16/11/2009 07:10 GMT+7

Lớp học không tiếng nói

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Sáng chủ nhật tại Trường tiểu học Lý Nhơn (Q.4, TP.HCM), một lớp học 50 người nhưng không có tiếng giảng bài mà chỉ là những thanh âm ú ớ.

Lớp học không tiếng nói

TT - Sáng chủ nhật tại Trường tiểu học Lý Nhơn (Q.4, TP.HCM), một lớp học 50 người nhưng không có tiếng giảng bài mà chỉ là những thanh âm ú ớ.

Trên bục giảng, một cô giáo tóc bạc trắng liên tục sử dụng những ký hiệu ngôn ngữ và các biểu cảm trên gương mặt để giải thích những từ được viết trên bảng. Đó là lớp học tình nguyện dành cho những người khiếm thính.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375383
Cô Thu Xương (bìa trái) đang giảng dạy tại lớp khiếm thính - Ảnh: M.Lăng

22 năm trước, Lê Thị Thu Xương, cô giáo trên bục giảng kia, hoàn toàn là một người bình thường. Cô vốn là giáo viên dạy mẫu giáo ở Q.4.

Cô giáo “câm”

Năm 1987, cô đột nhiên mất tiếng. Đi khám, cô ngỡ đất dưới chân mình là vực thẳm khi bác sĩ kết luận: mất âm thanh vĩnh viễn và không thể tiếp tục dạy học được nữa! Năm đó cô mới 33 tuổi.

“Khi nghe bác sĩ thông báo về kết quả, tôi ngỡ ngàng đến nỗi không tin, không bao giờ nghĩ mình bị câm. Nhưng sự thật khủng khiếp ấy làm tôi không thể dối lòng mình được nữa. Tôi cố nói, cố hết sức mà không ai nghe được. Tôi phải dùng đến tay để chỉ trỏ. Tôi nuốt nước mắt bắt mình phải quen với cuộc sống của một người bình thường bỗng nhiên bị câm.

Sẽ dạy đến phút cuối cùng

Bác sĩ cho biết bệnh của cô chỉ sống được khoảng hai năm nữa... “Tôi sẽ dạy đến phút cuối cùng” - cô giáo với mái tóc bạc trắng khẳng định mạnh mẽ. Cô vừa xin được dạy thêm một lớp vào tối thứ hai và thứ tư để học trò có nhiều thời gian học hơn. “Chỉ học một buổi sáng chủ nhật thì ít quá. Nhiều em đi làm cả ngày đó lại không có điều kiện đi học, tội lắm” - cô nói. Đôi mắt hằn vết thời gian chợt long lanh như muốn khóc.

Những tuần đầu tiên tôi như người điên, cứ khóc ngất đi khi nghĩ đến chuyện mình vĩnh viễn không thể đi dạy được nữa dù đó là ước mơ từ nhỏ, là công việc mình yêu thích. Suốt một năm ròng tôi tuyệt vọng, khóc đến bạc trắng đầu. Tôi không biết phải làm gì để sống.

Nhìn mọi người xung quanh được nói chuyện, được cười đùa, tôi đau lắm, nhiều lúc chỉ muốn chết cho rồi. Đang nói cười bình thường lại tự nhiên bị câm, người ta mới biết được nói được cười sung sướng như thế nào” - cô Thu Xương khẽ nhăn mặt khi nhớ lại chuỗi ngày khủng khiếp ấy.

Đi tái khám, bác sĩ phát hiện cô mắc thêm bệnh lao phổi! Cô bị cách ly hoàn toàn. Lúc đó, nhà cô còn ở trên một bờ sông của Q.4. Uống thuốc hơn một năm thì hết bệnh lao. Nhưng hàng xóm không còn ai nhớ tên cô giáo Xương nữa mà gọi là “cô giáo câm”.

“Suốt ngày một mình nằm bẹp trên căn gác thê lương lắm! Bố mẹ đã gần đất xa trời. Chị em người nào cũng có cuộc sống riêng. Tôi phải tìm việc tự nuôi sống mình, không thể ở nhà ngồi không mãi được. Tôi lang thang quanh thành phố tìm việc, những việc không phải nói như văn thư văn phòng, đánh bản thảo, làm tạp vụ... Dù tiền lương chẳng bao nhiêu nhưng cũng làm tôi có cảm giác được sống, vẫn còn khả năng làm việc bằng sức lao động của mình và khuây khỏa” - cô Thu Xương kể lại.

Được một người bạn giới thiệu, cô vào làm đánh bóng sơn mài ở một cơ sở tận cầu Kinh (Q.Bình Thạnh). Buổi sáng, cô đạp xe từ Q.4 đến Q.Bình Thạnh mất hơn một giờ để làm việc. Làm được ba năm, bị dị ứng sơn, cô Xương xin về cân bánh mứt ở chợ Bến Thành, một ngày được trả công 5.000 đồng.

Năm 1992, một học trò cũ giới thiệu cô về làm tạp vụ ở văn phòng của một hãng hàng không. Suốt năm năm trời, cô giáo Thu Xương ngày xưa lại gò lưng kiên nhẫn đạp xe từ Q.4 sang Q.Tân Bình làm việc. Cô sống như một người câm thật sự cho đến tám năm sau, tình cờ gặp một thanh niên người Mỹ cảm thương hoàn cảnh và mua tặng cô chiếc máy, khi đưa vào dưới cằm (bên ngoài thanh quản) có thể phát ra âm thanh. Từ đó, cô mới được nghe lại giọng nói của mình.

“Thấy mình làm cực mà lương thấp quá, năm 2001 tôi đăng ký học một lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu. Lúc đó tôi học chỉ vì muốn đi dạy để kiếm tiền nuôi bản thân”, cô Thu Xương cười hóm hỉnh khi nhớ lại mục đích ban đầu của việc học ngôn ngữ dành cho người khiếm thính.

Lớp học (vốn là CLB Khiếm thính TP.HCM) không ai biết cô từng là một người rất bình thường. Những ngày đầu học ngôn ngữ ký hiệu là những thử thách mới. Ngón tay cô Xương cứ cứng ngắc. Khó nhất là học cách “nói” chữ H vì ngón tay cô không khép lại được, cứ lẫn lộn vị trí để ngón tay giữa ở trong hay ngoài ngón trỏ.

“Vì học mà không có lời giảng, chỉ toàn bằng động tác, cử chỉ nên tôi theo vất vả lắm. Quanh mình ai cũng bị câm và khiếm thính nên không thể nào hỏi được nếu không hiểu hoặc không nhớ”, cô Xương bảo. Gần một tháng sau, cô giáo tình nguyện dạy lớp mới biết người học trò đã 47 tuổi kia từng là một giáo viên. Mới học được một tháng thì cô giáo bị ốm nên nghỉ dạy. Cô Thu Xương được nhờ lên bảng viết bài và... giữ lớp.

“Lúc đó, chữ cái tôi còn ra dấu chưa nhuần trên bàn tay. Khi cô Thanh Hải (giáo viên lớp bên cạnh) cứ chạy qua chạy lại giữa hai lớp để dạy, tôi ngồi dưới quan sát và ráng nhớ cách ra dấu. Tôi thấy cô trẻ, còn bao thứ phải lo mà có tâm quá. Tự nhiên tôi thấy muốn được dạy như cô. Thế là tôi quyết tâm học ngôn ngữ ký hiệu chỉ vì muốn cô giáo đỡ cực” - cô Thu Xương chia sẻ rất chân thành về ý định ban đầu của mình.

Cô bảo: “Dần dần khi đã thân thân rồi, tôi hỏi những người trong lớp tên gì, họ loay hoay lôi ra... chứng minh nhân dân cho tôi xem. Càng tiếp xúc tôi mới thấy tỉ lệ mù chữ của người khiếm thính rất cao. Cảm giác xót xa và thương thương cứ đeo đẳng suốt. Tôi nghĩ chẳng lẽ họ đã không nghe không nói được lại thêm một cái khổ là không biết chữ? Họ không có người tâm sự, chia sẻ thì biết giãi bày với ai?”.

Quyết định bất ngờ

Trăn trở ấy đã mang đến cho cô Xương sự quyết định rất nhẹ nhàng, nhanh chóng khi cô giáo viên đứng lớp nghỉ dạy hẳn. Chỗ trống chưa tìm được người thì chính Thu Xương đã đề nghị cho mình được...đứng lớp. Ngày đầu tiên dạy, cô Xương viết bài xong rồi... đứng như Từ Hải vì chưa biết ra dấu. Cô cứ chỉ qua lớp cô Hải đang dạy bên cạnh với ngầm ý: đợi cô Hải qua!

Sau “tai nạn” đó, cô về nhà đóng cửa phòng đứng trước gương cả buổi tập ra dấu. Từ đó, ngày nào cô cũng đi sớm nửa giờ, cuối buổi nấn ná ở lại nhờ cô giáo Thanh Hải dạy thêm. Thỉnh thoảng cô Hải còn đạp xe từ Q.Bình Thạnh sang Q.4 để dạy thêm cho học trò. Kiên trì một thời gian ngắn, cô đã sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ ký hiệu như một người khiếm thính thật sự!

Thời gian đầu dạy học trò không hiểu. Hai ngày sau hỏi lại từ, học trò không viết được. Cô buồn và giận bản thân mình. Tại sao dạy mà học trò không hiểu? Mãi cô mới biết khả năng tiếp thu của người khiếm thính chậm hơn người bình thường. Từ đó cứ một tuần cô dạy lặp lại một từ. Cô bảo: “Lúc đầu tôi ra dấu để học trò viết chữ. Sau đó bắt họ giải thích lại bằng dấu. Các em hay quên nên phải nhắc lại nhiều lần. Mừng nhất là học trò mình bây giờ đã biết viết chữ. Cô và trò có thể tâm sự với nhau nhiều hơn. Khó nhất là khi giải thích những từ trừu tượng như tính từ chẳng hạn. Dù có giải thích đến đâu, học trò chỉ hiểu được 30% và giỏi lắm là 50%. Lúc đó mình phải sử dụng những ví dụ mà các em có thể cảm nhận được nhiều nhất”.

Sáu năm đầu dạy ở cơ sở Trường mẫu giáo Anh Minh (Q.Bình Thạnh). Đến năm 2007 thì chuyển về Trường Hồ Hảo Hớn (Q.1) và cơ sở 2 của ĐH Mở TP.HCM. Hai năm sau, lớp học lại dời địa điểm về Trường tiểu học Lý Nhơn (Q.4). Ba lần thay đổi địa điểm cơ sở của lớp học, chính cô Xương là người đi mượn địa điểm và thuyết phục được miễn phí hoàn toàn.

Cô Xương phải tranh thủ làm thêm để có thu nhập. Cứ 5g mỗi ngày, cô đi bộ ra trạm xe buýt đón tuyến từ Q.4 đến Q.Tân Bình làm tạp vụ. 9g xong việc lại về nhà đan khăn quàng cổ, làm móc khóa, dây đeo thẻ... Cô còn nhận giặt quần áo, lau nhà... theo giờ cho một vài gia đình trong chung cư H1 (đường Hoàng Diệu, Q.4) để kiếm thêm thu nhập.

Không gia đình, không con cái, cô giáo ấy hiện ở cùng nhà người em gái ở chung cư H1 (do được đền bù giải tỏa). Bệnh tật cứ nối tiếp nhau ập đến. Hết bị sỏi ở túi mật lại bị khối u buồng trứng! Cô nói mình bị ung thư đường mật mà cười như không.

“Sống chết là chuyện không tránh khỏi. Cứ lo một ngày nào đó mình chết làm gì cho khổ tâm. Tôi chỉ nghĩ sống được ngày nào thì ráng sống thật vui vẻ ngày đó. Nếu bắt tôi ngưng dạy, ngưng làm thì cho ngưng thở luôn chứ nếu sống mà không được dạy, không được làm thì cuộc sống này mất hẳn ý nghĩa” - cô nói rất nhẹ nhàng.

MY LĂNG

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên