24/12/2008 05:14 GMT+7

Tiếng Anh sẽ là chuẩn đầu ra của sinh viên

Đ.T.DUY - Q.PHƯƠNG
Đ.T.DUY - Q.PHƯƠNG

TT - Tại buổi hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong đào tạo ĐH và sau ĐH” do ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức ngày 23-12, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho rằng phải đầu tư phương tiện giảng dạy tiếng Anh như đầu tư cho các ngành khác.

jcaVjA79.jpgPhóng to
Một buổi học với giảng viên nước ngoài của SV khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) -Ảnh: N.HÙNG

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết mục tiêu của ĐHQG TP.HCM đưa ra là đến năm 2013 sinh viên (SV) ra trường phải có những bước tiến rõ rệt về trình độ và năng lực sử dụng tiếng Anh và kỹ năng tiếng Anh sẽ là một trong chuẩn đầu ra đối với SV học tại ĐHQG TP.HCM.

Theo một khảo sát trình độ tiếng Anh của sinh viên ĐHQG TP.HCM qua kết quả thi tuyển sinh “ba chung” từ năm 2005-2008 của TS Lê Thị Thanh Mai - phó ban ĐH và sau ĐH, điểm thi trung bình môn tiếng Anh (khối D1) của sinh viên là 5,94 điểm. Trong đó Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM là thấp nhất với 5,72 điểm. TS Mai cho rằng điểm đầu vào môn tiếng Anh thấp là do nhiều nguyên nhân như: đề thi, trình độ của thí sinh hoặc đối tượng dự thi.

Trong khi đó, khảo sát của ĐHQG trong đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong đào tạo ĐH và sau ĐH tại ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2009-2013”, lại nổi lên việc thiếu giảng viên tiếng Anh. Theo đó, tính đến cuối tháng 8-2008, ĐHQG TP.HCM có 53.758 sinh viên ĐH, 5.560 học viên cao học, 400 nghiên cứu sinh nhưng chỉ có 184 giảng viên tiếng Anh.

Trong đó số giảng viên cơ hữu là 53 người, còn lại là thỉnh giảng. PGS.TS Dương Anh Đức, phó hiệu trưởng ĐH KHTN TP.HCM, nhận định việc dạy và học tiếng Anh hiện nay đang luẩn quẩn trong suy nghĩ và hành động: muốn chất lượng cao mà giá rẻ. Theo TS Đức, không thể nào có chất lượng tốt nếu như chi phí thấp. PGS.TS Nguyễn Văn Trình, phó trưởng khoa kinh tế, phân tích thêm: học phí thấp, trả lương cho giảng viên thấp thì những thầy cô giỏi sẽ tìm đến các trung tâm Anh ngữ bên ngoài.

TS Nguyễn Thị Kiều Thu, ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng chất lượng đào tạo tiếng Anh hiện nay chưa cao là do số sinh viên trong một lớp quá đông (50-60 sinh viên). Dạy trong lớp như thế giáo viên không thể nào cho sinh viên thực hành hết những kỹ năng về tiếng Anh.

Như thế, để đổi mới và nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong đào tạo ĐH và sau ĐH, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, cần tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên tiếng Anh, phải thường xuyên bồi dưỡng họ theo định kỳ và đưa các giảng viên này ra nước ngoài để tập huấn. TS Nghĩa nhấn mạnh không được xem giáo viên tiếng Anh là thầy giáo bậc hai như ở các trường THPT. Bên cạnh đó cũng cần cải cách lại giáo trình sao cho thống nhất và phù hợp với trình độ của sinh viên, sinh viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ phải có phương pháp dạy khác nhau...

Đ.T.DUY - Q.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên