Phóng to |
Các giấy chứng thực của tiểu bang, ngoại trưởng bang và bộ ngoại giao liên bang hoàn toàn không có ý nghĩa xác định giá trị của văn bằng |
Theo TS Mark A.Ashwill - nguyên giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE), có sự khác biệt lớn giữa phê duyệt và công nhận. Trong đó, được phê duyệt (approved) đơn giản chỉ là cho phép đơn vị đó hoạt động - việc này hoàn toàn do tiểu bang xem xét. Còn được công nhận (accredited) có nghĩa là cơ sở giáo dục được một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công nhận. Đây mới là một quy trình đánh giá toàn diện, nghiêm ngặt.
Các đơn vị đào tạo sẽ được kiểm tra về mọi mặt để xác nhận sự hoạt động của nó là có giá trị, cho ra những văn bằng có chất lượng.
Từ Mỹ, ông Alan Contreras - phụ trách hành chính đơn vị cấp bằng Hội đồng giúp đỡ sinh viên bang Oregon - khẳng định với Tuổi Trẻ: “Bằng được cấp từ các trường ĐH, CĐ không được công nhận có phạm vi sử dụng cực kỳ hạn chế. Nó không thể sử dụng để xin việc tại các cơ quan công quyền cũng như trong hầu hết những công việc đòi hỏi đến chuyên môn, nghiệp vụ rõ ràng”.
Danh sách còn dài hơn Tuổi Trẻ vừa có cuộc tiếp xúc với đại diện Trung tâm tư vấn giáo dục thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Đây là đơn vị duy nhất có chức năng tư vấn giáo dục do Chính phủ Mỹ ủy thác và hoạt động theo tiêu chí không lợi nhuận. Theo trung tâm này, hiện ở Mỹ có hơn 4.000 trường ĐH. Trong đó, một số trường đang vào VN dưới hình thức liên kết đào tạo. Những trường này hoạt động độc lập, họ tự đặt mối quan hệ liên kết với các trường ĐH hoặc tổ chức giáo dục ở VN để đào tạo vì lợi nhuận. Các trường ĐH của Mỹ khi muốn kinh doanh ở nước ngoài thì xin giấy phép của bang để mở văn phòng. Chính phủ và Bộ Giáo dục Mỹ không can thiệp hoạt động đào tạo của các trường ĐH này ở nước ngoài. Riêng tại VN, sứ quán Mỹ khẳng định trung tâm tư vấn giáo dục của họ không liên quan đến các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Mỹ và VN. Về danh sách 21 trường ĐH hiện có mặt tại VN không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Mỹ mà Tuổi Trẻ đã đăng ngày 30-7, phía trung tâm tư vấn giáo dục Mỹ khẳng định thông tin trên báo là chính xác và danh sách này có thể còn dài hơn chứ chưa dừng lại ở con số 21 trường. Ngoài ra, Tuổi Trẻ còn có danh sách gần 40 cơ sở kiểm định ĐH, CĐ không được Chính phủ Mỹ công nhận (mời xem chi tiết danh sách trên tuoitre.vn). |
Theo luật pháp Mỹ, bất cứ trường học nào đều phải có giấy phép trước khi có được xét công nhận hay không. Vì vậy, tất cả các trường đều có giấy phép nhưng rất nhiều trong số đó không bao giờ được công nhận.
Điều quan trọng là người học cần tỉnh táo, nhận biết một cách rõ ràng: có giấy phép kinh doanh (business license) không đồng nghĩa với việc cơ sở đó đủ điều kiện hoạt động với tư cách của một đơn vị đào tạo, cấp những tấm bằng được công nhận.
“Có rất nhiều trường CĐ, ĐH “dỏm” sẵn sàng chìa ra giấy phép kinh doanh của Mỹ, bằng tiếng Mỹ. Hãy cảnh giác vì như thế chưa đủ để kết luận về tiêu chuẩn thật sự của một trường ĐH” - ông Alan cảnh báo.
Tuy nhiên, theo ông Alan, luật pháp nước Mỹ chỉ áp dụng được trong phạm vi hoạt động bên trong nước Mỹ. Các trường ĐH thường xin giấy phép tại bang, rất hiếm khi xin ở cấp quốc gia. Giống như Canada hay Úc, Chính phủ Mỹ không có nhiệm vụ quản lý đối với những tấm bằng được cấp ở bên ngoài biên giới từ những trường “dưới tiêu chuẩn” đó. Ngay cả đối với các trường đã có giấy phép hay đã được công nhận đi chăng nữa, việc kiểm soát, đổi mới công nhận theo kế hoạch cũng chỉ thuộc phạm vi giải quyết của các tiểu bang.
TS Mark A.Ashwill - người đã lập ra danh sách các trường ĐH không được công nhận - cho rằng ngay cả khi có cái gọi là “được công nhận”, nhiều khi đơn vị công nhận không phải là một tổ chức uy tín, không được thừa nhận bởi các tổ chức giáo dục chính thống khác.
Phòng giáo dục sau trung học dành cho các trường tư nhân (BPPE) tại bang California vẫn thường xuyên làm nhiệm vụ “phê duyệt” cho không ít trường học và thực chất đã phê chuẩn cho nhiều trường của bang California, nhưng các trường này rốt cục đều không được các tổ chức kiểm định chính thống công nhận. Thực tế, BPPE là một bộ phận của... Vụ Người tiêu dùng.
Trường có nhu cầu chỉ cần điền các thông tin của nhà trường vào một mẫu đơn có sẵn rồi tình nguyện trả một khoản phí 5.000 USD là xong!
Cảnh giác với “chứng thực Bộ Ngoại giao”
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, học viên của lớp học trực tuyến một trường ĐH được nêu trong danh sách còn được khuyến cáo nếu có nhu cầu cần chứng thực của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì phải đóng thêm 1.200 USD (trong khi học phí cho toàn khóa học MBA này chỉ tốn 3.000-4.000 USD!).
Song khi trao đổi thông tin này với ông Alan Contreras, ông khẳng định cái được quảng cáo là “chứng thực” chỉ đơn giản là ghi chú bên lề của Bộ Ngoại giao Mỹ. “Điều này vô nghĩa, vì nó chỉ dùng để chứng nhận tờ giấy bằng cấp đó của đơn vị đào tạo đó, chứ không phải là cơ sở để khẳng định chất lượng của trường học được nêu”.
Ông Alan còn cho biết thêm tại bang Oregon để lấy được ghi chú của thư ký bang lên bất kỳ văn bằng nào, chỉ cần trả thêm 10 USD. “Nó chỉ có tác dụng chứng nhận giấy tờ đó là của trường đó thôi, nên ai định trả cả nghìn USD cũng không khác gì”.
TS Mark Ashwill còn dẫn chứng về trường hợp Trường ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic International University) thuộc bang Hawaii - trường mà ngay trên website của tiểu bang này cũng cho là được công nhận bởi Ủy ban Công nhận quốc tế (ACI: http://www.accreditnow.com).
Trên thực tế, ACI là một đơn vị thẩm định không được chấp thuận, nếu như không muốn nói đó là “một nhà máy chuyên... công nhận”. Họ sẵn sàng công nhận “giá trị” đào tạo cho các trường với yêu cầu chi khoảng 2.300 USD để lo mọi công đoạn từ A đến Z.
Nguy hại hơn, một số trường còn tự tạo ra một bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định rồi quay ngược lại... tự phê chuẩn, công nhận cho chính mình.
Singapore có chứng nhận mới về giáo dục Tại Singapore, một chứng nhận mới áp dụng cho các tổ chức giáo dục tư nhân của nước này vừa ra đời mang tên EduTrust. EduTrust là chứng nhận dành cho các trường tư thục tại Singapore có đủ điều kiện tuyển sinh và giảng dạy học sinh quốc tế. EduTrust bảo vệ quyền lợi của học sinh về vấn đề học phí được hoàn trả đúng cho học sinh và bảo đảm về chất lượng quản lý của trường, cũng như các dịch vụ dành cho học sinh tại trường. Bảy đơn vị giáo dục đầu tiên của Singapore đạt được chứng nhận EduTrust bốn năm là At - Sunrice Academy, East Asia Institute of Management, Parkway College of Nursing and Allied Health, PSB Academy, Singapore Institute of Management, Singapore Institute of Materials Management và TMC Academy. Ngoài ra còn có 13 trường khác đạt EduTrust một năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận