Thế nào là trường ĐH được công nhận?Danh sách 112 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được cấp phépVàng thau chương trình nước ngoài: Nhiều đối tác “dỏm”Vàng thau chương trình nước ngoài: Ồ ạt liên kết
- Thực tế sau khi VN gia nhập WTO và chính thức tham gia Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), nguy cơ xâm nhập của các trường ĐH “gà rừng” mang theo nền giáo dục kém chất lượng vào VN đã được Bộ GD-ĐT cảnh báo tới các cơ sở giáo dục VN. Các trường ĐH chưa được kiểm định này đã vào VN chào mời các cơ sở giáo dục ĐH, và hầu hết các cơ sở đã thận trọng trong việc lựa chọn đối tác.
Một số cơ sở trước khi ký hợp đồng liên kết có liên hệ với Bộ GD-ĐT xin ý kiến về đối tác liên kết và đã được bộ tư vấn kịp thời. Một số ít cơ sở đã nộp hồ sơ liên kết đào tạo với đh “gà rừng”, Bộ GD-ĐT đã kiên quyết không cấp phép. Bộ GD-ĐT chưa cấp phép cho bất cứ cơ sở giáo dục nào liên kết với cơ sở giáo dục chưa được kiểm định chất lượng tại nước sở tại...
Không công nhận bằng cấp
* Nhưng những chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) với các đối tác nước ngoài chưa được kiểm định vẫn đang tồn tại ở VN. Những tấm bằng do CTLKĐT không được phép của Bộ GD-ĐT có được công nhận và có giá trị sử dụng hợp pháp ở VN hay không?
- Việc công nhận văn bằng được thực hiện theo quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định thủ tục và trình tự công nhận văn bằng của người VN do cơ sở nước ngoài cấp. Theo quyết định này, chỉ có văn bằng của các CTLKĐT được cấp phép đúng quy định mới được Bộ GD-ĐT công nhận.
Bộ GD-ĐT có quan điểm rõ ràng về vấn đề này: những CTLKĐT trái phép là vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm. Trước hết phải dừng tuyển sinh ngay lập tức, làm hồ sơ xin cấp phép theo đúng quy định và phải chịu phạt hành chính, đồng thời phải có các biện pháp để bảo đảm quyền lợi học viên. Căn cứ hồ sơ cụ thể, các cơ quan có trách nhiệm sẽ thẩm định chương trình, đánh giá đối tác và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Sau đó sẽ đưa ra giải pháp. Nếu chương trình không đảm bảo chất lượng, đối tác không được kiểm định thì bằng cấp sẽ không được công nhận.
* Vậy tại sao những CTLKĐT với nước ngoài không phép lại có thể hoạt động trong một thời gian dài một cách công khai, cấp bằng cho hàng trăm người học mà không bị cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ GD-ĐT, chấn chỉnh, xử lý, thưa ông?
- Thực tế, một số cơ sở không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT đã thực hiện CTLKĐT với nước ngoài mà không xin phép, không báo cáo bộ. Một số cơ quan không có chức năng đào tạo cũng thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài. Việc cấp phép các CTLKĐT với nước ngoài do nhiều đầu mối thực hiện (các ĐH quốc gia và ĐH vùng được Chính phủ phân cấp tự chủ và tự cấp phép các CTLKĐT với nước ngoài).
Thực tế trên làm Bộ GD-ĐT gặp nhiều khó khăn trong quản lý, giám sát và đánh giá. Để phát hiện và xử lý các chương trình liên kết trái phép, cần có sự phối hợp của các tổ chức và cơ quan chức năng, và điều cơ bản nhất là các cơ sở đào tạo trong nước phải làm đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi hoan nghênh các nhà báo trong thời gian qua đã giúp Bộ GD-ĐT phát hiện một số cơ sở liên kết đào tạo trái phép.
Thanh tra trong tháng 8
* Với những thông tin mà công luận đã phản ảnh về hàng loạt CTLKĐT trái phép đang hoạt động công khai, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để xử lý?
- Ngay từ đầu năm 2010, Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đã ra nghị quyết số 05 về đổi mới quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2012. Theo đó, việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được coi là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Mới đây nhất, ngày 3-8-2010, ngay khi có những thông tin trên báo chí về một số CTLKĐT chưa đúng quy định, bộ đã có quyết định số 3206/QĐ-BGDĐT về việc tổ chức kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài.
Trong tháng 8 này, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra 15 cơ sở, trong đó có một số cơ sở đã được báo chí nhắc tới trong thời gian gần đây. Với tình hình như hiện nay, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các CTLKĐT với nước ngoài và xử lý nghiêm các vi phạm.
* Một CTLKĐT với nước ngoài được Bộ GD-ĐT thẩm định như thế nào? Đối tác nước ngoài cũng như cơ sở đào tạo trong nước phải đạt được những điều kiện gì mới được cấp phép?
- Căn cứ quyết định số 7939/QĐ-BGDĐT ngày 20-11-2008, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao Cục Đào tạo với nước ngoài chủ trì, phối hợp với các vụ liên quan thuộc Bộ GD-ĐT như Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục ĐH, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ Kế hoạch - tài chính, Vụ Pháp chế để thẩm định các hồ sơ xin cấp phép các CTLKĐT. Khi thẩm định hồ sơ liên kết đào tạo, Bộ GD-ĐT xem xét các điều kiện liên quan đến tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thỏa thuận hợp tác và các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy, văn bằng, chứng chỉ, đội ngũ giảng viên và cơ chế xử lý rủi ro. Bộ chỉ cấp phép các chương trình liên kết với các trường ĐH nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài kiểm định và công nhận về chất lượng.
Trong một số trường hợp, chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của đại sứ quán VN ở nước ngoài để thẩm định về tư cách pháp nhân của các trường ở nước ngoài.
Về liên kết đào tạo với nước ngoài, để các cơ sở giáo dục và người học có đầy đủ thông tin, trong thời gian qua Bộ GD-ĐT đã đăng tải trên website hướng dẫn chi tiết việc chuẩn bị hồ sơ xin phép liên kết đào tạo cùng các văn bản pháp quy về điều kiện để được thực hiện liên kết đào tạo, thủ tục xây dựng CTLKĐT với nước ngoài. Bộ cũng công khai danh sách 112 CTLKĐT đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt (không tính các CTLKĐT do các ĐH vùng và ĐH quốc gia cấp phép cho các trường thành viên). Danh sách các CTLKĐT với nước ngoài sẽ thường xuyên được cập nhật để các cơ sở đào tạo và người học có thông tin kịp thời và đầy đủ nhất. Để có thông tin về một số chương trình học bổng và các CTLKĐT do Bộ GD-ĐT cấp phép, xin các bạn truy cập trang thông tin điện tử của Cục Đào tạo với nước ngoài http://www.vied.vn/ và của Bộ GD-ĐT http://www.moet.gov.vn/, hoặc viết thư về hộp thư điện tử: phongduan@vied.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận