30/07/2011 07:13 GMT+7

Để lọt học sinh giỏi toán

VĨNH HÀ ghi
VĨNH HÀ ghi

TT - Đánh giá về thành tích sa sút của VN ở kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) 2011, thầy Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên - ĐHQG Hà Nội, cho rằng quy trình tuyển chọn học sinh hiện nay chưa tốt.

hSjhxUyG.jpgPhóng to

Đội tuyển toán VN dự thi IMO 2007 với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, đứng hạng ba toàn đoàn - Ảnh: Việt Dũng

Toán học VN tụt hạng là đáng lo ngại

Chúng ta không nên đổ lỗi cho đề thi khiến đoàn VN có kết quả thấp. Tụt xuống đến hạng 31 và sáu thành viên đều chỉ đoạt huy chương đồng, trong khi 50% số huy chương của giải là huy chương đồng thì không có gì để biện minh. Cũng với đề thi đó, nhiều đội tuyển nước khác giữ được vị trí của mình hoặc vượt lên, nhưng chúng ta thì rớt thảm hại so với chính kết quả của mình các năm trước đây.

Cho dù đề thi có những phần không phải thế mạnh của VN, nếu học sinh thật sự giỏi cũng sẽ không để kết quả sụt giảm như thế. Nhiều người nói việc chọn học sinh cho đội tuyển VN năm nay là “so bó đũa chọn cột cờ” do ngày càng ít học sinh có năng lực theo đuổi việc học toán, say mê toán. Nhưng là người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực đào tạo học sinh chuyên, tôi không đồng ý với quan điểm này.

Học sinh có năng lực xuất sắc vẫn rất nhiều, học sinh đam mê toán và sẵn sàng theo đuổi con đường toán học cũng còn nhiều. Vấn đề là chúng ta có tạo cho các em một niềm tin để theo đuổi con đường mà theo nhiều người nói là vất vả gian truân này không? Niềm tin phải được tạo dựng bởi sự công tâm, sự đánh giá chính xác, khách quan.

Tôi cho rằng sau kết quả thi IMO của đoàn Việt Nam bị sụt giảm, việc đầu tiên cần nghiêm túc xem xét lại là quy trình chọn lựa. Có một điều khiến tôi cũng như nhiều thầy cô giáo của các trường chuyên thấy kỳ lạ, khó lý giải là những em học sinh thật sự giỏi, có em từng đoạt giải thưởng cao trong kỳ thi IMO năm trước, lại bị loại ở vòng 2 khi tuyển chọn đội tuyển đi thi.

Ví dụ ở Trường THPT chuyên - ĐHQG Hà Nội có em Vũ Đình Long từng có huy chương bạc IMO năm trước, năm nay em Long đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhưng bất ngờ lại bị loại ở vòng 2.

Tương tự, một số em ở Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên Trần Phú Hải Phòng cũng là những học sinh được thầy cô giáo đặt nhiều hi vọng có tên trong đội tuyển đi thi quốc tế. Ở vòng 1 các em này đều có kết quả thi rất cao, nhưng sang vòng 2 đều bị loại. Tôi không dám kết luận gì vội vã về việc này, nhưng ở vị trí của những người thầy hiểu học sinh, hiểu việc chọn đội tuyển thì thấy năm nay VN đã bỏ lỡ nhiều học sinh có tiềm năng đoạt giải thưởng.

Từ thực tế này, tôi nghĩ đừng nên chỉ nhìn nhận việc “học sinh quay lưng với toán học” mặc dù việc này là đúng. Mà hãy bắt đầu từ kỳ tuyển chọn năm nay để quan tâm hơn đến băn khoăn trong quy trình tuyển chọn. Rõ ràng việc để lọt học sinh xuất sắc thì quy trình chọn lựa có những bất cập cần xem xét lại. Sâu xa hơn, nếu quy trình tuyển chọn không chính xác sẽ khiến những học sinh giỏi nhụt chí, chán nản, thiếu niềm tin vào người lớn.

Không nên dựa vào IMO để đánh giá toán học VN

Kết quả kỳ thi IMO dành cho học sinh phổ thông chỉ có thể là một thước đo tương đối về tiềm năng toán VN. Nó không thể hiện trình độ toán học của VN. Có khi tiềm năng chỉ mãi mãi là tiềm năng.

Trình độ toán học của Việt Nam phải được đánh giá thông qua các công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận chứ không phải là thành tích của học sinh phổ thông. Thật ra thành tích IMO các năm trước có được theo cách luyện “gà nòi” mang nặng bệnh thành tích. Nên coi kết quả này là tin vui, chúng ta được dịp nhìn mình đúng thực chất hơn.

Đừng dại mà nghiên cứu khoa học cơ bản

Học toán rất cực nhưng sự đãi ngộ chưa xứng đáng. Nếu bạn nào học giỏi thì có học bổng đi nước ngoài làm tiến sĩ. Nếu ở lại luôn thì làm việc và nghiên cứu tiếp. Ở nước ngoài làm toán có thể sống tốt, sống sướng. Còn về hoặc học ở Việt Nam thì quả thật khó khăn. Xong tiến sĩ cũng phải còng lưng chạy sô mới đủ tiền sống và lo cho gia đình. Nếu ở trường công thì khổ hơn, mỗi tiết dạy chỉ vài chục ngàn đồng, tết thì “thưởng” cầm mà muốn khóc. Trong khi bạn bè chung lứa làm kinh tế thì khác, nghe bạn bè bàn lương thưởng chỉ muốn cúi mặt, bỏ đi và buồn. Hứa với bản thân khi có con thì cố gắng khuyên con đừng “dại” mà vào sư phạm hay nghiên cứu khoa học cơ bản.

Cơm áo gạo tiền...

Thực tế, các bạn cùng lớp chuyên toán với tôi đều đã rẽ sang một hướng khác, đứa thì ngân hàng, đứa thì kinh tế, bách khoa, y dược... Cả lớp 36 thành viên mà chỉ còn lại ba đứa còn niềm đam mê toán học, theo học chuyên ngành toán tin ĐHKHTN... Ngay cả đứa bạn được thầy cô đánh giá cao cũng không còn hứng thú. Chung quy cũng chuyện cơm áo gạo tiền.

Không thể mãi là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới

Đọc các ý kiến so sánh với các nước mà đau lòng. Nền giáo dục các nước phương Tây cũng không phải không luyện gà nòi. Anh Ngô Bảo Châu lo ngại không chỉ về toán học mà về khoa học cơ bản nói chung. Khoa học không phát triển thì làm sao làm ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao? Chúng ta muốn làm “nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới” đến khi nào?

Phải mạnh về khoa học mới “phát triển bền vững”

Khoa học cơ bản là nền tảng của công nghệ, mà công nghệ là cốt lõi để đột phá phát triển kinh tế, chúng ta hô hào phát triển “đi tắt đón đầu” kinh tế mà không phát triển khoa học cơ bản thì cũng giống như xây nhà trên nền móng yếu, không thể bền vững được. GS Châu nói đúng, nước ta 80 triệu dân thì không thể là nước nhỏ được, mà muốn là nước lớn thật sự về kinh tế thì trước tiên phải mạnh về khoa học, có như thế mới “phát triển bền vững” được.

VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên