31/12/2010 11:32 GMT+7

Sáng kiến kinh nghiệm đừng trở thành khiên cưỡng

LÊ THƯỜNG XUÂN
LÊ THƯỜNG XUÂN

TTO - Chuyện mỗi giáo viên muốn đạt danh hiệu thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm là điều tồn tại lâu nay. Nó đương nhiên như việc dạy học của mỗi người làm nghề dạy học.

NxE6uPRk.jpgPhóng to
Giáo viên Trường tiểu học Hàn Hải Nguyên, Q.11, TP.HCM thuyết trình về đồ dùng dạy học tại hội thi cấp quận - Ảnh tư liệu

Sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên giỏi đi đâu?

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có phải năm nào giáo viên cũng có khả năng sáng tạo những điều mới mẻ để ứng dụng và tổng kết thành sáng kiến kinh nghiệm đều đặn hay không?

Trong tình hình dạy học hiện nay của mặt bằng giáo dục chung, bản thân mỗi giáo viên đã đảm nhận quá nhiều chức trách khác nhau. Riêng với sự phân ban của hai bộ sách giáo khoa hiện nay, ở bậc THPT có 3 khối lớp thì ít nhất mỗi giáo viên đã phải soạn bài cho hai khối dạy với thời lượng lên lớp 17 tiết/tuần theo chuẩn của bộ.

Bên cạnh đó họ còn phải làm công tác chủ nhiệm, nghĩa là lo lắng toàn bộ những “động tĩnh” của học trò lớp mình chủ nhiệm cùng với hàng loạt hồ sơ sổ sách, bồi dưỡng tập huấn theo đủ các chương trình. Đảm bảo được chương trình cho ngần ấy công việc đã là điều quá vất vả.

Những bản báo cáo kinh nghiệm của giáo viên đạt chất lượng chắc chắn phải qua một quá trình nghiền ngẫm, ứng dụng và đúc kết. Phải là những gì họ đã làm được, những gì họ rất tâm huyết mới đưa vào giảng dạy cho học trò của mình.

Hơn ai hết, những người đứng lớp hiểu rằng họ không thể đem học trò của mình ra thí nghiệm. Nên những cái gọi là sáng tạo phải qua một quá trình trăn trở cân nhắc. Để thực hiện được điều đó cần phải có thời gian.

Trước hết, người dạy cần có thời gian để nhận ra vấn đề khúc mắc trong quá trình dạy học của mình là cái gì, từ đó tìm ra những giải pháp thích hợp, sau đó mới thật cẩn trọng (rất cẩn trọng) đưa ra ứng dụng trong bài dạy cho học trò. Đôi khi một vấn đề không chỉ ứng dụng trong một lần dạy đã cho ra kết quả chính xác ngay, mà cũng với nó, người dạy đã phải làm đi làm lại biết bao nhiêu lần mới đi đến kết quả tạm gọi là hài lòng.

Nhưng thực tế hiện nay, hằng năm, nếu giáo viên nào muốn đạt danh hiệu thi đua đều phải đăng ký đề tài để báo cáo sáng kiến kinh nghiệm. Chỉ dạy tốt, dạy giỏi thôi chưa đủ. Điều kiện không thể thiếu vẫn là những bản báo cáo kinh nghiệm đó. Trong khi thực tế giáo viên đứng lớp không thể đóng vai trò nghiên cứu một cách liên tục được.

Đành rằng dạy học là một quá trình sáng tạo không ngừng, mỗi giáo viên cần phải có sự đổi mới nhưng không phải cứ lên lớp là nảy ra sáng kiến liền ngay trong từng khoảng thời gian bộn bề ngắn ngủi như vậy. Họ cần có thời gian để dạy chứ không phải để làm thay công việc của những nhà nghiên cứu giáo dục.

Trong khi đó, hiện nay mỗi giáo viên đăng ký danh hiệu thi đua phải liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hai năm liền, sau đó mới tiếp tục được đăng ký cấp tỉnh. Và tất nhiên cấp cơ sở đều phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Nên chăng, khi đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, mỗi giáo viên chỉ cần đăng ký đề tài ứng dụng nghiên cứu. Sau hai năm đạt danh hiệu ở cấp cơ sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện và đưa ra những kinh nghiệm quý giá của mình, xứng đáng với danh hiệu ở cấp cao hơn?

Như vậy sẽ giảm áp lực tìm ra cái mới để báo cáo dẫn đến sự báo cáo qua loa cho xong việc, mặt khác tạo được tính hiệu quả cho các công trình nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm thật sự cho mỗi giáo viên và tập thể nhà trường.

Mỗi người lao động trong tất cả các ngành nghề đều cần sự sáng tạo. Trong nghề dạy học lại càng cần sự sáng tạo không ngừng, bởi bên cạnh yêu cầu sự thay đổi để phù hợp với thời đại còn cần sự thu hút lôi cuốn người học. Hãy để mỗi người giáo viên hứng thú và đam mê công việc của mình, đừng trở thành nỗi ép buộc khiên cưỡng.

LÊ THƯỜNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên