22/11/2008 06:20 GMT+7

Xếp hạng đại học Việt Nam: Liệu có khách quan, đáng tin cậy?

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Lần đầu tiên ở VN sẽ có một bảng xếp hạng 139 trường ĐH do Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành. Song hành với việc xếp hạng này là những tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực.

KCumKDGB.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Phương Nga

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - giám đốc trung tâm - nhìn nhận:

- Xếp hạng các trường ĐH là xu thế toàn cầu, mang tính tích cực nhiều hơn tiêu cực, phản tác dụng. Đối với người học, bảng xếp hạng cũng là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để lựa chọn trường phù hợp. Với mỗi trường ĐH, việc xếp hạng được xem như một cơ sở để nhìn nhận lại các hoạt động của nhà trường, so sánh và đối chiếu với các tiêu chí xếp hạng và với các trường ĐH khác sẽ đem lại cho bản thân nhà trường và cộng đồng cái nhìn chính xác hơn và cụ thể hơn về một cơ sở đào tạo.

Tại VN, xếp hạng các trường ĐH trong khuôn khổ quốc gia là đòi hỏi chung của các tầng lớp trong xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục ĐH, các trường ĐH VN cần xác định được tương quan so sánh với các trường ĐH khác trong khu vực và trên thế giới để xác định phương hướng và lộ trình phát triển nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay so với thế giới.

* Cụ thể, phương thức xếp hạng các trường ĐH VN của trung tâm dự định được thực hiện như thế nào?

gRVeJvOJ.jpgPhóng to

Tỉ lệ SV/giảng viên là một trong những tiêu chí xếp hạng các trường ĐH về giảng dạy. Trong ảnh: giảng viên trẻ trong giờ dạy tại ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

- Để xếp hạng, chúng tôi sẽ phân các trường ĐH thành ba nhóm trường theo học vị cao nhất mà các trường được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo. Theo đó, sẽ có ba nhóm trường: nhóm có đào tạo sau ĐH đến trình độ tiến sĩ, nhóm có đào tạo đến trình độ thạc sĩ và nhóm đào tạo tới trình độ ĐH.

Việc xếp hạng các trường ĐH cần phản ánh được hai hoạt động chính của nhà trường là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong nghiên cứu khoa học phải bao hàm cả chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các trường ĐH được xếp hạng theo cùng nhóm theo từng lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Điều này có nghĩa sẽ có khả năng có trường ĐH đạt thứ hạng cao về giảng dạy nhưng có thể có vị trí thấp hơn trong nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở xếp hạng hai lĩnh vực này, chúng tôi sẽ tổng hợp và xếp hạng chung cả hai lĩnh vực theo trọng số đã được nghiên cứu cho các trường ĐH cùng nhóm. Ngoài ra, tất cả trường ĐH cũng được xếp hạng chung (không phân theo nhóm) cho từng lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sau đó tất cả các trường ĐH sẽ được xếp hạng tổng hợp lại trong cùng một bảng xếp hạng theo trọng số của từng lĩnh vực.

Đối với mỗi lĩnh vực có bảy tiêu chí để xếp hạng. Trong đó có năm tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo, rút kinh nghiệm từ các phương pháp xếp hạng khác. Hai tiêu chí mang đặc thù của VN, phản ánh thực tế của VN, đồng thời xuất phát từ các quy định của VN. Đây là xếp hạng quốc gia nên phải có tính đặc thù. Các trường ĐH VN sẽ thấy các tiêu chí phù hợp. Tiêu chí quá cao sẽ không với tới được, quá sức các trường hiện nay, đánh giá sẽ không chính xác. Cũng xin nói thêm các tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở đã có sự phối hợp nghiên cứu, làm việc, có sự phản biện của các chuyên gia nước ngoài.

Về quy trình thực hiện, Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục sẽ thu thập số liệu để triển khai xếp hạng các trường ĐH ngay trong năm 2008 và chỉ xếp hạng các trường ĐH đã có SV tốt nghiệp từ năm 2007 trở về trước. Có 139 trường ĐH sẽ được xếp hạng. Mốc thời gian để lấy số liệu là của năm năm liền kề với thời điểm bắt đầu lấy số liệu, trừ các trường hợp được nêu rõ trong từng tiêu chí xếp hạng. Riêng tiêu chí về SV tốt nghiệp sẽ lấy số lượng SV tốt nghiệp năm 2006-2007 so với số SV nhập học cùng khóa. Dự kiến công bố các bảng xếp hạng vào đầu năm 2009.

* Việc xếp hạng sẽ căn cứ trên những nguồn dữ liệu nào? Làm sao có thể thuyết phục bản thân các trường cũng như xã hội về mức độ tin cậy của dữ liệu và kết quả xếp hạng?

- Số liệu để xếp hạng được thu thập từ các nguồn chính sau: số liệu từ Bộ GD-ĐT, các báo cáo từ đánh giá của nhà trường đã được thẩm định và các báo cáo đánh giá ngoài để kiểm định chất lượng. Nguồn thứ hai là số liệu trên website của trường và trên các công cụ tìm kiếm xác định các thông tin. Nguồn thứ ba bằng các phiếu khảo sát (khi cần thông tin bổ sung) gửi trực tiếp đến các trường.

* Nhưng với các tiêu chí, phương thức thu thập dữ liệu như vậy có đủ căn cứ để đánh giá các trường một cách toàn diện và đưa ra thứ hạng chính xác?

- Với sự tồn tại trên 25 năm từ ngày xuất hiện, việc xếp hạng các trường ĐH, các phương pháp xếp hạng đã có những bước phát triển và cải tiến nhất định. Nhưng có thể nói chưa có phương pháp xếp hạng nào là hoàn hảo 100% . Song hành với việc xếp hạng là những tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực. Vì thế khi tiếp cận để khai thác kết quả của các bảng xếp hạng các trường ĐH, chúng ta cần hết sức thận trọng. Tác động tiêu cực của các bảng xếp hạng sẽ được nhân lên nếu bản thân các trường ĐH cạnh tranh không lành mạnh nhằm nâng thứ hạng của trường mình trong bảng xếp hạng. Hoặc các kết quả xếp hạng bị khai thác sử dụng không đúng mục đích.

Tất cả các bảng xếp hạng đều không thể phản ánh đầy đủ về chất lượng tổng thể của một trường ĐH mà chỉ là kết quả so sánh giữa các trường ĐH về các nguồn lực và một số kết quả trường ĐH đạt được trong khuôn khổ các tiêu chí của bảng xếp hạng mà thôi. Cũng chính vì vậy khi xếp hạng các trường ĐH VN, chúng tôi không dùng cụm từ “xếp hạng chất lượng” mà chỉ xếp hạng các trường từ trên xuống dưới theo tập hợp bảy tiêu chí trong từng lĩnh vực, đồng thời xếp hạng tổng hợp cả hai lĩnh vực.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên