11/10/2010 07:52 GMT+7

Trung Quốc: Lừa đảo học thuật đe dọa phát triển kinh tế

HẠNH NGUYÊN (Theo New York Times)
HẠNH NGUYÊN (Theo New York Times)

TT - Chuyện lừa đảo ở nước nào cũng có. Nhưng ở Trung Quốc, lừa đảo và dối trá trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học đang ngày càng lan tràn khiến người ta lo ngại sự phát triển kinh tế của nước này khó tiến xa.

NAvrtVzg.jpgPhóng to
Nhà văn Phương Thế Dân, người đã đưa ra những nhân vật giả mạo nghiên cứu khoa học của Trung Quốc trên website của mình - Ảnh: NYT

Không ai phản đối khả năng kinh doanh của Trương Vũ Bản, 47 tuổi. Qua các chương trình truyền hình, đĩa DVD, sách vở, ông đã thuyết phục hàng triệu người rằng ăn cà tím và đậu xanh có thể chữa các bệnh như vảy nến, tiểu đường, suy sụp tinh thần và cả ung thư. Ông Trương được coi là một trong những chuyên gia về đông y nổi tiếng nhất Trung Quốc, được bệnh nhân đăng ký khám bệnh đến hết năm 2012.

Nhưng khi giá đậu xanh tăng vọt vào năm nay, các phóng viên Trung Quốc bắt đầu quan tâm và đào bới cách bốc thuốc của ông. Họ phát hiện trái với những gì vẫn tuyên bố, ông không thuộc dòng cha truyền con nối (cha ông là thợ dệt), ông cũng không có bằng cấp ở Trường Y Bắc Kinh. Bằng cấp chính thức duy nhất mà ông có là khóa học báo chí ngắn hạn sau khi mất việc ở nhà máy dệt.

Sự chân thật ở đâu?

2.000 nhà khoa học đạo văn

Theo một khảo sát gần đây của Chính phủ Trung Quốc, có 2.000 nhà khoa học của sáu viện nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc thừa nhận đạo văn hoặc giả mạo số liệu nghiên cứu.

Một nghiên cứu khác do Hiệp hội Khoa học và công nghệ Trung Quốc thực hiện với 32.000 người cho thấy 55% người được hỏi khẳng định họ biết người phạm tội lừa đảo học thuật.

Việc phát hiện trò khai man của Trương đã khiến dư luận Trung Quốc đặt lại câu hỏi về chuyện các “học giả” của nước này, chuyện dối trá trong các kỳ thi của sinh viên, rồi chuyện đạo văn, giả mạo dữ liệu của các nghiên cứu sinh, cả chuyện công ty sữa bán hàng độc hại cho người tiêu dùng.

Họ cũng nhắc lại chuyện khi máy bay bị tai nạn làm 42 người thiệt mạng hồi tháng 8 vừa qua ở phía bắc Trung Quốc, người ta mới phát hiện 100 phi công làm việc cho công ty mẹ của hãng bay này đã giả mạo về thời gian bay của mình. Đó là chưa kể tới chuyện Đường Tuấn - tỉ phú, cựu chủ tịch Hãng Microsoft ở Trung Quốc, anh hùng quốc gia - không hề có bằng tiến sĩ ở Viện Công nghệ California như ông từng tuyên bố.

Trung Quốc đã dành nguồn tài nguyên lớn để xây dựng hệ thống giáo dục với tiêu chuẩn tầm quốc tế, và là nước đi đầu trong nghiên cứu ở các ngành mang tính cạnh tranh cao. Trung Quốc cũng có những thành công đáng kể trong nghiên cứu mạng máy tính, năng lượng sạch và công nghệ quân sự. Nhưng sự thiếu vắng lòng chính trực trong tính cách một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm chậm khả năng phát triển của nước này, ảnh hưởng lớn tới chuyện hợp tác của các học giả Trung Quốc và các đối tác quốc tế.

“Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng học thuật thế giới - Trương Minh, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói - (Các học giả) cần phải tập trung vào tìm kiếm sự thật, chứ không phải nghiên cứu để phục vụ một vài công chức có quyền, hay để thỏa mãn nhu cầu lợi nhuận cá nhân”.

Phục hồi lòng tin

Phương Thế Dân, nhà văn có tiếng của Trung Quốc và là người kêu gọi phục hồi lòng chính trực trong nghiên cứu học thuật, cho rằng vấn đề bắt đầu từ việc đưa những người không có chuyên môn làm lãnh đạo. Nếu có bằng cấp, có các nghiên cứu được xuất bản, họ sẽ được lương cao hơn, tiêu chuẩn nhà ở tăng, thăng chức. Ông Phương đã lật tẩy 900 người giả mạo nghiên cứu học thuật, trong đó có cả những người đứng đầu các trường học và các nhà nghiên cứu của quốc gia.

Ngoài ra, khi những người đạo văn bị phát hiện, hầu như không có chuyện gì xảy ra với họ, vì “bảo vệ danh dự cá nhân và mối quan hệ hữu hảo cũng là bảo vệ uy tín của cơ quan”. Bên cạnh đó, ít học giả đủ “sạch sẽ” để tự tin lật tẩy người khác. Tăng Quốc Bình, giám đốc Viện Khoa học công nghệ và xã hội ở Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho rằng nếu bị phát hiện đạo văn mà không ai bị xử lý thì chỉ giúp ngày càng có nhiều người lừa đảo hơn.

Ông đưa ra ví dụ trường hợp của Trần Kim, nhà khoa học máy tính từng tuyên bố đã tạo ra bộ vi xử lý siêu tinh vi, nhưng thật ra ông đã lấy con chip của Hãng Motorola, xóa tên và nói đó là của mình. Ông bị mất chức trong trường nhưng không bị truy tố. Khi mọi người thấy người bị buộc tội vẫn lái xe xịn ngạo nghễ mọi nơi thì chẳng ai còn sợ hãi nữa”.

HẠNH NGUYÊN (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên