28/05/2004 05:24 GMT+7

Đừng để bất ngờ "cá chép hóa rồng"!

ĐỖ THỊ NGỌC HÀ (Hà Nội)
ĐỖ THỊ NGỌC HÀ (Hà Nội)

TT - Một hội thảo khoa học mới đây ở Hà Nội bàn về chất lượng giáo dục đại học đi đến một nhận định “thống nhất” đáng buồn: chất lượng đào tạo đại học của VN đang tụt hậu quá xa so với thế giới!

4EjMpaKV.jpgPhóng to
Giờ thực hành của SV lớp kỹ sư tài năng CNTT Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhiều người đang kỳ vọng vào những “lớp chọn” như thế này để làm đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục ĐH - Ảnh: NH.Hùng

Một kết luận đủ làm giật mình những ai quan tâm đến giáo dục, trước nay vẫn tin giữ niềm tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc...

Lý do của sự tụt hậu ấy có nhiều. Nào là nhiều môn học của chương trình ĐH giáo trình còn chưa đồng bộ (thậm chí có môn học chuyên ngành đã tồn tại cả chục năm mà sinh viên vẫn phải học “chay”).

Cảnh thầy đọc - trò chép vẫn là phương pháp giảng dạy “ưa dùng”. Nào là chương trình ĐH của chúng ta đang ôm đồm một khối lượng kiến thức quá lớn, số giờ lên lớp nhìn chung nhiều hơn các nước đến 30%. Có thầy cô đảm đương cùng lúc nhiều môn học trong khi kiến thức không kịp chắt lọc nên yêu cầu, mục đích, đối tượng... từng môn học không được phân định rõ, dẫn đến trùng lắp, rối rắm như mớ bòng bong...

Giáo dục ĐH của chúng ta quả thật không khó để tìm ra những bất cập. Nhưng một nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến chất lượng ĐH yếu kém chính là khâu tuyển đầu vào có vấn đề. Đây cũng là nỗi bức xúc của xã hội trước mỗi kỳ thi ĐH. Nhiều thầy giáo có thâm niên trong nghề than phiền về một “típ” sinh viên thụ động, kém cỏi đến mức đáng ngạc nhiên. Khi thầy cô đề cập đến bất cứ vấn đề gì, nếu được hỏi, họ quyết đóng vai những “cán bộ kiên trung” bậc nhất bằng câu trả lời cực kỳ kinh điển: “Em không biết!”.

Lạ là kết quả thi vào ĐH của họ không hề kém cỏi, nếu không muốn nói là khá cao. Lạ hơn nữa, ngay những môn họ vẫn lễ phép trả lời “không biết” khi học, thì kết quả thi cuối kỳ vẫn cực kỳ khả quan. Người ta đã xì xào quá nhiều về những đường dây “trọn gói”, “thi bảo đảm, học bảo hành”. Bên lề quán nước vỉa hè, người ta có thể dẫn ra vanh vách cậu ấm nọ, cô chiêu kia thênh thang bước qua cánh cửa vào ĐH bằng bao nhiêu “vé”.

Năm rồi, công luận phấn khởi vì Tuổi Trẻ đã phanh phui một đường dây thi hộ. Suy cho cùng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nạn tiêu cực trong thi cử gây nhức nhối xã hội, phổ biến, lan tràn đến mức báo động nhất quyết không thể chỉ do mấy tay “tép riu”, lớ rớ vòng ngoài ấy tạo ra. Nhưng “khẩu thiệt vô bằng”. Những đường dây ngầm “đánh tráo nhân tài”, vàng thau lẫn lộn ấy vẫn là vòng cung bí ẩn, khép kín, được bao bọc kỹ lưỡng bởi cái vỏ tri thức thâm nghiêm và sang trọng. Không dễ gì tìm ra chứng cứ “chỉ tận tay, day tận mặt”. Sáng kiến tổ chức chấm thi tập trung tất cả các trường, đặt camera cả ở phòng thi và phòng chấm vẫn chưa được Bộ GD-ĐT cho thực thi... Tất nhiên vẫn có những chứng cứ khó mà chối cãi.

Một cán bộ ở trường ĐH nọ sau mấy năm tỉ mẩn giở học bạ phổ thông của những sinh viên trúng tuyển đã rút ra kết luận giật mình: không ít học sinh học rất kém thời phổ thông, thậm chí điểm những môn sẽ thi tuyển đầu vào ĐH còn chưa đạt mức trung bình. Vậy mà bất ngờ “cá chép hóa rồng”, họ vẫn xênh xang vào được cổng trường ĐH! Vẫn những môn học ấy, vẫn những sĩ tử đội sổ ấy, mà “cơ trời” (hay “cơ chế”) nào đã giúp họ lội ngược dòng ngoạn mục đến như vậy?

...Những câu chuyện vụn vặt này có thể không đủ tầm để các nhà quản lý giáo dục phải bận tâm nhiều, khi họ còn đang bận bịu lo cho việc sửa chữa những sai sót lớn về thí điểm chương trình, về tuyển sinh và cấp bằng... Song, nhiều người vẫn mong rằng chất lượng đào tạo ĐHVN sẽ khác và phải khác trong kết luận của những hội thảo 5-10 năm nữa.

Đảng, Nhà nước rất coi trọng giáo dục. Người dân hiếu học, chắt chiu đầu tư cho sự học. Một thế hệ trẻ thông minh, năng động muốn được đánh giá trung thực, thể hiện mình một cách trung thực... Chỉ cần những nhà quản lý giáo dục thật sự nghiêm túc lắng nghe những bức xúc từ dư luận, quyết tâm gột bỏ những ung nhọt dai dẳng mà một giáo sư có uy tín đã gọi thẳng là “sự hổ thẹn nghề nghiệp”.

Hãy bắt đầu từ những việc thiết thực thay vì viện ra những khó khăn hoặc kể lể thành tích. Đơn giản như lắp camera ở các phòng thi và chấm thi, tạo cơ chế giám sát tập trung. Cách làm đó chắc chắn sẽ hạn chế tiêu cực, được dư luận xã hội đồng tình.

ĐỖ THỊ NGỌC HÀ (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên