02/06/2010 13:43 GMT+7

Gợi ý bài giải môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010

TRẦN HỒNG ĐƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC HÙNG (TT BD VH & LT ĐH Vĩnh Viễn)
TRẦN HỒNG ĐƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC HÙNG (TT BD VH & LT ĐH Vĩnh Viễn)

TTO - Tuổi Trẻ Online mời các bạn thí sinh xem gợi ý tham khảo bài giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010 chương trình dành cho thí sinh giáo dục THPT (những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo).

Đề thi môn VănGợi ý bài giải môn Văn kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT 2010Đề Văn vừa dễ vừa quenHồi hộp buổi thi đầu tiênHôm nay, hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT

AagD7sRb.jpgPhóng to
Các thí sinh vui mừng khi hoàn thành xong phần thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi trường THPT Phú Nhuận, TPHCM - Ảnh: Minh Đức

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010Môn thi : NGỮ VĂN - Gíao dục trung học phổ thông

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

Câu 2 (3,0 điểm)Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

II. Phần riêng - Phần tự chọn (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục - 2008)

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)Phân tích đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh :

Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ (Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, tr.122 - 123, NXB Giáo dục - 2008)

BÀI GIẢI GỢI Ý

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1 : Những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

- M. Sô-lô-khốp sinh tại vùng thảo nguyên sông Đông tỉnh Rô-Xtốp nước Nga trong một gia đình nông dân nghèo, nghỉ học sớm, tham gia phong trào cách mạng ở địa phương - Năm 1922 (17 tuổi) lên thủ đô Mác-xcơ-va kiếm sống bằng đủ nghề mong thực hiện giấc mơ văn chương. Năm 1928, với quyển I "Sông Đông êm đềm" đã khẳng định tài năng văn chương (đến năm 1940 hoàn chỉnh tác phẩm 4 tập). Ông đã tự học, đọc sách nhiều, nên tiểu thuyết của ông là công trình kiến thức uyên bác. Ông được bầu làm Viện sĩ hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1939. Trong thế chiến thứ 2, ông tham gia hồng quân Liên Xô (phóng viên chiến trường) chống phát xít Đức. Sau chiến tranh tiếp tục viết về cuộc sống con người vùng sông Đông. Ông được nhận giải Nobel văn chương năm 1965.

- M. Sô-lô-khốp là nhà văn hiện thực Nga lỗi lạc thế kỷ XX. Nổi bật nhất là thể loại tiểu thuyết như :Sông Đông êm đềm 4 tập (1927 - 1940) Đất vỡ hoang 2 tập (1932 - 1959)Số phận con người (1957)

Câu 2. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

a. Yêu cầu học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, biết cách trình bày những suy nghĩ của mình về hiện tượng xã hội trong đời sống quanh ta. Ở đây là về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay. Bài làm ngắn gọn, bố cục rõ ràng, lý lẽ kết hợp với dẫn chứng, văn viết diễn đạt mạch lạc, trong sáng.

b. Thế hình trong bài làm:

1. Xã hội hiện nay trong một bối cảnh đất nước rộng mở, năng động, phát triển kinh tế, hòa nhập toàn cầu, tuổi trẻ tập trung trong học tập nắm bắt tri thức như chìa khóa vào đời là tốt, nhưng cả xã hội quan tâm đến tình cảm yêu thương con người, ý thức trách nhiệm với cộng đồng của tuổi trẻ hiện nay.

2. Tình yêu thương con người là phẩm chất cao quý, sáng ngời giá trị nhân văn của mỗi con người chúng ta, phát xuất từ tình yêu những người ruột thịt : cha mẹ, anh em, họ hàng cô bác rồi đến cộng đồng người trong xã hội nói chung. Đó là một truyền thống nhân đạo của cha ông ta "Thương người như thể thương thân".

* Tuổi trẻ trong xã hội hiện nay cũng đã thể hiện được tình yêu thương con người. Đó là tình người trong cuộc sống.

- Những đứa con trong gia đình biết vâng lời cha mẹ, thương yêu anh chị em, chăm ngoan trong học tập, lễ phép với thầy cô, … đó là biểu hiện của sự yêu thương và trách nhiệm.

- Những học sinh, sinh viên không những lo đèn sách, học tập văn hóa, thâu lượm kiến thức, mà họ còn tham gia nhiều hoạt động xã hội như : Chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, … đó là biểu hiện tốt đẹp của tình yêu thương con người.

- Thậm chí trong thế hiện trẻ hiện nay, có những bạn trong hoàn cảnh khó khăn, những thanh thiếu niên khuyết tật, họ không những vượt lên chính mình để sống, mà họ còn chia sẻ lo cho bao người : ta có giấc mơ đẹp của Thúy, chim cánh cụt Đất Việt của Chánh Quân, giám đốc một ngón tay Phan Quốc Hùng, … tuổi trẻ trong xã hội hiện nay đẹp biết bao ! Họ để lại một niềm tin, tấm gương sáng cho bao người noi theo.

* Tuy nhiên, có một bộ phận giới trẻ trong xã hội hiện nay còn ăn chơi lêu lỏng, không những không thể hiện tình yêu thương đối với cha mẹ, những người ruột thịt luôn lo lắng quan tâm cho mình, thậm chí nhưng bạn ấy còn hỗn láo với cha mẹ, đánh cả thầy cô giáo và bạn học, bạo hành trong nhà trường, … ngoài xã hội thì họ còn đua xe, đánh võng đùa giỡn trước bao sinh mạng con người. Một số ít bạn còn nghiện ngập, trộm cắp, giết người, họ sống thật ích kỷ. Những người trẻ ấy thật đáng phê phán, đáng lên án.

- Mặt khác trong xã hội hiện nay, nhìn chung tuổi trẻ sống còn dửng dưng, bàng quang vô cảm với những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh quanh ta, họ chưa thực sự dũng cảm như Lục Vân Tiên để biểu hiện tình người.

3. Lòng yêu thương con người của tuổi trẻ hiện nay đã biểu hiện phong phú trong một xã hội rộng mở, phát triển, hòa nhập, họ ngấm ngầm phát huy tình người trong truyền thống nhân đạo của dân tộc, nó không được thể hiện tập trung, quyết liệt như khi có kẻ thù đến xâm lược, giày xéo dân tộc mình. Tuy nhiên cả xã hội vẫn quan tâm, lo lắng về một bộ phận tuổi trẻ còn sống thờ ơ, bàng quang, vô cảm với những con người, cuộc sống quanh mình.

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Câu 3.a.

I) Yêu cầu: Học sinh biết làm bài văn nghị luận phân tích những đặc điểm của nhân vật trong tác phẩm tự sự, bố cục chặt chẽ, văn viết trong sáng.

II) Bài làm thể hiện những ý chính :

1. Nguyễn Thi (1928 - 1968), là cây bút văn xuôi hiện thực xuất sắc trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm viết về đất và người Nam Bộ. Những đứa con trong gia đình đã thể hiện rõ điều đó. Đặc biệt nhân vật Việt được tác giả khắc họa thật sinh động và giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ cứu nước.

2. Phân tích nhân vật Việt :

a) Việt - chàng trai Nam Bộ mới lớn với những phẩm chất hồn nhiên : - Giữ trong mình cái ná thun từ thuở nhỏ dù đã cầm súng đi đánh giặc. - Khi bị thương nặng trong đêm tối giữa rừng sâu, không sợ chết mà sợ ma. - Tranh giành với chị Chiến từ việc đi soi ếch đến việc lập chiến công, giành đi bộ đội với chị.

Việt là một hình ảnh sinh động của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống đời thường những năm kháng chiến chống Mỹ.

b) Việt - mang tình cảm gia đình sâu nặng, sâu sắc : - Thương mẹ, thương chị, thương chú Năm. Qua dòng hồi tưởng của Việt, hình ảnh người mẹ đã mất đã hiện lên qua người chị. Thương chị nhưng tính còn trẻ con nên giấu chị với đồng đội.

Tình thương yêu của Việt đối với mẹ, chị là vô bờ bến, đó là động lực giúp Việt cầm súng đánh giặc để trả thù nhà.

c) Việt - mang phẩm chất người anh hùng : - Gan góc, chiến đấu với tất cả sức mạnh thể chất và tinh thần, với ý chí và truyền thống của gia đình cách mạng. - Dũng cảm cùng chị bắn cháy tàu giặc. - Dù bị thương nặng, đói khát, dù tỉnh dù mê, dù kiệt sức vẫn sẵn sàng chiến đấu.

Việt mang phẩm chất anh hùng cách mạng của thanh niên thời chống Mỹ cứu nước.

III) Qua dòng hồi tưởng của chính nhân vật Việt, nhà văn Nguyễn Thi đã khắc họa thành công nhân vật Việt với những phẩm chất đẹp đẽ: trẻ trung, tình yêu thương gia đình sâu nặng, gan dạ. Việt thật đáng yêu nhưng cũng rất mực dũng cảm anh hùng. Nếu câu chuyện của gia đình Việt là một “dòng sông”, thì Việt là “khúc sông sau”. Việt tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, của dân tộc Việt Nam trong thời đại chống Mỹ cứu nước.

Câu 3.b.

Giới thiệu chung về tác giả, bài thơ, đoạn thơ và hình tượng, cần nhấn mạnh- Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ nữ thới kháng chiến chống Mĩ. - Xuân Quỳnh có nhiều đóng góp trong mảng thơ tình yêu.- Nêu đặc điểm thơ Xuân Quỳnh- Xác định vị trí và nội dung đoạn thơ.

Phân tích nội dung 2 đoạn thơ.2.1 Sóng là bài thơ tình yêu thời chiến và ở đó người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình – người phụ nữ Việt Nam khi yêu: chân thành, da diết, tận tuỵ, thuỷ chung và tin tưởng ở tin yêu dù “muôn vời cách trở” .

2.2 Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ; là ẩn dụ cho tình yêu và khát vọng cao đẹp của tâm hồn người phụ nữ.

Khát vọng một tình yêu cao đẹp; và khát vọng một tình yêu muôn thuở.3.1 Khát vọng một tình yêu cao đẹp :- Mượn tính chất và quy luật của sóng để nói về khát vọng trong tình yêu con người.+ Cái dữ dội của sóng biển như sự mãnh liệt trong tình yêu con người.+ Sự dịu êm của sóng như những phút giây êm đềm trong tình yêu.+ Cái ồn ào của sóng như sự sôi nổi khi yêu.+ Khi sóng lặng lẽ như sự suy tư, trăn trở để bồi đắp trong tình yêu.

- Biểu hiện của tình yêu cao đẹp+ “Sông không hiểu nổi mình” có nghĩa là không hiểu nổi sóng vì sự giới hạn chật hẹp của sông, không đủ sức chứa hết những sác thái phong phú của sóng và như một tất yếu, “sóng tìm ra tận bể”, bởi lẽ chỉ có đại dương bát ngát, bao la mới đủ cho sóng phô diễn hết sác thái và vẻ đẹp của mình.== cũng vậy, một tâm hồn tầm thường làm sao nuôi dưỡng được một tình yêu cao đẹp. vì thế, ngay khổ thơ đầu, cái tôi trữ tình đã bộc lộ một khát vọng về tình yêu đẹp.

3.2 Khát vọng một tình yêu muôn thuở

- Nhà thơ không nói con sóng “ngày xưa – ngày nay”, mà nói “ngày xưa – ngày sau” như khẳng định sự muôn đời và tình yêu cũng vậy sẽ mãi tồn tại với con người và nhân loại.

- Nhà thơ quan niệm tình yêu gắn liền với tuổi trẻ “nỗi khát vọng tình yêu; bồi hồi trong ngực trẻ” . có thể liên hệ với câu thơ của Xuân Diệu “Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo; Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”.

== sự nồng nàn, sôi nổi , hồn nhiên và phóng khoáng trong tình yêu.

4. Đánh giá chung:

- Hai khổ của bài thơ “Sóng” tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh.- Những sáng tạo mới mẻ, bất ngờ tạo nên sắc thái biểu cảm và gợi nhiều liên tưởng sâu sắc.- Cái tôi trữ tình với khát vọng về một tình yêu cao đẹp và phẩm chất tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.

TRẦN HỒNG ĐƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC HÙNG (TT BD VH & LT ĐH Vĩnh Viễn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên