mống của thành công. Nếu chịu khó rèn luyện, cộng với một chút may mắn, tôi tin cuối cùng sẽ thành công” - GS Châu nhắn nhủ các thủ khoa.

Phải biết dấn thân và đam mê

Trả lời câu hỏi của một thủ khoa rằng làm thế nào để “giữ lửa” khi làm khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng yếu tố “hai trong một” khó khăn nhất khi làm khoa học là sức lực và niềm đam mê trong công việc. Muốn giữ được đam mê thì phải hiểu thấu đáo đam mê đó từ đâu. GS dẫn chứng lập luận của các nhà triết học cổ đại cho hay cội nguồn của đam mê chính là con mắt của tuổi thơ. Ý là phải giữ được nhãn quan của một đứa trẻ - luôn tò mò muốn khám phá về những gì xa lạ, khó hiểu xung quanh mình.

“Khi tôi ngồi ở bàn đại biểu, nhìn các bạn thủ khoa ký tên vào bảng vàng, điều làm tôi ấn tượng là ánh mắt trong sáng và tự tin của các bạn. Tôi tin tưởng trong 5-10 năm tới những ánh mắt đó vẫn không bị cuộc sống lay chuyển niềm tin và sự lạc quan, không hề tắt đi niềm say mê của tuổi trẻ” - GS gửi gắm các thủ khoa.

Phải biết chắt chiu chất xám

GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn cho rằng VN mặc dù có nhiều sự phát triển đáng kinh ngạc về kinh tế, cuộc sống đất nước ngày càng được cải thiện, tuy nhiên khoảng cách và tốc độ phát triển khoa học so với những nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... đang tụt hậu nghiêm trọng. Để rút ngắn khoảng cách này là cả một quá trình lâu dài và đòi hỏi nỗ lực rất lớn - GS nhận định.

Theo GS Châu, cần phải xây dựng thêm, thay đổi lại cơ chế cũng như nhận thức của xã hội về công tác khoa học. “Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm cho rằng con đường để có cuộc sống sung túc không chỉ là làm kinh tế, doanh nghiệp mà phải biết chắt chiu chất xám, phát triển khoa học” - GS Châu nói.

GS Ngô Bảo Châu cũng thành thật chia sẻ khi mới về Việt Nam, GS không tránh khỏi cảm giác hơi bi quan vì thấy nhiều giá trị đạo đức cấu thành con người bị tha hóa. Tuy nhiên, khi chứng kiến ánh mắt của các thủ khoa tại buổi lễ, GS cho hay cảm giác đó đã bị lấp đi hoàn toàn. “Tôi nghĩ giải thưởng đạt được, với tôi là sự công nhận về thành tích chuyên môn, nhưng điều làm tôi rất vui là trong trí óc, trái tim tôi đã dấy lên niềm tin, hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn” - GS nói.

Cho rằng những thành công, tên tuổi của GS Ngô Bảo Châu ảnh hưởng lớn đến giới trẻ VN, tuy nhiên thủ khoa Học viện An ninh nhân dân Nguyễn Thị Huyền Trang bày tỏ băn khoăn khi thời gian GS dành cho khoa học trong nước còn quá ít. Thường xuyên công tác ở nước ngoài, vậy kế hoạch cống hiến như thế nào để đóng góp có hiệu quả cho khoa học Việt Nam? - Trang thắc mắc. GS cho biết trước hết bản thân phải đảm đương trách nhiệm quan trọng, phải làm tròn vai ở chức vụ đương nhiệm tại Viện Nghiên cứu toán học cao cấp.

GS cho hay ngoài thời gian làm việc ở ĐH Chicago, trong ba tháng hè ông đều về nước làm việc, dù không có điều kiện sống trong nước nhiều nhưng ông vẫn thường xuyên trao đổi công tác đào tạo, nghiên cứu ở viện. Ngoài ra GS quan tâm các hoạt động xã hội trong nước, cùng phối hợp với một đơn vị mở quỹ tiếp sức ủng hộ các nhà khoa học có tên thú vị là quỹ “Hạt vừng”, phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ mở tủ sách khoa học.

“Dù còn nhỏ bé, khiêm tốn nhưng tôi kỳ vọng sẽ truyền được niềm đam mê đọc sách trong các bạn trẻ và tạo ra những cơ hội tốt hơn cho công tác nghiên cứu khoa học trong tương lai” - GS cho biết.

Chiếc áo chưa làm nên thầy tu

Theo GS Ngô Bảo Châu, các thủ khoa nên xem các danh hiệu chỉ là một phần nhỏ, không nên quá choáng ngợp trước những sự kiện vinh danh. GS chia sẻ hồi còn là học sinh, khi đi thi toán quốc tế GS đã phải gạt bỏ mọi sức ép về việc phải đạt thành tích quá lớn này nọ.

GS nhấn mạnh chuyện học giỏi và thành công trong cuộc sống là hai con đường khác nhau. Để thành công, ngoài học tốt cần phải biết vượt qua chính mình, vượt qua thách thức.

“Nên xem sự vinh danh đó đơn thuần là việc những người bạn, người thầy, xã hội ghi nhận và đem lại niềm tin cho bản thân mình, chứ không nên coi đó là một sức ép hay gánh nặng về danh hiệu trong cuộc sống. Hãy để những cái đã qua như một thứ hành trang giúp bạn vượt qua khó khăn” - GS Châu chia sẻ.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên